Cannes 2016: Đạo diễn Anh cựu trào Ken Loach “rinh” Cành cọ Vàng thứ 2 ngoài mong đợi
(Thethaovanhoa.vn) - Cành cọ Vàng năm 2016 đã được công bố vào cuối buổi lễ bế mạc diễn ra rạng sáng nay (23/5) theo giờ Việt Nam. Trái với mong đợi và dự đoán của giới phê bình cũng như người hâm mộ, ban giám khảo đã chọn và trao giải Cành cọ Vàng cho phim I, Daniel Blake của nhà làm phim Anh cựu trào Ken Loach (79 tuổi).
- LHP Cannes: Phim về người vô gia cư khắc hoạ mặt trái của xã hội Singapore
- 5 lý do khiến cả thế giới hướng về LHP Cannes 2016
- Những phụ nữ 'cầm trịch' tại LHP Cannes 2016
Giải thưởng ngoài mong đợi
Tuy nhiên chỉ sau 2 năm, nhà làm phim Anh cựu trào này đã trở lại và bế mạc LHP, ông đã đoạt Cành cọ Vàng thứ 2, một thập kỷ sau khi ông giành chiến thắng đầu tiên với phim The Wind That Shakes the Barley.
Nhà làm phim Anh cựu trào Ken Loach với giải Cành cọ Vàng thứ 2
I, Daniel Blake là câu chuyện đầy cảm động song là sự lên án mạnh mẽ về các khoản phúc lợi xã hội ở Anh trong kỷ nguyên “thắt lưng buộc bụng”. Nhân vật chính trong phim là một người góa vợ ở tuổi trung niên, sau một cơn đau tim anh không thể làm việc nhưng không nhận được bất cứ khoản tiền trợ cấp nào. Người đàn ông này thường xuyên rơi vào những nỗi thất vọng đầy đau đớn khi anh phải đối diện với một hệ thống lỗi thời dường như được thiết lập nên để vùi anh xuống.
Phim được xem là một sự tuyên bố chính trị không màu mè và không biện hộ, một sự nhắc nhở rằng ở một cường quốc giàu có như nước Anh, con người ta cũng có thể bị bỏ đói và đây thực sự là một vấn đề cần được chấn chỉnh.
Khi nhận giải từ tay George Miller, Chủ tịch Ban giám khảo LHP Cannes năm nay, và nam tài tử Hollywood Mel Gibson, đạo diễn Loach nói: “Thế giới mà chúng ta sống đang trong thời kỳ nguy hiểm. Chúng ta đang trong vòng kìm kẹp của dự án khổ hạnh hết sức nguy hiểm với những ý tưởng mang cái gọi là chủ nghĩa tự do mới. Dự án này đưa chúng ta đến gần thảm họa, song ta vẫn phải hy vọng về một thế giới khác”.
Cảnh trong phim "I, Daniel Blake"
Phim I, Daniel Blake đã “đánh bật” được 21 bộ phim nặng ký khác để giành giải thưởng danh giá nhất tại LHP Cannes năm nay và sự bất ngờ không chỉ dừng lại ở hạng mục Phim hay nhất và còn ở các hạng mục khác, đặc biệt là giải Grand Prix đã được trao cho nhà làm phim Canada trẻ Xavier Dolan (27 tuổi).
Bộ phim mới nhất của Dolan, mang tựa đề It’s Only the End of the World, kể về một nhà soạn kịch Pháp mắc bệnh nan y trở về nhà sau 12 năm xa cách người thân. Phim có sự thủ diễn chính của dàn ngôi sao Pháp Vincent Cassel, Marion Cotillard, Gaspard Ulliel, Nathalie Baye và Lea Seydoux, tuy nhiên đã bị giới phê bình chỉ trích kịch liệt và đã bị khán giả la ó tại buổi chiếu phim.
Và giải thưởng của Ban giám khảo cũng tiếp tục gây thất vọng nhiều người. Giải thưởng này được trao cho nữ đạo diễn Anh Andrea Arnold với bộ phim American Honey, kể về một nhóm người trẻ “nghèo rớt mùng tơi” khi họ đi khắp vùng Trung Tây nước Mỹ, nhưng họ vẫn tiệc tùng thâu đêm với những loại rượu giá rẻ và kiếm sống bằng việc bán dạo những cuốn tạp chí mà không ai muốn. Dàn diễn viên trong phim đã thể hiện màn diễn ấn tượng, song phim của Arnold vẫn bị đánh giá là tẻ nhạt, quá dài.
