Cấp thiết xây dựng trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường bộ cao tốc
Thời gian qua một loạt tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam dù đã hoàn thiện đưa vào khai thác như ở khu vực phía Bắc có Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Tuý Loan hay ở khu vực phía Nam có Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh, Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Trung Lương - Mỹ Thuận... nhưng chưa có trạm dừng nghỉ.
Cá biệt, tại tuyến cao tốc dài 200 km từ Vĩnh Hảo (Bình Thuận) đi Dầu Giây (Đồng Nai) nhưng cũng không có trạm dừng nghỉ nào. Điều này gây khó khăn, phiền toái cho tài xế và hành khách.
Các chuyên gia giao thông cho hay, trạm dừng nghỉ với chức năng chính là phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đều chưa có trạm dừng nghỉ dẫn tới nhiều tài xế, hành khách đi cao tốc bức xúc khi phải tự biến mình thành "người kém văn minh" vì buộc phải dừng ở các đoạn dừng khẩn cấp để đi vệ sinh. Chưa kể, đi kèm đó là nguy cơ tiềm ẩn khi xe hết nhiên liệu giữa đường, hay tai nạn khi dừng nghỉ trên cao tốc, vi phạm các quy định về giao thông đường bộ có thể bị xử phạt. Do vậy, cần phải sớm đầu tư để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia giao thông, đặc biệt là vấn để bảo đảm an toàn giao thông khi tránh hiện tượng phương tiện dừng đỗ trên tuyến để giải quyết nhu cầu cá nhân.
Thống kê của Cục Đường cao tốc Việt Nam, đến nay, mới có 7/41 trạm dừng nghỉ đã được hoạch định trong báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được đưa vào khai thác; trong đó có 2 trạm trên cao tốc Bắc Giang - Hà Nội, 1 trạm trên đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình, 1 trạm đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, 1 trạm trên cao tốc La Sơn - Hòa Liên, 1 trạm trên cao tốc Tp. Hồ Chí Minh- Long Thành - Dầu Giây, 1 trạm trên cao tốc Bến Lức - Trung Lương.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, xác định những bất cập hiện tại, chia sẻ với sự khó khăn, bất tiện của người dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư trạm dừng nghỉ, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Giao thông Vận đã khẩn trương xây dựng và ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT hướng dẫn lập, phê duyệt, mời gọi đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Đây là văn bản được xem là cơ sở pháp lý để cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục đầu tư trạm dừng nghỉ, đến nay các cơ quan tham mưu đã hoàn thành thẩm định, trình, phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ.
Theo đó, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông bố trí 36 trạm (khoảng cách bình quân giữa các trạm khoảng 59 km); trong đó gồm 7 trạm đã đưa vào khai thác và 2 trạm đang đầu tư, 27 trạm còn lại sẽ lựa chọn nhà đầu tư để triển khai thực hiện.
Trong số 27 trạm chưa đầu tư, có 20/27 trạm được hoạch định quy mô khoảng 5 ha/bên, 7/27 trạm gần các đầu mối giao thông, các đô thị lớn hoạch định với quy mô khoảng 3 ha/bên, bảo đảm cung cấp đầy đủ dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đường cao tốc. Toàn bộ các trạm dừng nghỉ chưa đầu tư sẽ được lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đối với một số dự án thành phần đã và đang chuẩn bị đưa vào khai thác, từ tháng 5/2023, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã chấp thuận và giao nhiệm vụ cho các Ban Quản lý dự án cùng tư vấn phối hợp với các địa phương triển khai thủ tục đầu tư, xây dựng hồ sơ danh mục dự án công trình để kêu gọi đầu tư đối với 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Dự kiến, việc công bố danh mục dự án sẽ được hoàn thành trong tháng 8/2023. Công tác tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khoảng từ 3 - 5 tháng. Thời gian dự kiến để các nhà đầu tư hoàn thành thủ tục và triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ khoảng 9 - 12 tháng, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất.
Với tiến độ nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, ít nhất phải đến cuối năm 2024 thì 8 trạm dừng nghỉ thuộc các dự án nêu trên mới được đưa vào khai thác, sử dụng.
Về giải pháp tạm thời, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Ban quản lý dự án, trước mắt, với các tuyến cao tốc mới đưa vào sử dụng, trong khi chờ chọn nhà đầu tư, sẽ nghiên cứu mở các điểm dừng nghỉ tạm. Các điểm dừng nghỉ tạm sẽ phần nào giải quyết nhu cầu bức thiết nhất của tài xế, người dân đi cao tốc, như đi vệ sinh, dừng xe nghỉ khi mệt mỏi, nhưng có thể nó chưa được sạch đẹp, chưa có dịch vụ nào đáng kể.
Trong một diễn biến liên quan, lãnh đạo Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đơn vị này đang hoàn thiện và trình Bộ Giao thông Vận tải hồ sơ thiết kế 4 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Theo thiết kế, mỗi trạm dừng nghỉ rộng 5 ha, bố trí ở cả hai hướng lưu thông. Các tiện ích ở mỗi trạm đảm bảo đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân khi dừng nghỉ trên cao tốc như xăng dầu, ăn uống, nghỉ ngơi, mua sắm, giải trí...
Trước đây, mỗi trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dự kiến chỉ rộng 1 ha. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu lớn hơn trong tương lai khi hệ đường cao tốc từ Bắc vào Nam thông suốt, Ban quản lý dự án 7 đã tăng quy mô của trạm lên 5 ha.
Ban quản lý dự án 7 đã xác định 2 vị trí đặt 4 trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Theo đó, một trạm dừng nghỉ đặt tại Km205 thuộc xã Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) cách nút giao Ma Lâm khoảng 3 km. Vị trí thứ 2 là tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Tại mỗi vị trí sẽ có 2 trạm dừng nghỉ đối diện nhau ở cả 2 chiều lưu thông.
Việc xây dựng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết sẽ được đấu thầu. Doanh nghiệp trúng thầu tự bỏ chi phí xây dựng, khai thác theo thời gian ký kết trong hợp đồng. Ban quản lý dự án 7 đang trình hồ sơ cho Bộ Giao thông Vận tải để chọn nhà đầu tư đủ năng lực.
Tương tự, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, đang tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để triển khai 2 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quy mô 2 trạm là 4 ha.
Cụ thể, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km sẽ được đầu tư 2 trạm dừng nghỉ ở cả 2 hướng tuyến, mỗi trạm dừng nghỉ có diện tích 2 ha. Vị trí dự kiến đặt trạm là đoạn giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận.
Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án Thăng Long, việc triển khai các trạm dừng nghỉ còn liên quan tới công tác thiết kế, đấu thầu, phê duyệt chọn lựa nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng... Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu triển khai chọn lựa nhà đầu tư thực hiện trạm dừng nghỉ.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải thông tin thêm, khi thiết kế các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) đều có định hướng vị trí đặt trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, trạm dừng nghỉ có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nhờ các dịch vụ thương mại đi kèm, nên ưu tiên phương án kêu gọi đầu tư xã hội hóa, không đưa vào hạng mục đầu tư sử dụng vốn của dự án cao tốc (vốn ngân sách).
Với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn 2), theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, rút kinh nghiệm từ triển khai giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ đồng thời với triển khai dự án. Đảm bảo khi các dự án cao tốc này đi vào khai thác sẽ có trạm dừng nghỉ đưa vào sử dụng đồng thời.