Cập nhật tình hình Nga - Ukraine: G7 tiến hành họp kín về Ukraine
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Đọc thêm các thông tin về tình hình Nga - Ukraine TẠI ĐÂY
G7 tiến hành họp kín về Ukraine - Ngoại trưởng Nga khẳng định luôn sẵn sàng đối thoại
Ngày 24/2, lãnh đạo các nước thuộc Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã tiến hành họp kín trực tuyến để thảo luận về tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. G7 gồm các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ.
Dự kiến tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo G7 sẽ thống nhất các phản ứng chung trước diễn biến căng thẳng hiện nay tại miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại đây. Trước đó, các nước thành viên G7 đã tìm cách thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản dự kiến áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính của Nga cũng như hạn chế xuất khẩu, trong khi Mỹ cũng đề nghị áp đặt trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính và công nghệ cao của Nga.
Nhà Trắng cho biết trước cuộc họp G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Ukraine. Tổng thống Biden đã tuyên bố Mỹ và các đồng minh cùng đối tác sẽ có phản ứng một cách thống nhất và quyết đoán trước những động thái của Nga tại miền Đông Ukraine.
Trong diễn biến liên quan cùng ngày 24/2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moskva luôn sẵn sàng đối thoại, đồng thời bày tỏ hy vọng vẫn còn cơ hội để quay trở lại các nghĩa vụ quốc tế. Hãng tin Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng các biện pháp mà Moskva thực hiện ở Ukraine là nhằm đảm bảo an ninh cho người Nga. Ông nêu rõ khi Nga thực hiện các biện pháp mà Tổng thống Vladimir Putin đã công bố để đảm bảo an ninh của đất nước và người dân Nga, Moskva chắc chắn sẽ luôn sẵn sàng tiến hành đối thoại.
Phản ứng của Nga về lệnh trừng phạt của EU và Mỹ
Ngày 24/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24/2 ra tuyên bố cho biết Nga sẽ đáp lại châu Âu và Mỹ bằng các biện pháp trả đũa sau khi các nước phương Tây tìm cách trừng phạt Moskva vì căng thẳng tại Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo một gói các biện pháp đáp trả việc Moskva công nhận Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) tại miền Đông Ukraine. EU tuyên bố đây mới chỉ là phần đầu trong gói những biện pháp “chưa có tiền lệ” mà Brussels đã chuẩn bị đối với Nga.
Phần còn lại đang được chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống bùng phát xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ cùng Đức áp đặt những biện pháp cản trở nhằm vào dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Trong một diễn biến mới nhất cùng ngày, EU đã triệu Đại sứ của Nga tại EU Vladimir Chizhov để phản đối về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, đồng thời đề nghị Moskva chấm dứt ngay lập tức chiến dịch này. Thông báo của cơ quan chính sách đối ngoại của EU cho biết Hội nghị thượng đỉnh EU khẩn cấp sẽ diễn ra tối 24/2 tại Brussels để đưa ra phản ứng tiếp theo của EU.
Châu Âu cấm các chuyến bay dân sự qua không phận Ukraine
Ngày 24/ Cơ quan Hàng không dân sự Italy (ENAC) cho biết cho biết giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã ra lệnh cấm các chuyến bay dân sự qua không phận Ukraine và các khu vực lân cận. Thông báo của ENAC cho biết quyết định trên được thực hiện từ đầu từ ngày 24/2, với lý do đảm bảo an toàn bay.
Trước đó cùng ngày, cơ quan chức năng Ukraine thông báo hạn chế các chuyến bay dân sự trong không phận nước này nhằm tránh các “nguy cơ tiềm ẩn”. Việc đóng cửa không phận trên thực tế đã có hiệu lực lúc 1h56 giờ địa phương ngày 24/2 và dự kiến kéo dài đến 23h59 cùng ngày.
Nga để ngỏ khả năng đối thoại về lo ngại an ninh khi Ukraine sẵn sàng - Ukraine triệu hồi đại biện lâm thời tại Nga
Trong một phát biểu ngày 24/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga không loại trừ khả năng đối thoại Ukraine nếu như Kiev sẵn sàng.
