Cần làm “sống lại” giá trị sông Kim Ngưu
(TT&VH) - Hồ Tây là một danh thắng rất nổi tiếng của Hà Nội, gắn liền với truyền thuyết văn hóa về câu chuyện Trâu vàng (Kim ngưu) lồng lên tìm mẹ mà tạo thành cả một dòng sông và vùng hồ.
Xung quanh việc hình thành hồ Tây có nhiều truyền thuyết khác nhau như Xác Cáo, Dâm Đàm, Lãng Bạc…Và cả dấu tích căn cứ khoa học địa lý tự nhiên của quá trình thay đổi dòng chảy sông Hồng. Nhưng truyền thuyết trâu vàng được truyền tụng nhiều hơn và nó đã góp phần cùng hồ Hoàn Kiếm làm nên hồn cốt Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Di sản bị biến dạng
Hồ Tây đi liền với sự tích dòng sông Kim Ngưu; sông Kim Ngưu xưa nếu dựa theo sự tích trâu vàng thì nó phải bắt nguồn từ hồ Kim Ngưu (hồ Tây). Có lẽ sau này do bị san lấp nên mới có truyện là phân lưu của sông Tô Lịch và lấy nước từ Ô Cầu Giấy chảy theo hướng tây đông tới Đội Cấn lại lấy nước từ Tô Lịch một lần nữa. Khi tới Thụy Chương (Thụy Khê) chảy theo hướng nam qua Ngọc Khánh, Hào Nam, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, Ô Cầu Dền, Ô Đông Mác trước khi ra khỏi nội thành. Từ Ô Đông Mác xuôi qua vùng Mơ Táo rồi về Yên Sở, Đông Mỹ, Ninh Sở, huyện Thanh Trì.
Nơi đây vốn là vùng định cư của những tù binh Chiêm Thành. Từ Ninh Sở lại song song với sông Hồng đi tiếp về Thượng Phúc, qua Bạch Liên, Phương Quế, Khê Hồi, vùng đất của tổng Hà Hồi có ngôi miếu tương truyền rằng chính là nơi đặt thi hài tướng Cao Sơn người có công đánh giặc phương Bắc. Chảy đến chợ Vồi thì mở rộng lòng thành một hồ nước tương đối lớn. Chợ Vồi nằm ngay bên bờ vực, đây là khu chợ nổi tiếng của trấn Sơn Nam xưa mà ca dao đã có câu: “Sơn Nam nhất chợ Bằng – Vồi”. Từ vực Vồi lại chảy tiếp về làng Quýt, Đào Xá, Kiều Thị, quê hương phát tích nghề thêu Việt Nam và những dấu tích có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của vị tổ sư nghề Lê Công Hành, hay còn gọi là Bùi Quốc Khái một danh sĩ lớn của thời Lê.
Sông Kim Ngưu cần được trả lại giá trị văn hóa và lịch sử vốn có
Sau khi dừng lại ở hồ Kiều Thị, dòng chảy đột ngột chuyển hướng về phía Tây vắt qua đường kinh lý xuyên việt (quốc lộ số 1) nhằm thẳng hướng di tích chùa Đậu mà hợp lưu vào sông Nhuệ, nơi giáp danh giữa hai làng Vĩnh Mộ tổng Đông Cứu và làng Gia Khánh tổng La Phù, nay là xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, kết thúc hành trình trên một chặng đường dài hơn 30km.
Sông Kim Ngưu trước đây là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ có chức năng chính là tiêu nước cho thành phố Hà Nội. Những biến thiên và đặc biệt là quá trình phát triển đô thị của thủ đô trong khoảng thời gian vài thập kỉ gần đây đã làm cho dòng chảy bị thay đổi và biến dạng nhiều, chỗ còn, chỗ mất, chỗ trở thành sông ngầm trong lòng đô thị.
Ngày nay Kim Ngưu chỉ còn dòng chảy lộ thiên, rõ rệt nhất là từ Ô Đông Mác (cuối phố Lò Đúc), chạy dọc theo đường Nguyễn Tam Trinh và hồ Yên Sở được coi là kết thúc. Phần hạ lưu xưa từ Yên Sở đến Nguyễn Trãi, nay đoạn còn, đoạn mất do san lấp thành đồng ruộng. Đoạn còn thì lại thành dòng chảy mang tên mới hoặc hòa nhập với những mương tiêu nội vùng của hai huyện Thanh Trì và Thường Tín.
