Cấp thiết bảo vệ di tích hơn 300 năm tuổi bị xâm hại
Từng là nơi lưu giữ dấu vết của những ngày đầu hình thành vùng đất Sài Gòn nhưng hiện nay Lò gốm Hưng Lợi (Quận 8) - di tích hơn 300 năm tuổi đang bị xâm hại nghiêm trọng.
Từ di tích thành phế tích
Khu di tích Lò gốm Hưng Lợi hay còn gọi là Lò Lu, Lò Cây Keo nằm trên địa bàn phường 16 (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích khảo cổ học Quốc gia vào năm 1998.
Theo hồ sơ công nhận, Khu di tích Lò gốm Hưng Lợi có diện tích hơn 50.000m2, được chia thành 3 khu vực. Trong đó, khu vực lõi bảo vệ nghiêm ngặt là 836m2, bao quanh bởi khu vực 2 với khoảng 10.000m2. Thế nhưng hiện hai khu vực này đã bị đào bới, san lấp, trồng cây xanh và có hơn 100 căn nhà mọc lên.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Quận 8, sau khi được công nhận di tích quốc gia, khu vực 1 đã được xây dựng cổng, tường rào, hàng rào lưới thép, lắp mái che kết cấu bằng gỗ. Tuy nhiên, quá trình từ khi khai quật, được công nhận là di tích cấp quốc gia đã gặp sự phản ứng quyết liệt của người dân về sở hữu và đền bù. Từ đó, việc bảo tồn, bảo vệ di tích ngày càng gặp khó khăn.
Sau 24 năm được công nhận Di tích khảo cổ học Quốc gia, do không có Ban quản lý và không được trùng tu, bảo vệ nên di tích đã bị lấn chiếm, xâm hại, trở thành phế tích.
Là người trực tiếp nghiên cứu, khai quật và làm hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích khảo cổ học Quốc gia, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi chuẩn bị kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử thành phố - nơi bà đang là Phó Giám đốc được giao nhiệm vụ điều tra, khảo sát các di tích trên địa bàn, trong đó có Lò gốm Hưng Lợi.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu, từ sau khi khai quật, nhóm khảo cổ nhìn thấy nguy cơ vì đây là khu vực đang đô thị hóa mạnh, người dân đã đào vùng ven của lò lấy phế phẩm gốm để đắp đường và móng nhà. Thực tế hiện nay, di tích đang bị người dân sinh sống xung quanh xâm hại.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu cho rằng, việc này là trách nhiệm của địa phương, cơ quan quản lý văn hóa và nhà nghiên cứu vì đã không có động thái cảnh báo nguy cơ. Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cần có dự án phục hồi di tích này dựa trên hồ sơ khai quật năm 1998.
"Tôi tình nguyện tư vấn để phục dựng một phần di tích này. Tuy biết là việc tái tạo, phục dựng không thể như nguyên bản nhưng tâm huyết thôi thúc tôi phải làm", Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu nói.
Đưa di tích vào dự án cấp bách bảo tồn
Là Di tích khảo cổ học Quốc gia được công nhận hơn 24 năm, về mặt pháp lý, Lò gốm Hưng Lợi được bảo vệ bởi Luật Di sản văn hóa và một số quy định liên quan khác. Song với hiện trạng di tích hiện nay, rõ ràng vấn đề trách nhiệm của địa phương và ngành văn hóa cần phải đặt ra.
Ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Ủy ban nhân dân các cấp sẽ trực tiếp quản lý các di tích. Sở và Quận 8 đã nhiều lần họp, trao đổi, thống nhất nhiệm vụ cần làm, gồm việc điều chỉnh lại khu vực bảo vệ và tôn tạo di tích. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lại khu vực bảo tồn di tích phải xin ý kiến từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 8 lại cho rằng, di sản cấp quốc gia trực tiếp quản lý là thành phố vì thực tế ở cấp quận không biết được giá trị của khảo cổ học. Riêng ở góc độ địa phương, qua nhiều đời lãnh đạo, quận đã kiểm điểm Chủ tịch UBND các phường, cán bộ địa chính phường, lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin vì để người dân xâm hại di tích.
Để xảy ra tình trạng trên, theo ông Nguyễn Thanh Sang, Quận 8 đang trong quá trình đô thị hóa, khu đất tại lò gốm lại trống trong thời gian dài, người dân làm liều nên di tích bị xâm hại. Ông Nguyễn Thanh Sang lý giải, địa phương ít được thông tin về khu di tích nên người dân tại quận không biết được giá trị của di tích. Ông cũng mới nghe đầy đủ từ Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu về giá trị khu di tích này.
Về trách nhiệm của các sở, ngành, đặc biệt là Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của Sở đã tham mưu vấn đề này cho lãnh đạo thành phố ở mức độ nào. Đây là di tích khảo cổ học quốc gia, được chi phối bởi các quy định pháp luật rất rõ ràng.
- Viện Bảo tồn di tích đề xuất hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu
- Bảo tồn di tích: Tệ hại vì cơn sốt... trùng tu
- Phát triển nguồn nhân lực bảo tồn di tích
Theo ông Cao Thanh Bình, việc đặt vấn đề bảo tồn di tích lò gốm Hưng Lợi đến nay là quá muộn. Trước mắt, Ủy ban nhân dân phường 16, Quận 8, phải làm ngay công tác tuyên truyền, vận động người dân; đưa lực lượng thanh niên tình nguyện, lực lượng công tác xã hội hỗ trợ dọn dẹp lại di tích. Cùng với đó, phường có thể thực hiện xã hội hóa, huy động nhà hảo tâm gắn camera an ninh kết nối về Công an phường để thường xuyên theo dõi tình hình an ninh trật tự ở khu vực này.
Về lâu dài, ông Cao Thanh Bình đề nghị, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh và cơ quan chức năng cần có trách nhiệm đưa di tích vào dự án cấp bách, báo động đỏ, hoàn thiện dự án phục dựng, tôn tạo lại di tích này. Trong đó, Sở phải tham mưu để thành lập Ban quản lý di tích. Về phía Hội đồng nhân dân thành phố, ông Cao Thanh Bình sẽ có báo cáo cấp bách gửi đến thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình trạng của di tích này.
Lò gốm Hưng Lợi thuộc làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn xưa và là khu vực lò gốm duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh còn tồn tại. Vào giữa thế kỷ XVIII-XIX, nơi này sản xuất chủ yếu là lu gốm, giai đoạn thứ hai sản xuất đồ trang trí nội thất và công cụ làm vườn, giai đoạn thứ ba sản xuất vật dụng ăn uống. Sau này, người Pháp di dời làng nghề của Sài Gòn cũ ra khu vực khác, trong đó nhiều người di dời đến khu vực Lái Thiêu ở tỉnh Bình Dương và Tân Vạn ở Đồng Nai, tiếp tục nghề gốm dưới thương hiệu khác.
Thu Hương/TTXVN