Cậu bé bị viêm tủy nặng, có nguy cơ phải cắt cụt tay do làm điều này mỗi ngày: Thói quen tai hại nhiều người mắc phải
Ngay cả những người trưởng thành cũng mắc phải thói quen xấu này mà không biết nó đang hủy hoại sức khỏe của bạn.
Xiaoyu (13 tuổi, Trung Quốc) thích cắn ngón tay từ nhỏ, đặc biệt là khi cậu lo lắng, không kiểm soát được bản thân. Ngón tay của cậu luôn trong tình trạng tổn thương. Gần đây, ngón tay trỏ bên phải của cậu đột nhiên sưng đỏ, viêm nặng, gây đau nhức. Ngay sau đó, cha mẹ đã đưa cậu đến trạm y tế gần nhà để tiêm thuốc chống viêm nhưng tình trạng không thuyên giảm. Các ngón tay đau dữ dội, thậm chí cậu còn bị sốt cao tới 40 độ C.
Thấy tình hình nghiêm trọng, cha mẹ lập tức đưa cậu tới bệnh viện Đại học Y Liên minh Vũ Hán thăm khám. Từ kết quả chụp X-quang, giáo sư Li Tao phát hiện Xiaoyu không chỉ bị nhiễm trùng, xuất hiện mủ trên da mà xương còn bị phá hủy. Kết hợp với triệu chứng sốt cao, người đau nhức, giáo sư phán đoán cậu đang bị viêm tủy xương cấp tính.
Ngay lập tức, giáo sư đã tiến hành phẫu thuật khẩn cấp cho Xiaoyu. Quá trình phẫn thuật diễn ra suôn sẻ. Toàn bộ mủ ở các ngón tay được loại bỏ, mô xương hoại tử cũng được làm sạch.
Theo giáo sư Li Tao, khoang miệng của con người chứa nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây bệnh và kháng thuốc mạnh. Vì thế, nếu bạn cắn ngón tay sẽ khiến phần mô da nhiễm trùng, gây sưng tấy, xuất hiện mủ, đau nhức dữ dội. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến hoại tử gân, viêm tủy. Nếu không được điều trị kịp thời có thể phải cắt cụt ngón tay để bảo vệ tính mạng.
Khi phát hiện các ngón tay bị nhiễm trùng cấp tính, người bệnh cần được tiến hành khử trùng vết thương càng sớm càng tốt. Đối với vùng có mủ, cần kịp thời mở rộng vết thương để loại bỏ mủ. Sau đó, người bệnh cần thay băng thường xuyên cho đến khi không còn mủ mới có thể lành vết thương.
Giáo sư Li Tao cho biết, mút tay là phản ứng bản năng sau khi sinh. Đối với trẻ từ 2-4 tuổi, đây là hình vi bình thường, có lợi cho việc hình thành phản xạ, nhận thức cảm xúc và phối hợp vận động.
Tuy nhiên, nếu hành vi này vẫn tiếp diễn khi trẻ lớn lên sẽ gây nguy hại lớn. Ngoài việc tổn thương tay và có thể bị hoại tử, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khuôn mặt do liên tục sử dụng khớp cắn. Cắn ngón tay trong thời gian dài còn có thể gây ra hàng loạt vấn đề tâm lý.
Cắn ngón tay còn là biểu hiện của người mắc chứng "rối loạn ám ảnh cưỡng chế"
Hiệp hội Tâm thần Mỹ (American Psychiatric Association) vừa công bố, cắn móng tay cũng được xếp vào trong danh sách "rối loạn ám ảnh cưỡng chế" (Obsessive Compulsive Disorder: OCD). Nhưng không có nghĩa là tất cả người cắn móng tay đều mắc căn bệnh này.
Đối với một số người, thỉnh thoảng cắn móng tay, xé da chết cũng giống như động tác sờ tóc một cách tự nhiên. Nhưng người có thói quen cắn móng tay thường gây tổn thương cho ngón tay, dẫn đến nhiễm trùng. Đây là một đặc trưng của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Người mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế sẽ lặp đi lặp lại một hành vi để giảm bớt cảm xúc tiêu cực và lo lắng như nhổ tóc, gãi, cắn móng tay,... Một số người bệnh ý thức được hành vi của mình là không lý trí nhưng không thể kiểm soát bản thân.
Tuy nhiên, chỉ có một số người có thói quen cắn móng tay mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi người có thể tiếp tục cắn móng tay thỏa thích. Bởi vì theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, một khi móng tay hoặc làn da có vết thương sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, lớp da cạnh móng tay có thể bị thương tổn.
Hơn nữa, bàn tay vốn dễ bị nhiễm khuẩn, nếu ăn vi khuẩn vào bụng thì sẽ phát bệnh và cảm cúm. Vì sức khỏe của chính mình, nếu ai đang có thói quen xấu cắn móng tay thì hãy chấm dứt ngay. Nếu trong nhà, trẻ nhỏ có thói quen này, các bậc cha mẹ không nên bỏ qua, hãy lập tức sửa chữa hành vi cho trẻ, tránh tình hình trở nên xấu đi.