Cảnh nóng phim Việt: Cũng... thường thôi!
Trong phim Sống trong sợ hãi có cảnh nóng rất sáng tạo và riêng biệt, dường như chưa từng thấy trong điện ảnh thế giới, đó là làm tình trên võng. Nó cũng rất hợp lý, vì cứ mỗi lần Tải gỡ bom mìn mà may mắn thoát chết thì lại có cảnh làm tình để thoát căng thẳng.
Sau năm 2005, hàng chục phim chiếu rạp của Việt Nam có cảnh nóng đáng kể như: Đẻ mướn, Dòng máu anh hùng, Rừng đen, Bẫy rồng, Trung úy, Ngôi nhà trong hẻm, Bẫy cấp 3, Bi, đừng sợ!, Mùa Hè lạnh, Mỹ nhân kế, Scandal: Bí mật thảm đỏ, Cưới ngay kẻo lỡ, Chơi vơi, Không cân sức, Tâm hồn mẹ, Cảm hứng hoàn hảo, Lấy chồng người ta, Cánh đồng bất tận, Biết chết liền, Tình + tình, Đập cánh giữa không trung, Hương Ga, Bước khẽ đến hạnh phúc, Lạc giới…(danh sách này còn dài), và mới đây nhất là Quyên.
“Nóng” để... câu khách
Người Việt thường có suy nghĩ và hay nói “tự do như Mỹ”, điều này đúng trong rất nhiều trường hợp, nhưng với cảnh nóng thì phim Mỹ chiếu rạp chỉ là “chọc ghẹo cho vui”, lời của nhà phê bình phim Roger Ebert (1942 - 2013).
Mỹ không có Hội đồng duyệt phim quốc gia như Việt Nam, nhưng bằng việc phân loại và dán nhãn của một tổ chức phi chính phủ (MPAA), nhiều nhà sản xuất sợ phim mình bị giới hạn khán giả, khó bán vé, nên với cảnh nóng họ làm cũng khá khiêm nhường, vừa phải.
Nếu xét ở phim chiếu rạp, tìm một phim chỉ làm về chủ đề tính/tình dục thì điện ảnh Việt gần như hiếm có, còn Mỹ thì nhiều hơn, nhưng xét ở sự táo bạo trong cảnh nóng thì nhiều phim Việt còn nóng hơn phim Mỹ.
Có nhiều ý kiến cho rằng Hội đồng duyệt phim cần canh tân cách thức làm việc để khoa học và cởi mở hơn nữa, nhưng rõ ràng 10 năm qua họ đã càng “nới lỏng tay kéo” để hàng chục phim có cảnh nóng được ra rạp. Những trường hợp bị cấm chiếu vì nóng như Bẫy cấp 3, hoặc bị cắt khoảng 40% cảnh nóng như Trung úy vẫn hiếm hoi hơn những phim bị cấm vì lý do khác.
Đa số phim Việt có cảnh nóng là để phục vụ nội dung, hoặc “câu khách nhẹ” như Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, Hương Ga…, còn cảnh nóng vô bổ như Bẫy cấp 3, Trung úy… vẫn rất ít.
Điều 9, khoản 3 của Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh đã quy định về việc cấm cảnh nóng như sau: “Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục”. Các nhà sản xuất phim tại Việt Nam có vẻ rất tuân thủ điều này, ít phim đi ngược, nên Hội đồng duyệt phim càng nới lỏng hơn.
Âu - Mỹ chưa hẳn nóng hơn Á Đông
Nếu so với điện ảnh Việt thời “mì ăn liền” (thập niên 1990) thì 10 năm gần đây phim Việt đã nóng lên rất nhiều, một số phim như Bi, đừng sợ!, Đập cánh giữa không trung có thể “nóng vượt biên giới”, vì nhiều nước chưa hẳn có. Đời sống càng phát triển, tại nhiều nước (ví dụ Hàn Quốc), phim càng tự do và càng nóng hơn, Việt Nam có vẻ cũng đi theo hướng này.
Thế nhưng với cảnh nóng trên phim, nước phát triển chưa hẳn đã hơn nước ít phát triển, ví dụ so phim Mỹ với phim ở Đông Âu thì có thể thấy rõ; phim ngày nay chưa hẳn đã hơn ngày xưa. Những phim như I Am Curious (Yellow) (năm 1968), Last Tango In Paris (1972), A Real Young Girl (1976), The Tin Drum (1979), đặc biệt là các phim của Tinto Brass như Caligula (1979), hoặc In The Realm Of Senses (1976) của Nagisa Oshima là đỉnh điểm khó vượt qua.
Tây chưa hẳn nóng hơn Đông. Năm 2001, một phim của Thái Lan là Jan Dara (ĐD: Nonzee Nimibutr) đã gây bất ngờ về cảnh nóng. Gần đây một số phim của Kim Ki Duk (Hàn Quốc) như Pietà, Moebius… làm cho cả thế giới choáng váng vì điều này. Dù Pietà đoạt giải Sư tử vàng tại LHP Venice 2012, nhưng nhiều nước đã chiếu với tấm nhãn cấm khán giả dưới 18 hoặc 19 tuổi.
Trong các xếp hạng về phim nóng của thế giới thì In The Realm Of Senses (của Nhật Bản) luôn ở những vị trí đầu; nhiều tổ chức của Nhật Bản sắp kỷ niệm 40 năm xuất hiện đầy tiền phong và đầy tự hào của phim này.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa