Cánh diều 2018 có gì mới?
(Thethaovanhoa.vn) - Có thể trao một giải đặc biệt cho phim remake, cố gắng mời cả những người trẻ tuổi tài năng ngồi ghế giám khảo, đó là những ý tưởng đang được nghiên cứu ở giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam - Cánh diều 2018.
Ở thời điểm hiện tại, giải thưởng này đã khởi động, với việc Ban tổ chức đang thực hiện những bước đầu tiên như thống kê danh sách phim tham dự, thành lập ban giám khảo, lên kế hoạch tổ chức lễ trao giải.
Nhiều phim truyền hình "hot" tranh giải
Hiện tại, Ban tổ chức Cánh diều 2018 đã có danh sách phim truyền hình, đồng thời Ban giám khảo cho hạng mục cũng đã được thành lập. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tân, Chánh văn phòng Hội Điện ảnh Việt Nam, vì là thể loại phim dài tập nên hạng mục này rất khó khăn khi thẩm định và đòi hỏi giám khảo phải làm việc liên tục từ ngày 20/2 đến hết tháng 3.
“Suốt 16 lần tổ chức, Hội Điện ảnh chưa từng bỏ qua hạng mục này vì phim truyền hình là món ăn tinh thần chủ đạo cho khán giả hiện nay”, ông Tân nói. “Trước đây, chúng tôi có quy định số tập, nhưng hiện giờ thì không. Giải thưởng chấp nhận cả những phim truyền hình chỉ có 1 hoặc 2 tập.”
Có 13 phim truyền hình tham gia tranh giải Cánh diều năm nay, trong đó có 10 phim dài tập với sự xuất hiện của những bộ phim “hot” năm qua như: Gạo nếp gạo tẻ (54 tập, phần 1), Quỳnh búp bê (28 tập), Cả một đời ân oán (33 tập), Tình khúc Bạch Dương (28 tập), Ngày ấy mình đã yêu (24 tập)…Trưởng ban giám khảo hạng mục này là đạo diễn NSND Khải Hưng và các cái tên như NSND Minh Châu, NSƯT Đỗ Minh Tuấn, NSƯT Nguyễn Tường Phương, NSƯT Đặng Lưu Việt Bảo…
Đặc biệt, giải Cánh diều từng nói không với phim remake nhưng kể từ năm này, giải thưởng đã mở cửa cho thể loại này. Trước mắt, dù vẫn không trao giải Cánh diều vàng cho phim remake, BTC vẫn sẽ có các giải cá nhân. Ông Tân lý giải: “Phim remake đang trở thành một phần thực tế trong xu hướng hiện nay. Là một tổ chức nghề nghiệp, Hội Điện ảnh không thể đứng ngoài. Tất nhiên, khi làm lại thì ê kíp cần có sự sáng tạo nhất định, đặc biệt là công tác đạo diễn”.
Thậm chí, theo ông Tân, Hội Điện ảnh đang bàn tới chuyện sẽ dành cho phim remake giải thưởng đặc biệt nào đó. Thực tế, giải Cánh diều trước đây, đã từng có những giải đặc biệt do nhu cầu thực tế phát sinh, chẳng hạn giải Cánh diều đặc biệt cho bộ phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (2003), Phim hợp tác với nước ngoài hay nhất được trao cho Mùa len trâu (2004), Phim xuất sắc do báo chí bình chọn năm 2015 là Sống trong sợ hãi…
“Các giải thưởng này không phải ngẫu nhiên hay do một ai đó quyết định mà tùy thuộc vào tình hình thực tế, đặc biệt là do kiến nghị, đề xuất của một nhóm chuyên gia trong ban giám khảo căn cứ theo tiêu chí cuộc thi. Họ đều là những người uy tín và có kinh nghiệm trong nghề” – ông nói thêm – “Chúng tôi sẽ xem chất lượng phim năm nay như thế nào và rất có thể BTC sẽ nghĩ tới chuyện trao một giải thưởng phát sinh đặc biệt kiểu như vậy cho phim remake”.
Chờ đợi những tranh cãi…
Hạng mục phim truyện điện ảnh giải Cánh diều năm nay hiện đã có hơn 10 phim tham gia, nhưng theo ông Nguyễn Văn Tân, đó chưa phải là con số cuối cùng. “Chúng tôi vẫn đang lập danh sách và sẽ công bố vào khoảng cuối tháng 3 tới”, ông nói. Ngoài ra, dù Hội đồng giám khảo hạng mục này chưa công bố chín thức, nhưng ông Tân cho biết: BTC sẽ cố gắng mời những giám khảo có chuyên môn xuất sắc, có uy tín, công tâm”.
Về ý kiến ban giám khảo chấm phim vẫn bị chê “già”, ông Tân cho rằng: “Chúng tôi cố gắng mời cả những người trẻ tuổi tài năng ngồi ghế giám khảo, nhưng thực ra, BTC không quan trọng về độ tuổi mà quan trọng là tư duy nghệ thuật. Trong nghệ thuật thì khuynh hướng sáng tác, độ nhạy cảm nghệ thuật quan trọng hơn là tuổi tác.
“Cũng phải nói thêm rằng, chúng tôi muốn đưa một số đạo diễn, nhà làm phim thị trường làm giám khảo nhưng họ khó thu xếp thời gian liền 5-7 ngày để tham gia chấm giải”, ông nói thêm. “Chúng tôi không có sự phân biệt gì cả, chỉ do hoàn cảnh khách quan nên không thể mời được”.
Ông Tân cũng khẳng định, các nghệ sĩ đã đồng ý tham gia đều làm việc hết sức công tâm, ban tổ chức có quy chế rõ ràng, bỏ phiếu kín và thảo luận chung để thể hiện ý chí của tập thể.
“Kết quả giải thưởng thể hiện sự thẩm định, khuynh hướng của một nhóm người ngồi trong ban giám khảo, có thể khác ý kiến của bạn, của tôi, của số đông khán giả. Khi nào không đồng nhất với số đông thì mọi người lại bảo giải không chính xác”, ông khẳng định. “Chúng tôi cho rằng, giá trị của một tác phẩm sẽ được đo đếm bởi thời gian, có thể hiện tại chưa xuất sắc, nhưng lại chứng tỏ có sức sống lâu bền. Chúng tôi chấp nhận tranh luận và đó cũng chỉ là đánh giá của một cuộc thi”.
Năm nay, Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn phối hợp cùng Công ty cổ phần Truyền thông Vietart tổ chức Lễ trao giải Cánh diều 2018.
Một số hoạt động chính hướng tới giải Cánh diều 2018 Trong khuôn khổ giải thưởng Cánh diều năm nay, BTC cũng sẽ chiếu các phim tham dự giải tại TP.HCM. Ngày 9/4, Hội sẽ tổ chức tổng kết sáng tác và có buổi tọa đàm về phim điện ảnh, truyền hình 2018. Tọa đàm sẽ đề cập chọn những vấn để nồi bật, nóng về phim ảnh năm qua để bàn luận, từ đó đưa ra những kinh nghiệm, bài học về sản xuất phim. Lễ trao giải Cánh diều 2018 sẽ được tổ chức ngày 12/4 tới tại TP.HCM. |
Tiểu Phong