Giấc mơ “du lịch sông Kim Ngưu”
Lịch sử văn hóa Thăng Long - Hà Nội gắn liền với rất nhiều huyền thoại, trong đó có huyền thoại đàn trâu vàng tìm mẹ mà thành sông và hồ Tây rộng lớn, để đến hôm nay chúng ta được thừa hưởng một thắng cảnh hết sức có giá trị cả về mặt văn hóa tinh thần, cảnh quan đô thị đến khoa học môi trường … Hồ Tây trong những năm gần đây càng được đầu tư tôn tạo, bảo vệ và làm đẹp nên rất nhiều. Nói cho đúng hơn hồ Tây làm cho Hà Nội đẹp hơn và giàu ý nghĩa nhân văn hơn.
Vai trò, vị trí của hồ Tây với thủ đô Hà Nội là như vậy, nhưng còn một phần cũng vô cùng quan trọng của cả một truyền thuyết thì lại ít chú ý đến việc bảo tồn, khai thác nó như một di sản văn hóa ngang hàng hồ Tây. Đó là dòng sông Kim Ngưu. Vậy thì đã đến lúc chúng ta phải xem xét việc này dưới hình thức làm cho dòng sông Kim Ngưu sống lại hiện hình. Tuy nhiên, sông Kim Ngưu bây giờ đã bị chảy ngầm gần như hết phần thượng lưu, chỉ còn từ Ô Đông Mác (quận Hai Bà Trưng) đến cửa sông Nhuệ (huyện Thường Tín) là vẫn có đủ khả năng khôi phục lại. Việc chúng ta cho sống lại được dòng Kim Ngưu thì sẽ tạo ra được hai khả năng khai thác hết sức khả thi.
Thứ nhất là: tạo ra được một tuyến du lịch bằng đường thủy đi từ Ô Đông Mác về đến chùa Đậu. Nếu đi từ Ô Đông Mác, khách sẽ qua một vùng sinh thái bao la, đặc biệt là những vùng miền văn hóa làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và những di tích lịch sử nổi tiếng. Vượt qua cánh đồng Đông Mỹ, Yên Sở là đến ngay với làng nghề tre đan Ninh Sở, khách có thể lên bờ vào làng mua sản phẩm mỹ nghệ bằng tre hoặc xem các nghệ nhân chẻ lạt đan hàng. Tiếp theo Ninh Sở xuống Hạ Thái là làng nghề sơn thếp, sơn mài, nơi phát tích nghề sơn thếp Việt Nam mà tổ sư là tiến sĩ Trần Lư hai lần đi sứ mới học được bí quyết mang về Bằng Vọng dạy dân.
Qua Hạ Thái đến chợ Vồi, trung tâm mua sắm hàng hóa lớn nhất phía nam Hà Nội hiện nay, đồng thời cũng là đầu mối mua và bán hoa quả từ trong và ngoài nước, suốt ngày đêm nhộn nhịp hàng đến, hàng đi. Sau chợ Vồi đến làng Quýt, Hướng Dương có đền Ngũ Xã thờ ông tổ nghề thêu và cả một vùng làng nghề thêu trải dài vào tới tận làng Đông Cứu.
Điểm cuối cùng ở ngã ba sông Nhuệ cũng là chùa Đậu nơi đang lưu giữ cốt nhục hai vị thiền sư Võ Khắc Trường và Võ Khắc Minh, đồng thời còn có cả đền thờ công chúa Khúc Thị Ngọc, con gái Khúc Thừa Dụ, em gái Khúc Hạo và là cô Khúc Thừa Mỹ. Một gia đình ba thế hệ nối tiếp nhau dựng lên nền độc lập tự chủ đầu tiên của nước ta ở thế kỷ 10. Tương truyền đây chính là nơi bà hóa sau khi kết thúc cuộc hành trình du ngoạn bằng đường thủy từ hồ Tây theo sông Kim Ngưu. Thì ra tổ tiên ta xưa đã có những cuộc du ngoạn như thế bằng thuyền dọc tuyến Kim Ngưu.
Thứ hai: tạo thêm cho thành phố Hà Nội một dòng tiêu thoát nước. Hà Nội hiện giờ đang đứng trước nguy cơ ngập úng mỗi khi mùa mưa đến bởi nhiều ao hồ, sông ngòi trong đó có sông Kim Ngưu đã bị san lấp, hoặc chặn hẹp dòng chảy. Nên nếu Kim Ngưu được khơi thông thì lợi ích của việc tiêu thoát nước cho Hà Nội là điều ai cũng có thể nhận ra.
Với khả năng kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, việc khôi phục lại dòng sông Kim Ngưu là việc không phải khó. Điều cốt yếu là sự nhận thức về giá trị nhân văn của thủ đô Hà Nội và hồ Tây. Bởi mỗi khi nói đến Hà Nội thì không thể bỏ qua hồ Tây, mà hồ Tây thì bắt nguồn từ sự tích Kim Ngưu. Nói cho cùng, hồ Tây còn thì con sông huyền thoại Kim Ngưu cũng phải còn.
Nguyễn Nguyên Hoài