Hãng tin Sputnik dẫn câu trả lời của ông Peskov trước báo giới về khả năng diễn ra các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, trong đó nêu rõ Moskva "không thấy có cản trở nào" đối với các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Putin với người đồng cấp Ukraine "khi lãnh đạo Ukraine" sẵn sàng thương lượng về những lo ngại an ninh của Moskva.
Trong một tuyên bố cùng ngày trên kênh truyền hình NTV liên quan đến tình hình Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh lẽ ra đã có các cuộc tiếp xúc cấp ngoại trưởng giữa Nga và Mỹ để giải quyết tình hình Ukraine và an ninh toàn cầu, tuy nhiên “chính Mỹ là bên đã từ chối tiến hành các cuộc thương lượng này".
Về phía Ukraine, ngày 24/2, Bộ Ngoại giao nước này thông báo đã triệu hồi đại biện lâm thời tại Nga để tham vấn và bắt đầu sơ tán đại sứ quán Ukraine ở Moskva.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Về việc này, hãng tin Sputnik dẫn lời một nhà ngoại giao Nga cho biết Moskva đã không nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Kiev về việc cắt đứt quan hệ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng kêu gọi các nước đồng minh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.
Phản ứng trước những diễn biến mới tại Ukraine, ngày 24/2 Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala cho biết nước này sẽ đóng cửa 2 lãnh sự quán Nga tại Brno (thành phố lớn thứ hai của Séc) và Karlovy Vary, đồng thời đóng cửa các lãnh sự quán của Séc tại St.Petersburg và Yekaterinburg của Nga. Ngoài ra, Thủ tướng Fiala cho hay, chính phủ cũng sẽ triệu hồi các đại sứ của Séc tại Nga và Belarus để tham vấn.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã triệu Đại sứ Nga tại nước này Mikhail Galuzin để phản đối chiến dịch quân sự mà Moskva triển khai ở miền Đông Ukraine. Về phần mình, Iran kêu gọi một "giải pháp chính trị và dân chủ" để giải quyết căng thẳng chính trị Nga-Ukraine hiện nay. Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một lệnh ngừng bắn trong khi Bộ Ngoại giao Iran cũng cho biết nước này đang làm việc để sơ tán công dân khỏi Ukraine.
Mỹ sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Ukraine
Trong phản ứng mới nhất trước tình hình căng thẳng tại Ukraine, một quan chức Mỹ ngày 24/2 cho biết nước này sẽ sơ tán toàn bộ nhân viên ngoại giao của mình khỏi Ukraine, đồng thời đình chỉ sự hiện diện ngoại giao và các hoạt động lãnh sự ở nước này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày cũng triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia để thảo luận về tình hình Ukraine.
Trong khi đó, hãng tin Đức DPA ngày 24/2 đưa tin NATO đã kích hoạt kế hoạch bảo vệ đối với khu vực Đông Âu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine. Với cơ chế trên, Tư lệnh lực lượng NATO sẽ nhận được quyền hạn sâu rộng, chẳng hạn như lệnh triệu tập hoặc chuyển quân. Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cũng tuyên bố NATO sẽ tăng cường thêm binh sĩ ở sườn phía Đông trong những ngày tới. Liên minh quân sự này cũng lên kế hoạch tiến hành hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng Ukraine vào ngày 25/2 và đặt trong tình huống khủng hoảng.
Từ London, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước này và các đồng minh sẽ thống nhất một gói trừng phạt kinh tế quy mô lớn nhằm vào Nga. Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 24/2, người đứng đầu chính phủ Anh cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ và khí đốt của Nga. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng kêu gọi Nga lập tức rút quân khỏi Ukraine, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục có các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga. Thủ tướng Đức cũng xác nhận Quốc hội nước này sẽ tiến hành phiên họp bất thường vào ngày 27/2 tới để thảo luận về tình hình Ukraine, trong đó, ông sẽ đưa ra tuyên bố của chính phủ về vấn đề này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng ngày dự kiến sẽ có bài phát biểu trước quốc gia về chiến dịch quân sự của Nga tại miền Đông Ukraine. Nhà lãnh đạo Pháp đã triệu tập cuộc họp với các quan chức hàng đầu và kêu gọi Moskva "chấm dứt các hoạt động quân sự ngay lập tức".
