Câu chuyện V-League: Mặt sân xấu, biết rồi khổ lắm nói mãi
HLV trưởng CLB Thanh Hóa, Velizar Popov, đã phải thốt lên sau trận hòa Hà Nội FC, rằng mặt cỏ ở Việt Nam quá xấu, khiến cho cầu thủ khó có thể triển khai bóng.
"Tôi đã từng làm việc tại Myanmar, Malaysia và Thái Lan, nhưng V-League mới là giải đấu khốc liệt nhất Đông Nam Á. Để tìm một chiến thắng là rất khó khăn. Nó liên quan đến vấn đề mặt sân quá xấu và cả công tác trọng tài nữa", Velizar Popov phát biểu sau trận đấu với Hà Nội FC mới đây.
Đây là trận đấu rất hay của đội bóng xứ Thanh, trong đó phải kể đến yếu tố tinh thần. Nhưng, nếu chơi trên một mặt sân chất lượng hơn, chưa chắc Thanh Hóa đã cầm chân được đội bóng từng có 5 chức vô địch V-League trong 12 năm qua. Lần đầu tiên sau 13 năm, Thanh Hóa không thua Hà Nội tại Hàng Đẫy.
Sân Hàng Đẫy từng là niềm tự hào của Hà Nội FC, với mặt sân đạt chuẩn. Tuy nhiên, đấy là khi chỉ có CLB Hà Nội chơi ở Hàng Đẫy, còn lúc này thì sao?! Có đến 3 đội bóng ở V-League chọn Hàng Đẫy làm sân nhà, điều mà chúng ta chỉ được thấy trong thời bóng đá bao cấp, với Hải Quan, Cảng Sài Gòn và Công an TP.HCM chọn Thống Nhất làm đại bản doanh vậy.
Mật độ thi đấu quá dày khiến cho mặt cỏ Hàng Đẫy gần như không thể phục hồi. Nhưng tại V-League, đâu chỉ có Hàng Đẫy xuống cấp?! Ngay cả sân Thanh Hóa, Hòa Xuân (Đà Nẵng) và sân 19/8 Nha Trang (Khánh Hòa) mặt sân cũng rất tệ.
Chúng ta đều thống nhất với nhau rằng, để có một sản phẩm bóng đá tử tế, yếu tố đầu tiên quan trọng là chất lượng mặt cỏ, rồi mới tính đến con người hay phương pháp làm việc. Song có vẻ như bao năm qua, những nhà làm bóng đá vẫn chưa ý thức hết điều này. Thậm chí, mặt cỏ SVĐ QG Mỹ Đình từng lên cả báo chí thế giới. Người Australia đã ví nó giống như đám cỏ cho... bò gặm.
Những mặt sân tốt nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại thuộc về Thống Nhất, Thiên Trường, Lạch Tray, Gò Đậu và Quy Nhơn. 3/4 đội bóng này vẫn đang bay cao trên bảng xếp hạng. Mùa trước, Hải Phòng và Bình Định đã lần lượt đoạt ngôi á quân và hạng Ba V-League, chỉ thua mỗi Hà Nội FC.
Mặt cỏ sân Gò Đậu hiện vẫn dùng loại cỏ lá gừng, nhưng mặt sân luôn được cắt tỉa, chăm sóc kỹ lưỡng, tựa thảm nhung vậy. Trong nhiều năm, BTC sân Gò Đậu cũng luôn nhận danh hiệu xuất sắc V-League và nó không chỉ có mặt cỏ, mà là công tác tổ chức và các phòng chức năng đạt chuẩn chuyên nghiệp.
Có lẽ, không nhiều người biết, bên cạnh sân thi đấu chính, cụm sân Gò Đậu còn có ít nhất 2 sân tập với mặt cỏ cũng rất chất lượng. Và nó giảm tải rất nhiều cho sân thi đấu, trong việc xếp lịch tập cho cả đội nhà và đội khách.
Trong số 14 CLB ở V-League, liệu có đội bóng nào được như B.Bình Dương, Viettel, HAGL, Thép xanh Nam Định và CLB Hà Nội, với hệ thống sân tập đạt chuẩn?! Chúng ta, phần lớn chỉ tính đến sân thi đấu chính, mà quên mất chi tiết quan trọng này. Và ngay cả sân thi đấu chính, cũng chăm không tới, thì bàn gì tới sân phụ hay sân tập...
Chuyện biết rồi, khổ lắm nhưng vẫn phải nói!