Cắt giảm lương mùa dịch: Cuộc chiến giữa cầu thủ, đội bóng và Premier League
(Thethaovanhoa.vn) - Thông báo ưu tiên cắt giảm 30% tiền lương khiến các cầu thủ bất ngờ khi Premier League không tham khảo Hiệp hội cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp (PFA), trong lúc rắc rối từ kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc của một số đội bóng tiếp tục khiến các cuộc đàm phán kéo dài hơn.
Ban đầu, 20 đội trưởng của Premier League bất ngờ, và sau đó là giận dữ. Tình hình này vẫn không thay đổi nhiều kể từ đấy, và có thể để lại những hậu quả nặng nề.
Mâu thuẫn trầm trọng
Ở đây, khi Premier League đưa ra một thông báo vào ngày 3/4 rằng, họ có thể yêu cầu các cầu thủ cắt giảm hoặc hoãn nhận 30% tiền lương, họ nghĩ rằng vấn đề này chỉ cần được các đội trưởng hoặc PFA thông qua.
Điều đó thực tế đã không xảy ra và mọi chuyện đáng nói hơn là chính các đội bóng đã thảo luận nội bộ từ con số ban đầu là 40% trong hội nghị trực tuyến từ thứ Sáu trước đấy.
Tất cả giờ khiến các cầu thủ bất ngờ. Cắt giảm 30% đã là quá tệ, vậy mà các đội bóng còn thảo luận tới 40%, như một trong số những cầu thủ cho biết. Và việc không bàn luận vấn đề này với các cầu thủ đã đẩy họ đến suy nghĩ họ không được tôn trọng và như thế, thật khó để tìm được nói chung giữa 20 đội bóng với nhau. Do vậy mà các bên không đạt được thỏa thuận về cắt giảm lương cho đến giờ, nếu không muốn nói mọi tình hình đang trở nên tồi tệ hơn.
Nhìn rộng ra, đó là sự bất đồng giữa các triệu phú và tỉ phú xung quanh một chữ “tiền”. Hiển nhiên thì điều này chỉ làm cho bóng đá thêm khủng hoảng và sự khác biệt quan trọng chắc chắn không hoàn toàn là khía cạnh tài chính mà là giữa các cầu thủ triệu phú và những ông chủ tỉ phú.
Bởi các cầu thủ sẵn sàng từ bỏ một số tiền đáng kể, như họ đã nói rõ, nhưng họ muốn tất cả số tiền đó sẽ dành cho Dịch vụ Y tế quốc gia trong cuộc chiến phòng, chống virus corona hoặc cho các quỹ từ thiện khác.
Ngược lại, các CLB nói rằng họ rất cần số tiền cắt giảm này ở lại trong ngân sách đội bóng để duy trì sự tồn tại. Đây là vấn đề cốt lõi nhưng cho đến nay chưa thấy bất cứ đề xuất về một giải pháp nào. Và tình hình càng trở nên khó khăn hơn là trong mọi rắc rối đang diễn ra có một số quyết định có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống của nhiều người khác - trên hết là liệu nhân viên đội bóng có thể được trả lương hay không.
Điều đáng nói là cầu thủ giảm lương có vẻ như không có ích lợi gì khi nhiều nhân viên được cho nghỉ việc và do vậy, nó đã khiến các đội trưởng, nhất là trong nhóm Big 6, càng khó chịu hơn. Chẳng hạn như nhiều cầu thủ cảm thấy bực mình về kế hoạch cho nhân viên nghỉ việc của Tottenham và buộc Bộ trưởng Y tế Matt Hancock phải lên tiếng. Hay quyết định ban đầu của Liverpool về việc xin trợ cấp của chính phủ đã làm tình hình thêm tồi tệ hơn, đặc biệt vào cái ngày các đội trưởng tổ chức hội nghị trực tuyến với Premier League.
Bế tắc
Như đã nói ở trên, phía cầu thủ tỏ ra không hài lòng về việc họ bị vứt qua một bên bởi trong toàn bộ vấn đề, chính vai trò của Premier League mới là ít nhất chứ không phải họ. Điều này cũng có nghĩa tiếng nói của cầu thủ không quan trọng, trong khi các đội bóng chắc chắn sẽ làm mọi cách để lấy tiền trở lại túi mình. Đấy là vấn đề cần được nói đến khi thực tế 20 đội bóng không mất hàng trăm triệu bảng tiền truyền hình.
Vì thế, các cầu thủ không muốn có bất kỳ sự cắt giảm nào ở các điều khoản của họ. Và họ tỏ ra rất cứng rắn về điều này.
Tuy nhiên, nhiều quan chức lo sợ tình hình tài chính khó khăn có thể đẩy một đội bóng ở Premier League vào tình trạng phá sản. Chẳng gì thì các trận đấu không diễn ra nghĩa là không có tiền vé, không có doanh thu bán hàng, trong lúc nguồn thu cuối cùng là từ truyền hình lại chưa có gì rõ ràng. Hoặc nếu có tiền truyền hình thì thâm hụt ngân sách của những đội bóng nhỏ như Watford hay Bournemouth vẫn là rất lớn nếu so với Big 6.
Phía các CLB cho rằng, tiền lương của cầu thủ là chi phí lớn nhất bởi ngay cả khi họ đồng ý hoãn nhận lương thì đây vẫn là số nợ của đội bóng. Còn nếu họ cắt giảm lương dành tặng Dịch vụ Y tế quốc gia hay các quỹ từ thiện, họ sẽ không bị đánh thuế và như thế, họ cũng không mất gì…
Rốt cuộc, vấn đề cắt giảm tiền lương tại Premier League tiếp tục bế tắc và sẽ không thể được giải quyết trong ngày một ngày hai khi quyền lợi của mỗi bên đều chưa có sự thống nhất. Và thời gian thì không chờ ai cả.
Mạnh Hào