Cặp đôi chi 3,3 tỷ đồng, tốn 5 năm để xây nhà cho gia đình 10 người: Nhà mát mẻ tự nhiên, 36 độ không cần điều hòa
Từng du học và làm việc nhiều năm ở Pháp thế nhưng khi mới bắt tay vào xây nhà cho gia đình, cặp đôi kiến trúc sư bị bố mẹ từ chối ngay bản thiết kế đầu tiên với lý do “không hợp phong thủy”.
Ngôi nhà hơn 3 tỷ tốn 5 năm để hoàn thành
Ngô Lâm Thọ và Triệu Tương Anh là cặp đôi kiến trúc sư Trung Quốc từng du học nhiều năm tại Pháp. Sau khi trở về quê hương là một thị trấn ven biển Trạm Giang ở tỉnh Quảng Đông, họ bắt đầu tu sửa nhà cho bố mẹ để gia đình 3 thế hệ 10 người cùng chung sống.
Lúc đầu vợ chồng Ngô Lâm Thọ rất hào hứng và muốn thể hiện những gì mình học được nhưng bố mẹ họ lại không hài lòng với bản thiết kế đầu tiên vì “không hợp phong thủy”. Điều này làm cặp đôi vô cùng xấu hổ, bắt đầu nghiên cứu lại nhà truyền thống ở địa phương.
Hai kiến trúc sư mất 3 năm để thiết kế và 2 năm xây dựng để có được thành quả cuối cùng. Tổng chi phí hết 1 triệu NDT (~3,3 tỷ đồng) cho căn nhà 3 tầng với diện tích 280m2. Điều gây ấn tượng ở ngôi nhà này chính là loại gạch đỏ rẻ và phổ biến nhất tại thị trấn nơi họ sinh sống, bố Ngô Lâm Thọ còn chỉ cho anh rằng gạch càng đỏ thì càng được nung kỹ và sẽ bền hơn.
Cấu trúc ngôi nhà giống như 2 khối tách biệt được nối với nhau bằng phần hành lang và không gian chung ở tầng 1. Gia đình Ngô Lâm Thọ và anh trai sống mỗi người một khối còn bố mẹ sẽ ở tầng 1, cùng với phòng làm việc, bếp để người già thuận tiện di chuyển. Theo kiến trúc sư họ Ngô, họ tốn rất nhiều công sức để đảm bảo mặt bằng của ngôi nhà hoàn toàn bằng phẳng để bố mẹ không dễ dàng bị vấp ngã.
Ngôi nhà có sự kết hợp giữa khoảng không gian trong nhà và ngoài trời, đan xen giữa các phòng mang đến ánh sáng và gió mát tự nhiên. Có tổng cộng 4 khoảng sân để mẹ của Ngô Lâm Thọ sẽ rửa chậu và rửa rau còn bố kiến trúc sư sẽ trồng các loài hoa và cây mà ông yêu thích. Mỗi sáng, cả gia đình sẽ bị đánh thức bởi tiếng chim đến vườn cây nhỏ ăn trái.
Các tầng trên là không gian sinh hoạt của kiến trúc sư họ Ngô và gia đình anh trai. Hai gia đình vẫn đang làm việc ở Thâm Quyến, không thường xuyên về thăm nhà nên thiết kế không gian tương đối nhỏ gọn. Trước và sau dãy phòng đều có lối ra vào, thông với không gian ngoài trời của toàn bộ tầng 2 chứ không phải là phòng khép kín. Cửa cũng làm hoàn toàn bằng kính, đẩy mở ra có thể ngồi trên lan can thư giãn.
Dù có thiết kế mở ở một thị trấn nóng và nhiều mưa như Trạm Giang nhưng ngôi nhà vẫn vô cùng mát mẻ nhờ thiết kế thông minh, dựa vào luồng gió từ trên cao để làm mát không gian. Kiến trúc sư Ngô Lâm Thọ cho biết, bố mẹ anh không bật điều hòa quanh năm, kể cả khi thời tiết lên đến 36 độ vẫn hoàn toàn cảm thấy thoải mái nhờ gió tự nhiên. Còn nếu gia đình anh về thăm nhà vào mùa hè thì sẽ vẫn phải bật nếu trời quá nóng.
Không gian sống thay đổi trải nghiệm người ở
Theo tâm sự của kiến trúc sư họ Ngô, dịch bệnh đã khiến họ có những suy nghĩ khác về không gian sống, mọi người giờ đây đều mong muốn một ngôi nhà có nhiều chức năng để cùng nhau có những trải nghiệm mới mẻ. Vậy nên anh đã thiết kế ngôi nhà đáp ứng nhu cầu linh hoạt và đa dạng của cả 3 thế hệ.
Nếu không muốn ăn ở bếp, cả nhà sẽ lên sân thượng để nướng thịt, ngắm sao, giống như đang đi cắm trại ở trên núi. Đến Tết, gia đình sẽ dựng rạp chiếu phim cùng nhau xem biểu diễn múa rồng và sư tử. Mùa hè, họ sẽ chơi bóng bàn, trượt ván, thậm chí tắm trong sân như thể đang ở trong một khu rừng mưa nhiệt đới.
Từ khi ở nhà mới, cuộc sống bố mẹ Ngô Lâm Thọ cũng có nhiều thay đổi. “Bố tôi trước đây không thích thể thao, nhưng bây giờ tôi thấy bố vừa mua một tấm thảm tập yoga và dụng cụ chống đẩy, thực hành thư pháp mỗi ngày. Tôi nghĩ ngôi nhà mới đã truyền cảm hứng cho ông làm gì đó mới mẻ để tận dụng không gian này”, Ngô Lâm Thọ nói.
Ngôi làng nhỏ toàn người quen nên mẹ anh Ngô cũng thường mở cửa mỗi khi thức dậy để đón láng giềng sang tụ họp, nhà anh giống như không gian sinh hoạt chung của cả làng.
Hai vợ chồng Ngô Lâm Thọ và Triệu Tương Anh rất tự hào về thành quả của mình khi nó vừa đáp ứng về mặt thẩm mỹ, vừa phù hợp với thói quen sinh hoạt của bố mẹ anh lại đan xen ở yếu tố truyền thống của địa phương.
“Tôi cũng hy vọng rằng thông qua ngôi nhà này các con sẽ có mối quan hệ bền chặt, khó tách rời với quê hương. Ví dụ như con tôi không nói được tiếng địa phương vì đã sống ở thành phố từ nhỏ, giờ đây tôi có thể đưa con về thăm ông bà thường xuyên hơn để bố tôi dạy cháu. Tôi nghĩ từ sâu tận đáy lòng, người con nào xa quê cũng mong có một tổ ấm để trở về như vậy”, kiến trúc sư họ Ngô nói.