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi giải quyết căng thẳng giữa Ukraine và Nga thông qua đối thoại. Ông khẳng định Ankara không muốn từ bỏ quan hệ với Moskva hay Kiev. Trong khi đó, cùng lên tiếng chỉ trích chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga triển khai ở miền Đông Ukraine, song Thụy Điển và Phần Lan đều khẳng định lập trường sẽ không gia nhập NATO.
Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình sáng ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Moskva không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ Ukraine. Ông cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva là nhằm đáp lại lời đề nghị từ lãnh đạo các cộng hoà nhân dân tự xưng ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 24/2 đã cáo buộc Cơ quan An ninh Ukraine tiến hành quay video dàn dựng về thương vong trong dân thường. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga khẳng định không sử dụng tên lửa, máy bay và pháo chống lại các thành phố của Ukraine. Các vũ khí chính xác cao của lực lượng vũ trang Nga chỉ vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng quân sự, cơ sở phòng không, sân bay quân sự, hàng không của Ukraine.
Trước các tuyên bố của giới lãnh đạo phương Tây về việc “cô lập Nga sau bức màn sắt”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định “không thể đóng cửa nước Nga sau bức màn sắt”, nhấn mạnh Moskva cần một nước láng giềng Ukraine là quốc gia trung lập và không phải là nơi triển khai vũ khí tấn công nhằm vào Nga. Nhận định về sự giảm giá trị của đồng Ruble trên thị trường chứng khoán Moskva, ông Peskov khẳng định Moskva đã triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo giai đoạn này kết thúc sớm. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Nga đã tạo ra đủ công cụ an toàn để tồn tại trước sự biến động của thị trường.
Liên quan đến các diễn biến tại Ukraine, ngày 24/2, hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết hai tàu dân sự đang hoạt động ở Biển Azov đã bị tấn công bằng tên lửa phóng đi từ thành phố Mariupol của Ukraine. Theo thông tin mới cập nhật, đám cháy trên tàu đã được dập tắt, cả hai tàu hàng tiếp tục di chuyển, tàu tuần tra biên phòng được điều động đến hiện trường để sơ tán thuyền viên bị thương. Trong khi đó, giới chức Ukraine cho biết đã bắn hạ 3 trực thăng của Nga tấn công sân bay quân sự Gostomel gần thủ đô Kiev cũng như bắt giữ hai quân nhân Nga.
Moldova, Belarus đóng cửa không phận, NATO họp khẩn về vấn đề Ukraine
Ngày 24/2, Moldova thông báo sẽ đóng cửa không phận nhằm ứng phó với tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine.
Trong tuyên bố, Phó Thủ tướng Moldova Andrei Spinu cho biết do tình hình leo thang tại khu vực, Hội đồng An ninh Tối cao Moldova đã khuyến nghị đóng cửa không phận nước này.
Cụ thể, Moldova tiến hành đóng cửa không phận từ 12h giờ địa phương (17h giờ Việt Nam) và tất cả các chuyến bay sẽ chuyển hướng sang sân bay khác.
Tại Belarus, Bộ Quốc phòng thông báo nước này đóng cửa một phần không phận dành cho máy bay dân dụng.
Tại Slovakia, Bộ Nội vụ thông báo sẽ điều 1.500 binh sỹ tới khu vực biên giới giáp Ukraine để hỗ trợ người tị nạn, đồng thời chuẩn bị tăng số trạm kiểm soát tại biên giới.
