Cần phải cấm những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức nghiêm trọng
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, cần thiết có những quy định pháp lý đủ mạnh, mang tính răn đe để làm trong lành môi trường nghệ thuật.
Vừa qua, đề xuất xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được sự quan tâm của dư luận. Cụ thể người hoạt động nghệ thuật như ca sĩ, diễn viên... sẽ bị xem xét cấm sóng, cấm biểu diễn nếu vi phạm pháp luật.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đã trao đổi với chúng tôi về vấn đề này.
Theo ông, vì sao cần xây dựng quy định hạn chế biểu diễn, cấm sóng với nghệ sĩ vi phạm pháp luật?
Ban hành quy tắc xử lý nghệ sĩ vi phạm pháp luật hoặc vi phạm trên không gian mạng là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Văn nghệ sĩ có ảnh hưởng rất lớn đối với công chúng, vị trí vai trò đặc biệt trong xã hội. Vì vậy họ nên là tấm gương tốt, truyền cảm hứng cho người dân. Đó là lý do vì sao chúng ta đặt khá nhiều trách nhiệm, đạo đức lên đôi vai của nghệ sĩ. Đó là vinh dự đồng thời là trách nhiệm của họ.
Tuy nhiên trong thời gian qua, kỳ vọng của khán giả với văn nghệ sĩ không được đáp ứng. Một số nghệ sĩ để lại tiếng xấu, hình ảnh không phù hợp cả trong lời nói hay chia sẻ trên mạng xã hội. Những lệch chuẩn không phù hợp này có thể ảnh hưởng tới công chúng, môi trường văn hóa, đặc biệt trong giới trẻ.
Cần có quy định về luật pháp, chế tài nghiêm khắc để răn đe, xử lý mang tính làm gương để nghệ sĩ không có những chia sẻ hoặc có hành động lệch chuẩn được. Trước đây, đã ban hành Quy tắc ứng xử với nghệ sĩ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng (Bộ Thông tin và Truyền thông). Từ bộ quy tắc đó nghệ sĩ biết họ phải làm gì phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của mình. Đó là lý do vì sao ý tưởng cấm diễn, cấm sóng nhận được sự quan tâm.
Nếu được ban hành, quy định này sẽ có tính răn đe hơn so với quy tắc ứng xử của nghệ sĩ thế nào?
Các bộ quy tắc ứng xử có tác động rất lớn trong việc nâng cao nhận thức của văn nghệ sĩ đồng thời cũng có tác động tốt cho dư luận xã hội trong việc đánh giá về các hành động hành vi ứng xử của văn nghệ sĩ. Nhưng từ khi ban hành bộ quy tắc ứng xử này thì với một số trường hợp chưa thể giải quyết triệt để được. Đó là lý do vì sao các bộ ngành phải nghĩ đến biện pháp mạnh hơn. Đó là cần phải có những quy định cụ thể về xử phạt để nghệ sĩ ý thức tốt hơn vai trò của mình. Làm được như thế sẽ trả lại sự trong lành cho môi trường nghệ thuật.
Để có quy định xử phạt, bộ ngành cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt nên tham khảo các nước có văn hóa gần gũi với Việt Nam, đồng thời dựa vào những quy phạm pháp luật đã có trên cơ sở tạo ra sự răn đe đủ lớn để văn nghệ sĩ ý thức nhiều hơn về vai trò của mình. Từ đó tạo hành lang pháp lý làm trong sạch lại môi trường nghệ thuật biểu diễn.
Nếu cấm hoàn toàn nghệ sĩ vi phạm pháp luật như Trung Quốc áp dụng liệu có khả thi ở Việt Nam?
Kinh nghiệm của Trung Quốc có thể là bài học cho chúng ta ban hành các quy định ở Việt Nam nhưng ở Việt Nam lại có văn hóa khác biệt. Vì vậy không thể nào bê nguyên quy định của Trung Quốc áp vào việt Nam. Người Việt khá duy tình và thường suy nghĩ đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, tạo điều kiện cho người làm sai có thể có thể quay trở lại. Ngoài việc có quy định xử phạt, răn đe, bộ ban ngành cũng nên có chính sách hỗ trợ nghệ sĩ để họ có thể sống được bằng nghề.
Theo ông, những trường hợp nào nên cấm?
Những trường hợp nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức nghiêm trọng cần phải cấm. Ví dụ trường hợp của Minh Béo, hiện tại không bị xử phạt, không bị kết án ở Việt Nam nhưng hành vi sai phạm nghiêm trọng, không chấp nhận được.