Càn Long hạ lệnh đúc 22 chiếc lu bằng vàng, sau khi Tử Cấm Thành thất thủ mới lộ tẩy âm mưu lừa dối Hoàng đế của Hòa Thân
Càn Long muốn đúc thêm 22 cái lu lớn bằng vàng và giao nhiệm vụ này cho Hòa Thân, yêu cầu ông đề xuất kinh phí và chịu trách nhiệm giám sát.
Liên quân tám nước tràn vào Tử Cấm Thành cuối thời nhà Thanh, đồng thời lấy đi phần lớn của cải tài bảo trân quý. Họ thèm muốn 22 chiếc "lu vàng" nặng hàng nghìn tấn trong hoàng cung, nhưng không thể di chuyển chúng đi.
Đột nhiên, một sĩ quan phát hiện ra màu đồng thau lộ ra từ những vết va chạm trên chiếc lu. Hóa ra những chiếc "lu vàng" này không phải đúc bằng vàng ròng mà bên trong làm bằng đồng, bên ngoài chỉ phủ một lớp vàng mỏng, là "lu đồng mạ vàng".
Vì vậy, binh lính đã sử dụng dao quân dụng cạo lớp vàng bên ngoài trong mỗi chiếc lu, bọc trong vải và mang đi.
Một số người thắc mắc tại sao trong Tử Cấm Thành lại có nhiều lu như vậy? Chúng được sử dụng với mục đích gì? Hay chỉ đơn thuần là vật trang trí?
Hỏa hoạn bùng phát trong Tử Cấm Thành
Quay trở lại thời đại của Hoàng đế Chu Đệ nhà Minh khi Tử Cấm Thành vừa được xây dựng. Từ năm 1406 đến năm 1420, Chu Đệ đã ra lệnh tập hợp 1 triệu lao động, mất 14 năm để xây dựng Tử Cấm Thành tráng lệ ở Bắc Kinh với diện tích khoảng 720.000 mét vuông.
Sau đó, Chu Đệ chính thức thực hiện cuộc dời đô quy mô lớn và trở thành chủ nhân của Tử Cấm Thành.
Không ngờ vào một đêm năm sau, trong cung đột nhiên bùng lên một trận hỏa hoạn, kiến trúc bằng gỗ của cung điện và cây cỏ đều rất dễ bắt lửa. Tử Cấm Thành lúc này như chìm trong biển lửa.
Hầu như tất cả thái giám, cung nữ, thị vệ đều được điều động dập lửa, họ phải lấy nước từ sông hộ thành rồi đưa vào cung. Cảnh tượng người xếp thành hàng rồi chuyền tay nhau thùng nước, hoặc những chiếc xe đẩy thùng nước chạy tán loạn như “muối bỏ biển” trong đám lửa lớn này. Kết quả là không ít người kiệt sức và cố gắng không ngừng nghỉ suốt đêm mới dập được lửa.
Tuy nhiên, trận hỏa hoạn đã khiến ba cung điện bị thiêu rụi hoàn toàn, thậm chí cung điện nơi Hoàng đế ở cũng bị ảnh hưởng. Sau sự kiện này, người trong cung bắt đầu nghĩ cách ngăn chặn hỏa hoạn.
Có người đề xuất nên đặt một lu nước lớn ở cửa của mỗi cung điện hoặc ở sân trong để có thể dập lửa bất cứ lúc nào. Chu Đệ ngay lập tức yêu cầu các thợ thủ công đúc những lu chứa nước lớn, vật liệu là gốm hoặc đồng.
Những lu nước này có hình dạng và kích thước giống nhau, thiết kế đơn giản mà trang trọng, ngoài việc dùng để chữa cháy, đôi khi còn có thể dùng để nuôi cá và trồng hoa sen vào mùa hè.
Nhưng vào mùa đông, nhiệt độ ở Bắc Kinh rất thấp, có lúc nước trong lu đóng băng, vậy thì phải làm sao?
Giải pháp là dưới đáy lu nước được đặt một bệ đá, chất đầy than củi, khi mùa đông lạnh giá đến thì đốt lên để nước không bị đóng băng cho đến tháng Ba năm sau.
Một phương pháp khác cũng được áp dụng, đó là bọc kín những tấm chăn lên những lu chứa nước này, sau đó đậy miệng lu bằng ván gỗ, cũng có tác dụng chống đóng băng.
Với hơn 300 lu nước lớn này, Tử Cấm Thành nếu đột ngột xảy ra hỏa hoạn cũng vẫn được cứu cháy kịp thời, do đó mang lại thái bình an yên và cát tường, vì vậy những chiếc lu này được đặt tên là "Lu Thái bình" và "Lu Cát tường".
22 chiếc lu vàng ròng của Càn Long
Đức tính tiết kiệm của các Hoàng đế nhà Minh không được truyền lại cho các vua nhà Thanh, khi Càn Long lên nắm quyền, sự xa hoa càng không có điểm dừng.
Có một lần, Càn Long muốn đúc thêm 22 cái lu lớn bằng vàng. Khang Càn thịnh thế đưa nhà Thanh phát triển hùng mạnh, do vậy chỉ có vàng mới thể hiện được uy nghiêm của Hoàng đế.
Tất nhiên, Càn Long đã giao vấn đề này cho Hòa Thân, yêu cầu ông đề xuất kinh phí và chịu trách nhiệm giám sát.
Hòa Thân tính toán một chiếc lu lớn bằng đồng nặng 2.000kg, một thùng vàng ròng cùng thể tích sẽ nặng 5.000kg, để đúc ra 22 chiếc sẽ tốn 110.000kg vàng, không đủ tiền để chi cho tất cả.
Vì vậy, Hòa Thân đã nghĩ ra một phương pháp không chỉ có thể phô trương thanh thế của hoàng gia, tiết kiệm cho ngân khố quốc gia mà còn thu được lợi ích to lớn cho bản thân. Đó là đúc lu bằng đồng thau sau đó mạ một lớp vàng thật bên ngoài.
Theo dự tính của Hòa Thân, mỗi lu giảm nhẹ còn 1.700kg, nhờ đó tiết kiệm rất nhiều tiền. Nhưng khi báo cáo ngân sách, đồng thau bên trong vẫn được tính theo giá vàng, từ đó Hòa Thân thu được rất nhiều lợi nhuận.
Tất nhiên, Càn Long biết về lòng tham của Hòa Thân, nhưng ông vẫn nhắm mắt làm ngơ, bởi vì sự tồn tại của Hòa Thân liên quan đến rất nhiều hệ lụy của triều đình lúc bấy giờ.
Thế là 22 chiếc lu đồng mạ vàng xuất hiện trong Tử Cấm Thành bởi nguyên nhân như thế. Mãi đến năm 1900, Liên quân tám nước đã cạo sạch lớp vàng trên mặt lu thì "vụ lừa đảo" năm nào mới bị bại lộ.
Nguồn: 163, Sohu