Cẩn trọng khi mua bán online nếu không muốn 'mắc bẫy' hacker
(Thethaovanhoa.vn) - Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) đã tạo thuận lợi cho người tiêu dùng khi thanh toán. Tuy nhiên, TMĐT cũng trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm công nghệ cao thông qua việc ăn cắp dữ liệu, thông tin cá nhân của người dùng để rút trộm tiền.
Nhiều rủi ro
Hiện nay, thanh toán điện tử ngày càng phát triển bởi với sự tiện lợi của nó, người tiêu dùng ngày nay có thể ngồi một chỗ, chọn món hàng ưng ý qua mạng rồi khai báo thông tin tài khoản để chuyển tiền online. Không chỉ là thanh toán khi mua hàng qua mạng, mà nhiều hình thức thanh toán các dịch vụ thiết yếu như trả tiền điện thoại, tiền điện, vé máy bay… cũng được người tiêu dùng lựa chọn.
Theo đại diện Bộ Công Thương, dự báo đến năm 2020, sẽ có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm online, 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT trên Internet hoặc trên nền tảng di động.
Tuy nhiên, người tiêu dùng không thể ngờ có rất nhiều cái bẫy đang giăng ra. Khi truy cập nhầm vào các trang web giả mạo, các thông tin cá nhân, trong đó có số tài khoản sẽ bị sao lưu vì những mục đích trái phép, khó kiểm soát. Không ít khách hàng tham gia thanh toán điện tử lâm vào tình cảnh "lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn".
Chị Minh Thúy (TP Nam Định) cho biết từng mua một bộ đồ quần áo trên một trang bán hàng online. Chị lựa chọn phương thức thanh toán chuyển khoản thay vì trả tiền khi nhận hàng. Tuy nhiên sau khi thanh toán cả tuần, chị vẫn chưa nhận được món đồ mình mua. Gọi điện cho cửa hàng thì chị nhận được phản hồi là chưa nhận được tiền chuyển khoản. Chị Thúy phải đến ngân hàng, đối chiếu số tiền bị trừ. Cuối cùng tiền cũng được chuyển đi và lỗi được xác định do phát sinh trong quá trình giao dịch điện tử.
Thanh toán điện tử tuy tiện lợi nhưng tiềm ẩn rủi ro
Chị Thu Hoài, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết: “Tôi không nghĩ tính bảo mật của thẻ Visa lại kém như vậy. Bình thường khi chuyển khoản bằng tài khoản ATM, ngân hàng sẽ gửi mã xác nhận đến điện thoại để đảm bảo người thực hiện giao dịch đúng là chủ nhân của tài khoản. Tuy nhiên nếu dùng thẻ Visa để mua sắm điện tử thì không cần mã số bảo mật này. Thế có nghĩa là ai có thẻ Visa của tôi cũng có thể tiêu hết số tiền trong tài khoản của tôi”.
Dạo qua các trang bán hàng điện tử hiện nay, có thể thấy thượng vàng hạ cám các nội dung thông tin và hầu hết đều cho phép khách hàng thanh toán online. Tuy nhiên, nhiều trang xuất hiện các nội dung như “Chúc mừng bạn đã chiến thắng cuộc thi...”, “Chúc mừng bạn đã trở thành khách hàng may mắn nhận phần quà...”.
Nếu người tiêu dùng tò mò click vào thì khả năng thông tin cá nhân “bị đánh cắp” rất cao. Thậm chí có các dạng lừa đảo trên mạng khác như hacker (tin tặc) lập hẳn website bán hàng, trang Facebook bán hàng giống hệt với website của các doanh nghiệp uy tín để lừa đảo. Như mới đây, Facebook giả mạo của một trung tâm điện thoại lớn rao bán iPhone 5/5S giá rẻ khiến hàng nghìn người mắc bẫy.
Theo ThS. Phan Thế Thắng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, nhiều website bán hàng trực tuyến nhằm mục đích lấy cắp thông tin cá nhân của người tiêu dùng như thông tin về tài khoản thành viên, email và nhiều trường hợp cả thông tin tài khoản ngân hàng. Thông qua đó, các tổ chức, cá nhân này có thể lấy cắp tiền của người tiêu dùng từ tài khoản mua hàng hoặc tài khoản ngân hàng. Đây là thực trạng đáng báo động của thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay.
Cảnh giác trước dấu hiệu khả nghi
Anh Nguyễn Xuân Đức, chuyên gia marketing của mạng Trangsucbac.com cho biết, hacker thường dùng phần mềm gửi thư rác để đánh lừa người tiêu dùng. Trong thư, hacker viết nội dung có tính chất khẩn cấp như: “Ngân hàng phát hiện thẻ tín dụng của bạn sử dụng nhiều IP khác nhau. Bạn cần cập nhật lại thông tin thẻ, nếu không thẻ của bạn sẽ bị khóa” hoặc “Ai đó đang tìm cách đăng nhập vào tài khoản của bạn tại ngân hàng A, nếu đó không phải là bạn thì đề nghị truy cập vào đường link sau...”.
Thông tin này khiến người nhận cảm thấy, lo lắng vì tài khoản của mình đang có vấn đề, do đó thường làm ngay theo hướng dẫn của hacker. Đây chính là “cái bẫy” khiến người nhận thư vô tình cung cấp thông tin quan trọng cho tội phạm.
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, trước khi giao dịch thanh toán điện tử hay mua hàng trên mạng, người tiêu dùng cần cảnh giác, kiểm tra chính xác các website thương mại điện tử chính thống mới tiến hành giao dịch.
ThS. Phan Thế Thắng cho biết, rất nhiều người tiêu dùng rất bức xúc khi tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ của họ bị các doanh nghiệp sử dụng phương thức thương mại điện tử cung cấp cho bên thứ ba, gây ảnh hưởng đến sự an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng.
Ông Thắng khuyến cáo, để giao dịch thương mại điện tử an toàn, người tiêu dùng chỉ nên tham gia vào các sàn giao dịch, website uy tín, chú ý đến danh sách đen (black list) mà các thành viên tham gia mua sắm trực tuyến thông báo cho nhau để biết các địa chỉ, các trang giao dịch trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo.
“Khách hàng nên chọn hình thức thanh toán an toàn có độ an toàn cao, kèm các chính sách hoàn trả lại tiền khi gặp rủi ro. Khi thấy quyền lợi của mình bị vi phạm, người tiêu dùng cần gửi yêu cầu tới các cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ, giải quyết”, ông Thắng gợi ý.
Theo Xuân Hương - Hoàng Dương/báo Tin tức