Cánh diều 2018: Có nhiều phim truyền hình 'nặng ký'
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ trao giải Cánh diều 2018 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 12/4/2019 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam (TP.HCM), truyền hình trực tiếp trên VTV2. Năm nào thể loại phim điện ảnh cũng được chú ý nhất, nhưng mùa này phim truyền hình không hề lép vế, vì có nhiều phim nặng ký.
Cánh diều 2018 có 144 tác phẩm ở 7 thể loại, gồm 14 phim điện ảnh (chiếu rạp), 13 phim truyền hình (dài tập và 1 tập), 61 phim tài liệu, 14 phim khoa học, 26 phim ngắn (18 phim truyện và 8 phim tài liệu), 2 công trình nghiên cứu, phê bình.
Câu chuyện Việt hóa
Trong số 13 phim truyền hình dự giải thì có 10 phim dài tập (tổng cộng 326 tập) là Mật mã hoa hồng vàng, Gạo nếp gạo tẻ, Quỳnh búp bê, Cả một đời ân oán, Duyên định kim tiền, Chàng rể tuổi Hợi, Mộng phù hoa, Tình khúc bạch dương, Ngày ấy mình đã yêu, Bên kia sông. Và 3 phim một tập (từ 90 đến 100 phút) là Bản hùng ca bên sông, Biển xanh kỳ thú, Dưới bầu trời xa cách.
Cánh diều 2018 chấp nhận phim Việt hóa từ kịch bản nước ngoài (remake) dự giải, chỉ trừ hạng mục kịch bản xuất sắc. Lý do BTC đưa ra rất thực tế: kịch bản nước ngoài được Việt hóa thường có nội dung gốc rất tốt, kịch bản thuần Việt khó cạnh tranh được. Các phim truyền hình được Việt hóa năm nay là Gạo nếp gạo tẻ, Cả một đời ân oán, Ngày ấy mình đã yêu đều có chất lượng khá tốt, công chiếu thu hút đông đảo người xem và dư luận xã hội.
Cùng với Mật mã hoa hồng vàng, Quỳnh búp bê, Duyên định kim tiền… các phim Việt hóa này đã có được hơi thở của đời sống Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy mà tạo được sức hút đáng kể với người xem, tạo hiệu ứng lớn trong xã hội. Nếu không để ý đến khái niệm Việt hóa thì xem những Gạo nếp gạo tẻ, Ngày ấy mình đã yêu… sẽ thấy phim khá thuần Việt.
Theo một khảo sát, các phim truyền hình Việt và Việt hóa được tìm kiếm nổi bật trên mạng năm 2018 là Quỳnh búp bê, Gạo nếp gạo tẻ, Ngày ấy mình đã yêu, Phận làm dâu, Hậu duệ mặt trời, Người phán xử tiền truyện, Cả một đời ân oán, Yêu thì ghét thôi, Phía trước là bầu trời… Nhiều phim trong số này đã không gửi dự thi Cánh diều 2018. Dù mùa trước đoạt Cánh diều Bạc, nhưng mùa này đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết sở dĩ anh không gởi phim dự thi vì tự thấy phim của mình không phù hợp với tiêu chí.
Nhìn vào chất lượng và sức hút của nhiều phim truyền hình năm nay, chúng ta có thể gọi đây là một cuộc tiếp nối của những Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Thương nhớ ở ai, Chiều ngang qua phố cũ, Ngược chiều nước mắt… năm 2017, giúp gợi nhớ về những phim truyền hình tiêu biểu một thời đã xa như Người Hà Nội, Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Đồng tiền xương máu, Vó ngựa trời Nam, Cô Thắm về làng, Đò dọc, Lều chõng, Trò đời…
Thách thức từ “web drama”
Những điều mà phim truyền hình Việt làm được trong mấy năm gần đây thật đáng ghi nhận, vì nó không chỉ bị các trò chơi truyền hình lấn lướt, mà gần đây trào lưu web drama (phim chiếu mạng) cũng “làm mưa làm gió”. Những phim chiếu mạng đình đám của năm 2018 có thể kể đến như Thập tam muội, Vi cá tiền truyện, Ai chết giơ tay, Nam phi liên hoàn kế, Tay buôn buông tay?, Gia đình Mén, Chết thì chịu, Hoán đổi thanh xuân, Ông trùm dẹp loạn giang hồ…
Đã có những ý kiến nói rằng sẽ đến lúc phim chiếu mạng thay thế cả phim truyền hình. Mà thực tế cho thấy vài phim như Ai chết giơ tay, Thập tam muội… đã có được lượng người xem và doanh thu nổi trội hơn các phim truyền hình hút khách nhất. Nhưng rồi có vẻ “nước sông không phạm nước giếng”, chính sự vực dậy về chất lượng mà phim truyền hình đã lấy lại được phong độ của mình.
Một tiêu chí của giải Cánh diều là “đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Nếu tiêu chí này mà mở rộng với cả phim chiếu mạng thì chắc chắn năm 2018 đã có vài phim đủ chất lượng dự thi. Nếu điều này xảy ra, cuộc chiến giữa phim truyền hình và phim chiếu mạng sẽ thêm một “võ đài” để tỉ thí.
Văn Bảy