Cảnh sát môi trường bắt quả tang doanh nghiệp Trung Quốc xả thải trộm xuống dòng Bắc Hưng Hải
(Thethaovanhoa.vn) – Việc xả thải trộm của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp và gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân bốn tỉnh thành Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.
- Điều chuyển 3 cảnh sát giao thông đường thủy Hà Nội sau vụ xả thải xuống sông Hồng
- Xả thải gây cá chết: 11 doanh nghiệp phải bồi thường hơn 13 tỷ đồng
- Phó Thủ tướng chỉ đạo làm rõ thông tin về việc xả thải xuống sông Hồng và về Trường TC nghề Hưng Yên
Ngày 23/11, tổ công tác của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) của Bộ Công an đã bắt quả tang một doanh nghiệp tái chế Trung Quốc xả thải trộm tại xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Theo đánh giá ban đầu của tổ công tác, ống xả thải đặt ngay cạnh bể xử lý nước thải nhưng nguồn nước thải không chảy qua bể mà đổ thẳng xuống hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Kiểm tra trong cơ sở tái chế, tổ công tác C49 của Bộ Công an phát hiện toàn bộ cơ sở sản xuất này không có hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước thải được đấu nối ra cống lộ thiên. Đường ống này dẫn thẳng ra hệ thống kênh thủy lợi.
Toàn bộ khu đất có các nhà xưởng cho thuê thuộc công ty TNHH Bao bì Thái Hà Hưng. Doanh nghiệp này đã cho một số công ty của Trung Quốc thuê đất để tái chế phế liệu.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phục vụ tưới tiêu cho bốn tỉnh thành Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội. Do đó, việc nguồn nước ở đây bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong khu vực.
Bắc-Hưng-Hải là công trình thủy lợi đầu tiên của miền Bắc. Ngày 1/10/1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã bổ nhát cuốc đầu tiên tại cống Xuân Quan, mở đầu việc xây dựng công trình Đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải - công trình có qui mô lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ.
Với diện tích tự nhiên hơn 20 vạn hécta, khu vực Bắc-Hưng- Hải được bao bọc bởi bốn con sông: sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc và sông Thái Bình. Ngay sau khi hòa bình lập lại, Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kiến trúc và Thủy lợi cũ đã quan tâm chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng Hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải. Ngày 1-10-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cuốc nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng cống Xuân Quan, mở ra đại công trường thủy nông Bắc-Hưng-Hải.
Vì lợi ích lâu dài, chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, gần 150 hộ gia đình ở Bát Tràng đã rời bỏ cơ đồ của tổ tiên cả nghìn năm sang làng mới, còn nhân dân làng Xuân Quan, Cửu Cao ở Văn Giang (Hưng Yên) đã phải hy sinh 150 ha lúa mới trỗ đòng, để nhường chỗ cho việc đào kênh dẫn nước vào cống Xuân Quan. Người dân sẵn lòng làm như thế bởi họ hiểu và biết chắc rằng, việc hy sinh của họ hiện tại là để nâng cao cuộc sống cho chính họ trong tương lai.
Ban chỉ huy công trường do đồng chí Hà Kế Tấn, lúc đó là Tư lệnh trưởng Sư đoàn 350 bảo vệ Thủ đô được chính Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban.
Vâng lời Bác và theo Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hàng vạn bộ đội, dân công, học sinh mang theo cơm nắm muối vừng nô nức lên công trường, ra quân với khí thế quyết thắng. Cả một vùng châu thổ trùng trùng dân công từ Gia Lương, Thuận Thành, Bắc Ninh sang; từ Gia Lộc, Bình Giang, Thanh Miện lên; từ Kim Động, Khoái Châu, Văn Giang… kéo về như ngày hội.
Các xã xung quanh công trường huy động thanh thiếu niên phát quang đường sá, dọn vệ sinh nhà cửa, vét giếng, sửa cầu náo nức đón tiếp dân công. Các cửa hàng lương thực, thực phẩm, cửa hàng bách hóa Bắc-Hưng-Hải hoạt động nhộn nhịp. Dọc theo đê Xuân Quan, Bát Tràng, khẩu hiệu giăng kín, cờ đỏ sao vàng bay phất phới, tiếng loa truyền thanh vang suốt đêm ngày.
Một đại công trường ngày đêm hoạt động không ngừng nghỉ.
Ngày 20/9/1958, Bác Hồ đã đến thăm công trường thủy lợi Bắc-Hưng-Hải và nhấn mạnh ý nghĩa của nó đối với công việc chống hạn. Người mong đồng bào và cán bộ 3 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương cố gắng khắc phục mọi khó khăn, để hoàn thành thắng lợi công trình. Người nói rằng “Công trình Bắc-Hưng-Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại càng tăng thêm. Bây giờ chịu khó phấn đấu trong mấy tháng. Sau này sẽ hưởng hạnh phúc lâu dài hàng trăm năm”. Sau ngày đó, Bác còn thăm công trường thủy lợi Bắc-Hưng- Hải ba lần nữa.
Thật kỳ diệu, chỉ sau 7 tháng, đúng ngày 1/5/1959 công trình được hoàn thành với khối lượng công việc khổng lồ: xây đúc 7.500m3 bê tông, xây lát đá 226.000m3, đào gần 3 triệu m3 đất…
Cũng trong năm này, xưởng phim Việt Nam đã cho ra đời một bộ phim tài liệu ghi lại sự kiện xây dựng công trình thủy lợi đầu tiên và lớn nhất ở miền Bắc sau ngày hòa bình lập; bộ phim có tên là “Nước về Bắc Hưng Hải”. Sau này, bộ phim đã đoạt giải Bông Sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất và Huy chương vàng tại Liên hoan phim Moskva.
Hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải là đại công trường thủy nông kiểu mẫu, là biểu tượng đậm nét, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đồng thời hệ thống thủy nông Bắc-Hưng-Hải còn là biểu tượng của tinh thần hy sinh vì ngày mai tương sáng, sẵn sàng đi bất cứ đâu theo tiếng gọi của Đảng thời kỳ này. Rất nhiều anh hùng lao động, tập thể tiên tiến xuất sắc đã xuất hiện tại công trình thủy lợi Bắc-Hưng-Hải như anh hùng lao động Phạm Thị Vách, Vũ Thị Ty, Trần Thị Xuân Đào.
Hơn nửa thế kỷ vận hành phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, “con rồng vàng” Bắc Hưng Hải đã đem lại hiệu quả lớn lao, đảm bảo cung cấp nước tưới cho gần 12 vạn hécta diện tích lúa màu, cây công nghiệp và tiêu úng cho hơn 19 vạn hécta diện tích lưu vực.
Do có hiệu quả từ “còn rồng vàng” mang lại, chẳng những diện tích, năng suất và sản lượng lúa tăng lên đáng kể mà cơ cấu trong nông nghiệp của vùng cũng được chuyển đổi mạnh, mang lại hiệu quả lớn. Đã xuất hiện nhiều trang trại, hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 150 triệu đến 350 triệu đồng trên 1 hécta/năm.
Công trình đã giúp hàng triệu người dân hưởng hạnh phúc dài lâu như lời Bác Hồ đã tiên đoán.
Công trình thủy nông Bắc-Hưng-Hải là công trình của ý Đảng, của lòng dân, tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, tự lực cánh sinh của ngày hôm qua, nay vẫn đang phát huy hiệu quả trong việc tưới, tiêu nước cho các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và thành phố Hà Nội.
TTXVN