Chính phủ Anh cũng đã chỉ thị Cơ quan hàng không dân dụng nước này không để máy bay đi qua không phận của Ukraine để đảm bảo an toàn cho các hành khách và phi hành đoàn.
Dự kiến, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ có phát biểu trên truyền hình về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại miền Đông Ukraine.
Trước đó, chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, nhà lãnh đạo Anh đã kêu gọi triệu tập họp khẩn với sự tham gia của lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sớm nhất có thể.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng đã triệu Đại sứ Nga để yêu cầu giải thích về quyết định triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Theo kế hoạch, NATO sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Trong tuyên bố, NATO nêu rõ khối này đã quyết định bảo vệ tất cả đồng minh, triển khai bước đi bổ sung nhằm tăng cường năng lực đánh chặn và phòng thủ trên toàn liên minh.
Các biện pháp này đều mang tính chất phòng ngừa và không nhằm mục đích leo thang căng thẳng.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Helga Schmid xác nhận phái bộ quan sát đặc biệt của tổ chức này tại Ukraine đang triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, song không cung cấp thêm chi tiết.
Bà Schmid nhấn mạnh an toàn và an ninh của các nhân viên vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Nga hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng ở miền Đông Ukraine
Theo hãng tin TASS, ngày 24/2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quân đội của nước này đang hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng ở miền Đông Ukraine.
Trước đó, cùng ngày, đại diện lực lượng vũ trang của Cộng hoà Nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng, ông Ivan Filiponenko cho biết lực lượng này đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào một số vùng lãnh thổ đang do quân đội Ukraine kiểm soát.
Ông Filiponenko cho biết các đơn vị dân quân chỉ nhắm đến các cơ sở quân sự, nơi tập trung binh sĩ và thiết bị quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine và không gây đe doạ đối với dân thường.
Ông này cũng kêu gọi người dân LPR đang sống ở khu vực tiền tuyến, cũng như các vùng lãnh thổ do quân đội Ukraine kiểm soát, không ra khỏi nhà và xuống hầm trú ẩn.
Hiện có nhiều thông tin trái chiều về thiệt hại của hai bên. Theo hãng tin Interfax, hai máy bay quân sự Su-24 của Ukraine bị bắn rơi gần làng Smeloe và Stepovoye ở Donbass trong khi hai máy bay không người lái Bayraktar bị bắn rơi trên thành phố Shchastya ở Luhansk.
Trong khi đó, quân đội Ukraine thông báo có 5 máy bay và 1 trực thăng của Nga bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine nhưng phía Nga bác bỏ thông tin này.
Ukraine cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga
Theo hãng tin AFP, ngày 24/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tuyên bố nước này đã cắt quan hệ ngoại giao với Nga.
Thông tin trên đã được Tổng thống Zelenskiy đưa ra trong một thông điệp bằng video. Đây là lần đầu tiên quan hệ Nga và Ukraine gián đoạn kể từ khi Liên Xô giải thể vào năm 1991.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine. Trước động thái này, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Thiếu tướng Valeriy Zaluzhny cho biết đã nhận được chỉ thị từ Tổng thống Volodymyr Zelensky nhằm đẩy lui chiến dịch quân sự của Nga.
Cùng ngày, theo hãng tin Sputnik, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo ủy ban này sẽ áp đặt một gói trừng phạt mới nhằm vào các lĩnh vực kinh tế chiến lược và ngân hàng của Nga.
Phát biểu với báo giới, bà von der Leyen nêu rõ EC sẽ đệ trình một một gói trừng phạt cụ thể và có quy mô lớn để các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) xem xét thông qua. Gói trừng phạt này sẽ nhằm vào các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế Nga thông qua việc chặn tiếp cận với các công nghệ và các thị trường then chốt với Nga. Bên cạnh đó, EU sẽ đóng băng các tài sản của Nga ở EU, cũng như cấm các ngân hàng Nga tiếp cận với các thị trường tài chính châu Âu.