Bất ngờ & thất vọng ở nhiều hạng mục khác
Đạo diễn Pháp Olivier Assayas (phim Personal Shopper) và nhà làm phim Rumania Cristian Mungiu (phim Graduation) cùng được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất với hai bộ phim mang đề tài khác hẳn nhau.
Phim của Mungiu (từng đoạt giải Cành cọ Vàng) là tác phẩm phức tạp về đạo đức con người và đầy thách thức kể về một người cha độc đoán, người tham gia vào cuộc tham nhũng mà ông công khai phản đối nhằm đưa con gái mình ra khỏi Rumania.
Trong khi đó phim của Assayas mang tính gây chia rẽ hơn. Trong phim, nữ diễn viên Hollywood Kristen Stewart thủ vai một người chuyên mua sắm riêng cho các ngôi sao. Cô có sức mạnh tâm linh giống như người anh trai quá cố của mình và cố gắng kết nối với người anh đã khuất. Phim nhận được những phản ứng trái chiều, vừa được ca ngợi vừa bị la ó tại LHP.
Có thể nói năm nay điện ảnh Iran lại “thắng đậm” khi phim The Salesman của đạo diễn Asghar Farhadi đã đoạt 2 giải, gồm Kịch bản hay nhất và Nam diễn viên xuất sắc nhất (Shahab Hosseini).
Tài tử Iran Asghar Farhadi nhận giải Nam diễn viên xuất sắc nhất
The Salesman là bộ phim tâm lý sâu sắc, trong đó sự cảm thông dành cho các nhân vật chính trong phim dần bị suy giảm do cách ăn ở không khoan nhượng của họ. Trong phim, Shahab Hosseini thủ vai một diễn viên sân khấu có những hành vi cực đoan đến tàn nhẫn sau khi vợ anh bị lạm dụng tình dục.
Kết quả giải thưởng ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất cũng gây nhiều kinh ngạc khi giải thưởng được trao cho nữ diễn viên Philippines Jaclyn Jose (52 tuổi) với phim Ma’ Rosa của nhà làm phim Brazil Brillante Mendoza.
Đây là bộ phim chính kịch kể về những người bán thuốc nhỏ bị cảnh sát tham nhũng moi tiền. Có thể nói, Jose đã “vượt mặt” được những đối thủ đáng gờm nhất ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc trong vài năm trở lại đây, gồm Isabelle Huppert (phim Elle), Sandra Huller (phim Toni Erdmann) và Sonia Braga (phim Aquarius).
Trong khi đó, Houda Benyamina đoạt giải Camera Vàng, giải thưởng được trao cho phim đầu tay hay nhất, với phim Divines, kể về một người tuổi vị thành niên vật lộn để sống ở vùng ngoại ô tồi tàn của Paris.
Nữ minh tinh Philippines Jaclyn Jose (giữa) nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất
Lễ bế mạc có thời khắc đầy xúc động khi biểu tượng của Làn sóng mới, nhà làm phim Pháp Jean-Pierre Leaud xuất hiện trên sân khấu nhận giải Cành cọ Vàng danh dự, giải thưởng được trao cho những diễn viên và đạo diễn có đóng góp ý nghĩa cho nền điện ảnh song chưa từng đoạt giải Cành cọ Vàng.
Nhiều người còn thất vọng khi phim Toni Erdmann của nữ đạo diễn Đức Maren Ade và đây là tác phẩm yêu thích của giới đặt cược. Phim kể về một người chơi khăm cố gắng “cứu” cô con gái quan tâm tới sự nghiệp hơn gia đình của mình.
Giới phê bình còn thất vọng khi bộ phim gay cấn Elle mang đề tài về sự báo thù hết sức độc đáo của Paul Verhoeven và Aquarius của Kleber Mendonca Filho, Sieranevada của Cristi Puiu đều “trắng tay”.
Năm nay, LHP Cannes có nhiều phim hài đen tối, đề cập tới nhiều chủ đề như bất hòa nội bộ, đấu tranh giai cấp và bạo lực tình dục. Tuy nhiên, ban giám khảo lại không “chấm” những phim đó và về cơ bản, giới phê bình điện ảnh và ban giám khảo không suy nghĩ như nhau.
Việt Lâm
Tổng hợp