Cánh diều 2013: Bay là là trên cánh đồng hy vọng
Số "hoa màu" điện ảnh Việt 2013 thu được rất ít, chất lượng không đều, nên người thu hoạch đành phải tự hài lòng chọn ra trong số những củ trông có vẻ là ngon nhất, nâng niu như thể đây là những thứ tốt nhất mình có thể có.
Nhặt nhạnh từng phim lẻ
Nhìn vào danh sách 13 phim điện ảnh, trong đó có khá nhiều tác phẩm không thể được gọi là phim, mới hiểu tâm trạng nuối tiếc của Ban tổ chức (BTC) khi không mời được bộ phim Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh tham gia. Nước 2030 được chiếu mở màn hạng mục Toàn cảnh tại LIên hoan phim (LHP) Berlin năm nay, được xem là một ứng cử viên danh giá. Không chỉ có vậy, BTC còn tiếc cả hai bộ phim Người truyền giống, Đập cánh giữa không trung hiện đang làm hậu kỳ của hai đạo diễn trẻ Bùi Kim Quy và Nguyễn Hoàng Điệp.
Có một chút gì đó bùi ngùi, khi một năm, cả ngành điện ảnh sản xuất chẳng được mấy phim tốt, đến nỗi Cánh diều phải gom nhặt từng phim lẻ, trông chờ cả vào những bộ phim chưa thể thành hình.
Không chỉ có giải Cánh diều, mà chính truyền thông nhiều năm nay, dẫu hay chê điện ảnh đấy nhưng vẫn trông chờ một cú xuất thần. Điện ảnh Campuchia đã có phim lọt vào đề cử Oscar rồi, nên Việt Nam cũng có quyền hy vọng chứ.
Cuối năm 2013 xảy ra một hiện tượng rất thú vị. Có lẽ vì cả 3 quý trong năm 2013 không có phim nào ra hồn, nên cuối năm truyền thông dành hết hy vọng vào Đường đua, Lửa Phật. Có không ít những bài viết háo hức, thậm chí kêu gọi khán giả ra rạp ủng hộ phim Việt là Đường đua. Nhưng sau khi phim chính thức ra rạp thì xảy ra cuộc bút chiến giữa các phóng viên văn nghệ xoay quanh chủ đề: Đường đua có xứng đáng để kêu gọi khán giả ra rạp hay không? Tới Lửa Phật ra rạp, thì đây là nỗi thất vọng lớn.
Trong câu chuyện này vẫn thấy những mong ước âm ỉ: truyền thông muốn có những bộ phim họ có thể khen thực lòng, khán giả muốn có những bộ phim họ sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé.
Nhìn vào thực chất thay vì ước mơ quá tầm
Dẫu "mùa màng" điện ảnh liên tục thất bát như vậy, thế nhưng người ta vẫn không nguôi những ước mơ lớn, thậm chí lớn quá tầm của mình. Như gọi LHP Việt Nam là "Oscar của Việt Nam", Cánh diều là "Cannes của Việt Nam". Thậm chí năm nào chúng ta cũng cố tìm ra một phim gọi là "tươm tất" đăng ký dự thi hạng mục Phim nước ngoài - giải Oscar danh giá. Một nhà phê bình điện ảnh đã từng nói đây là "nỗ lực vượt qua mặc cảm của điện ảnh Việt", nhưng là một "cố gắng thiếu tự trọng".
Có những đỉnh cao chúng ta chưa thể với tới chứ đừng nói đến vượt qua, nên so sánh luôn là một việc vô ích. Hãy để LHP Việt Nam là LHP Việt Nam, Cánh diều là Cánh diều.
Điện ảnh Việt Nam hiện tại đang ở trong trạng thái "tồn tại" chẳng có lý do gì để đặt thêm cho ngành những kỳ vọng, ảo tưởng hão huyền. Dù điện ảnh có nghèo, có "dột nát" nhưng những người làm nghề điện ảnh có tự trọng đều nói: "Điện ảnh Việt Nam không cần an ủi". Chính xác là điện ảnh không cần thêm sự an ủi, không cần thêm áp lực của sự kỳ vọng, mà cần được đánh giá thực chất, biết chấp nhận hoàn cảnh, để từ đó vươn lên.
Lễ trao giải Cánh diều sẽ diễn ra vào 20h ngày 15/3/2014 tại Cung hữu nghị Việt - Xô. Mùa giải này, truyền thông đã nhận định thật khó để tìm phim xứng đáng Cánh diều vàng. Chờ xem Ban giám khảo Cánh diều 2013 sẽ chấm theo chất lượng thực sự của điện ảnh 2013, hay sẽ lo đủ vàng, bạc cho các bộ phim tầm tầm?
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa