Cành đào tết xưa
Để có đủ không khí Tết thì phải có một cành đào. Nó vừa như hồn vía lại cũng tựa như sự hiện diện của mùa Xuân trong mỗi nếp nhà. Cây đào góc vườn bốn mùa lép vế trước cam, xoài, hồng, bưởi... giờ được tôn vinh lên ngôi cao nhất. Người miền núi quanh năm bận bịu và thích mọi thứ đều tự nhiên nên không có chuyện uốn cành, tỉa lá. Cành đào nguyên sơ được chặt bằng lưỡi dao mài bén, mang về đến sân nhà vẫn còn tươi nhựa. Phạt một đường chéo như lưỡi cày, cái gốc mới tinh của cành đào được đưa vào lửa đốt cho cháy đen mặt gỗ thịt còn tươi nguyên ban nãy. Ai đó đã chuẩn bị sẵn một khúc trắng ngần từ cây chuối non như một chiếc bình nước của tự nhiên để ngâm gốc đào trong ba ngày Tết. Thêm một tờ giấy hồng bao quanh khúc chuối vậy là đã có một cành đào thưởng xuân rồi.
Có dịp xuân về, bên hiên hàng xóm còn thấy vứt lỉnh kỉnh những vỏ lon bia 333 được gom về từ đâu đó. Thứ rác của những hàng quán phố xá ấy, qua bàn tay khéo léo cũng thành những hộp đựng chè hay bộ bàn ghế salon bé xíu đặt trong tủ kính bên dưới cành đào. Có khi còn được làm thành những chiếc đèn lồng xinh xắn... treo bên cành đào.
Trong cái lạnh đầu năm, dòng nhựa nóng giần giật trong cành đào đã làm bung nở những nụ đào phớt hồng. Một màu kì diệu như được pha giữa màu của sương núi và má đào thiếu nữ dưới những bản làng trong thung lũng...Màu hoa đào của những cái Tết ấy theo tôi mãi đến tận bây giờ.