Trong khi đó, Đức tuyên bố EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 sẽ áp đặt lệnh trừng phạt quy mô lớn với Nga, đồng thời tăng cường an ninh và phối hợp với các đồng minh. Về phần mình, Bộ trưởng phụ trách châu Âu và Bắc Mỹ của Anh James Cleverly tuyên bố vương quốc này sẽ áp đặt mức độ trừng phạt “chưa từng có” đối với Nga.
Tại Italy, Thủ tướng Mario Draghi cho biết EU và NATO đang thảo luận nhằm đưa ra phản ứng tức thời đối với chiến dịch quân sự của Nga. Bộ Ngoại giao Italy cũng thông báo triệu Đại sứ Nga liên quan đến vấn đề này.
Trong khi đó, hãng RIA đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 24/2 đã đề xuất Nga và Ukraine tổ chức cuộc đàm phán tại thủ đô Minsk, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở miền Đông Ukraine.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã khuyến cáo các công dân nước này nên lập tức rời khỏi Ukraine sau động thái trên của Nga.
Nga không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ Ukraine
Ngày 24/2, ngay sau khi thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố "Nga không có kế hoạch chiếm đóng lãnh thổ Ukraine" và sẽ "đáp trả ngay tức khắc mọi mối đe dọa từ bên ngoài".
Theo hãng tin TASS của Nga, trong bài phát biểu phát trên truyền hình, Tổng thống Putin cam kết các binh sĩ Nga sẽ "làm đúng bổn phận (của họ) và quyền hành pháp ở Nga sẽ được vận dụng nhanh chóng và hiệu quả".
Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/2 khẳng định nước này không tấn công các thành phố ở Ukraine.
Trong khi đó, phát biểu tại phiên họp đặc biệt về Ukraine của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia nhấn mạnh Moskva không không khơi mào một cuộc chiến chống lại Ukraine.
Cũng tại phiên họp này, Đại sứ Trung Quốc Trương Quân cho biết Bắc Kinh tin tưởng cánh cửa dẫn tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine vẫn chưa hoàn toàn đóng lại. Ông nêu rõ việc các bên tránh leo thang xung đột là sự cần thiết hiện nay và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các cuộc đối thoại nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay.
Liên quan đến tình hình thực địa, hãng tin Sputniknews đưa tin một loạt tiếng nổ được nghe thấy tại thành phố Donetsk, Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine. Trước đó, tình hình tại đây vẫn tĩnh lặng trong khi mạng Internet vẫn truy cập được.
Còn theo hãng RT, một vài tiếng nổ cũng phát ra tại thành phố Kharkiv, cách thủ đô Kiev 400 km về phía Đông. Trong khi đó, một vụ nổ cũng đã xảy ra tại thành phố cảng Mariupol.
Theo Tân Hoa xã, một số vụ nổ đã xảy ra tại sân nay quốc tế Boryspil và một số mục tiêu quân sự ở miền Đông và Nam Ukraine. Các hành khách và nhân viên hàng không đang được sơ tán khỏi đây.
Nga bác bỏ thông tin máy bay bị bắn hạ tại Ukraine
Theo hãng tin RIA ngày 24/2, Nga đã bác bỏ các thông tin về việc máy bay Nga bị bắn hạ trên không phận Ukraine. Trước đó, quân đội Ukraine thông báo có 5 máy bay và 1 trực thăng của Nga bị bắn hạ tại miền Đông Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận đã vô hiệu hóa được các căn cứ quân sự và hệ thống phòng không của Ukraine, vài giờ sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự tại đây.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin công nghiệp cho biết Nga đã hạn chế các tàu thương mại đi lại qua biển Azov cho đến khi có thông báo mới. Các hãng thông tấn Nga và cơ quan vận tải Nga vẫn chưa có phản hồi về thông tin này.
Trong thông báo mới nhất, Cơ quan hàng không liên bang Nga (Rosaviatsiya) cho biết Nga đã tạm dừng các chuyến bay nội địa đến và đi từ một số sân bay gần biên giới với Ukraine tới ngày 2/3. Những chuyến bay tại các sân bay ở thành phố Rostov-on-Don, Krasnodar, Anapa, Gelendzhik, Belgorod, Voronezh, Stavropol và một số thành phố khác đã phải tạm dừng.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc điện đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko để thông báo việc Moskva sắp phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Văn phòng Tổng thống Lukashenko xác nhận trong cuộc điện đàm, Tổng thống Vladimir Putin đã thông báo cho người đồng cấp Belarus về tình hình ở khu vực biên giới với Ukraine và tại vùng Donbass. Điện Kremlin chưa đưa ra thông báo về cuộc điện đàm này.
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn nguồn lực lượng biên phòng Ukraine cho biết vào khoảng 5h00 sáng 24/2 (giờ địa phương), các binh sĩ Nga đã tấn công bằng pháo, các khí tài quân sự và vũ khí nhỏ khác nhằm vào các đơn vị biên phòng và các trạm kiểm soát ở Sumy, Kharkiv, Chernihiv và Zhytomyr của Ukraine.
Trong khi đó, hãng tin AFP cho biết còi báo động không kích đã vang lên ở thành phố Lviv, miền Tây Ukraine. Lực lượng khẩn cấp Ukraine đã xác nhận các vụ nã pháo nhằm vào khu vực này và cho biết các lực lượng trên bộ của Nga đã tiến vào biên giới Ukraine.
- HĐBA LHQ triệu tập họp khẩn lần thứ hai về Ukraine
- Quốc hội Ukraine ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia
- Những mốc sự kiện chính trong cuộc khủng hoảng giữa Nga với Ukraine và phương Tây
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực SNG, Uỷ ban tình trạng khẩn cấp quốc gia Ukraine cũng đã thông báo về vụ nổ tháp truyền hình ở Lutsk và cháy nhà kho quân sự ở một số khu vực.
Theo dữ liệu được công bố trên kênh Telegram của Cơ quan này, vụ hoả hoạn đã bùng phát tại một kho đạn ở làng Olshanitsa thuộc vùng Kiev và tại hai nhà khó quân sự ở vùng Dneprpetrovsk. Các đám cháy cũng được ghi nhận tại một kho nhiên liệu và chất làm trơn của một đơn vị quân đội của vùng Khmelnytsky, tại các kho quân sự ở vùng Poltava và Cherkasy.
Uỷ ban tình trạng khẩn cấp cũng thông báo về các vụ pháo kích vào sân bay ở Lutsk và Khmelnitsky. Ngoài ra, ba nhân viên cứu hộ đã bị thương trong cuộc pháo kích vào trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở vùng Chernihiv.
Nga thông báo triển khai chiến dịch đặc biệt tại Donbass
(Thethaovanhoa.vn) - Theo hãng tin TASS của Nga, trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình sáng 24/2 (giờ Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sẽ triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) tự xưng tại Donbass, miền Đông Ukraine.
Trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga khẳng định điều quan trọng là mọi người dân Ukraine đều được thực hiện quyền tự quyết của mình.
Trước đó, ngày 21/2, Tổng thống Putin tuyên bố Nga công nhận chủ quyền của DPR và LPR, chỉ thị Bộ Ngoại giao Nga thiết lập quan hệ ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nga sử dụng các lực lượng vũ trang Nga để bảo đảm hòa bình trên lãnh thổ của DPR và LPR.
Đến ngày 23/2, chính quyền DPR và LPR đã đề nghị Nga hỗ trợ đảm bảo an ninh.
HĐBA LHQ triệu tập họp khẩn lần thứ hai về Ukraine
Các nguồn tin ngoại giao cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ triệu tập phiên họp khẩn cấp thứ hai về khủng hoảng Nga-Ukraine "do những diễn biến quân sự trên thực địa”.
Theo các nguồn tin trên, cuộc họp được triệu tập theo đề nghị của Ukraine và được sự ủng hộ của các thành viên phương Tây trong HĐBA LHQ, dự kiến diễn ra vào lúc 9h30 tối 23/2 theo giờ New York (tức 9h30 sáng 24/2 theo giờ Hà Nội). Tương tự cuộc họp trước đó vào ngày 21/2, Nga, hiện là Chủ tịch luân phiên HĐBA, sẽ chủ trì phiên họp khẩn sắp tới này. Theo kế hoạch, Mỹ và Albania sẽ trình HĐBA LHQ một dự thảo nghị quyết đề cập các động thái của Nga.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã yêu cầu HĐBA LHQ triệu tập một phiên họp khẩn cấp liên quan việc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đề nghị Nga trợ giúp quân sự.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ có cuộc họp trực tuyến vào ngày 24/2 để thảo luận vấn đề Ukraine.
Trong tình hình hiện nay, một số nước đã khuyến cáo công dân rời khỏi Ukraine. Bộ Ngoại giao Pháp ra tuyên bố nhấn mạnh các công dân Pháp đang ở Ukraine "nên rời khỏi nước này không chậm trễ”.
Trong khi đó, Đại sứ quán Brazil tại Kiev khuyến cáo công dân nước này tới khỏi các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine “càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, Đại sứ quán Brazil khẳng định trụ sở của cơ quan ngoại giao nước này tại Kiev vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Bộ Ngoại giao Brazil chưa cho biết có bao nhiêu công dân nước này hiện đang cư trú tại Donetsk và Luhansk.
Trước đó, Chính phủ Brazil ngày 22/2 tuyên bố ủng hộ một “giải pháp thương lượng” để tháo gỡ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận độc lập của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng ở Donbass, miền Đông Ukraine.
Tổng thống V.Putin: Mỹ và NATO cố tình phớt lờ những yêu cầu an ninh chính đáng của Nga
Ngày 23/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm, thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine và các đảm bảo an ninh giữa Nga và phương Tây.
Nhà lãnh đạo Nga đã bày tỏ thất vọng về việc Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cố tình phớt lờ những đòi hỏi an ninh chính đáng của Moskva.
Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm trên, Tổng thống Putin giải thích lý do ông công nhận Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk tự xưng (LPR) tại miền Đông Ukraine xuất phát từ việc Ukraine không tuân thủ các thỏa thuận hòa bình Minsk.
Đối với các đề xuất an ninh của Nga, Tổng thống Putin nêu rõ ông thất vọng với phản ứng từ Mỹ và NATO khi họ phớt lờ những quan ngại và yêu cầu chính đáng của Nga.
Các nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục các cuộc tiếp xúc Nga-Thổ Nhĩ Kỳ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Quốc hội Ukraine ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia
Rạng sáng 24/2 (giờ Việt Nam), Quốc hội Ukraine đã thông qua tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong quan hệ với Nga.
Tình trạng khẩn cấp sẽ được áp dụng đối với toàn bộ lãnh thổ Ukraine từ ngày 24/2 và kéo dài tròng 30 ngày, ngoại trừ vùng Donetsk và Lugansk ở miền Đông đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp từ năm 2014.
Biện pháp này được Quốc hội Ukraine phê chuẩn theo đề xuất của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sau khi Nga bắt đầu sơ tán nhân viên Đại sứ quán nước này tại Kiev, trong khi Mỹ cảnh báo khả năng bùng nổ xung đột tại nước này.
Phát biểu trước các nghị sĩ trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh Ukraine Oleksiy Danilov cho biết tình hình đang khó khăn nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép mỗi khu vực của Ukraine sẽ có quyền chọn lựa các biện pháp an ninh phù hợp để áp dụng như hạn chế một số loại phương tiện nhất định, tăng cường kiểm tra xe tham gia giao thông, hay yêu cầu cung cấp giấy tờ.
Ngoài ra, các sự kiện đông người cũng tạm thời bị cấm trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp. Riêng tại thủ đô Kiev, lực lượng an ninh sẽ kiểm tra gắt gao hơn các cửa ngõ chính vào thủ đô, nhà ga và sân bay.
TTXVN