Cạm bẫy phía sau cái 'quẹt tay' chọn bạn tình trên Tinder: Nhiều nạn nhân biết bị lừa nhưng vẫn cố chấp sống trong ảo mộng tình yêu
Lừa đảo trên Tinder luôn là câu chuyện "nóng hổi" mỗi khi được nhắc đến. Ở đó có đầy đủ các hình thức gài bẫy khiến cho các "con mồi" tự động dâng tiền cho đối phương mà không hề cảnh giác. Thậm chí, đến khi biết bản thân đã bị lừa, họ vẫn còn lưu luyến những tháng ngày được sống trong trái ngọt tình yêu hư ảo.
Cú lừa tình - tiền trên Tinder
Ngay khi phát hành năm 2012, Tinder đã thay đổi cuộc chơi hẹn hò qua mạng. Mọi người không còn phải dành thời gian dài để nghiền ngẫm các hồ sơ được sắp xếp công phu, các hồ sơ thân thiện với smartphone được thiết kế để "quẹt" sang trái hoặc phải một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, cũng chính bởi nhu cầu kết bạn, hẹn hò trên ứng dụng Tinder ngày càng gia tăng, nhiều đối tượng tội phạm đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo với các phương thức khác nhau để chiếm đoạt tài sản từ những người nhẹ dạ cả tin.
Chỉ cần tìm kiếm cụm từ "Lừa đảo qua Tinder" trên Internet, sẽ không khó để thấy các bài viết vạch trần thủ đoạn lừa đảo khi hẹn hò trên ứng dụng này. Đủ chiêu thức, đủ phương pháp, các đối tượng đã lợi dụng lòng tin mù quáng đa số từ các bạn trẻ để chiếm đoạt một số tiền lớn.
Thậm chí, nạn lừa đảo trên Tinder còn phổ biến đến mức được Netflix sản xuất thành phim tài liệu.
Ra mắt hôm 2/2/2022, The Tinder Swinder (Kẻ lừa đảo trên Tinder) trở thành một hiện tượng phim ảnh toàn cầu. Đến nay, phim vẫn dẫn đầu lượng người xem trên Netflix quốc tế và ở nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Việt Nam, Israel... với hơn 64,7 triệu giờ trình chiếu. Phim nhận 95% đánh giá tích cực từ các nhà phê bình và 84% ghi nhận tốt từ khán giả trên chuyên trang phim Rotten Tomatoes.
Câu chuyện phim tái hiện hành trình Simon Leviev lừa đảo tình yêu, tiền bạc của nhiều phụ nữ khắp thế giới qua nhiều năm. Thông qua ứng dụng hẹn hò Tinder, tay chơi người Israel dụ các cô gái sa lưới tình, chinh phục họ bằng vẻ ngoài bóng bẩy và cuộc sống sang giàu trong thân phận con trai tỷ phú, người thừa kế hãng hàng không...
Kẻ lừa đảo thu hút con mồi không chỉ bởi những điều ngọt ngào qua tin nhắn hay video, mà còn có sự hấp dẫn khi đi du lịch vòng quanh châu Âu, những bữa tiệc sang trọng và tham gia hộp đêm.
Những "dấu hiệu" trên đã khiến các cô gái tin rằng hắn đích thực là người giàu có và muốn kết hôn với người đàn ông này.
Sau một thời gian yêu đương mặn nồng, Simon bịa chuyện làm ăn thất bại, bị xã hội đen truy sát, tạo vỏ bọc đáng thương để các cô gái lo lắng và liên tục chi tiền lớn cho anh ta. Thực tế, anh chàng dùng tiền tiếp tế của cô này để "săn mồi" cô khác rồi thoái thác trách nhiệm, đẩy các nạn nhân vào nợ nần chồng chất. Ước tính, Simon đã kiếm 10 triệu USD từ các người tình.
The Tinder Swindler được thực hiện khi màn kịch của Simon Leviev đã hạ màn, thông qua các cuộc trò chuyện với ba cô gái bị lừa đến từ Na Uy, Thụy Điển và Hà Lan. Thế nhưng, các cô gái vẫn lấp lánh si mê, ngập tràn hạnh phúc trong đáy mắt, nụ cười và giọng nói khi hồi tưởng những ngày đầu được Simon Leviev chiều chuộng như bà hoàng. Đó là một điểm gây sốc của phim. Dẫu đã nếm trải những ngày tháng như địa ngục vì nợ mẹ đẻ nợ con trong khi người đàn ông mình trao gửi con tim đã cuốn gói bay xa, các cô gái ít nhiều vẫn níu giữ một tình yêu hư ảo.
Ayleen Charlotte, cô gái đến từ Hà Lan, thậm chí đã mua nhà, tính chuyện cưới hỏi với Simon.
6 cách phát hiện một kẻ lừa đảo trên Tinder
Để ngăn bạn trở thành nạn nhân, các chuyên gia hẹn hò qua ứng dụng chỉ ra 6 cách phát hiện kẻ lừa đảo.
Công việc hoàn hảo
Tina Wilson, người sáng lập ứng dụng hẹn hò Wingman, cho rằng những chi tiết trong hồ sơ hẹn hò của một người có thể trở thành dấu hiệu nhận biết lừa đảo. Điều này bao gồm cả nghề nghiệp của họ vì hầu hết những kẻ lừa đảo chọn một công việc hoàn hảo như bác sĩ, y tá, nhà đầu tư...
"Một kẻ lừa đảo sẽ chọn một công việc được mọi người tin tưởng", Tina nói.
Ngoài ra, kẻ lừa đảo có thể lấy lý do làm việc ở một đất nước khác và vẽ ra một câu chuyện lôi cuốn để thuyết phục bạn.
Trang cá nhân trống rỗng
Thông thường trong những ngày đầu tìm hiểu bạn sẽ vào các tài khoản mạng xã hội của đối phương như Facebook, Instagram... Tina cho biết điều đó là đúng vì nó có thể giúp bạn tìm ra sơ hở của kẻ giả mạo.
"Những kẻ lừa đảo thường ít hoạt động trên các mạng xã hội và nếu có tài khoản, nó sẽ rất cơ bản và hầu như không có sự tương tác với bạn bè hay đồng nghiệp...", cô nói.
Người sáng lập ứng dụng hẹn hò Wingman khuyên bạn nên kiểm tra trang cá nhân của họ được lập từ bao giờ, hay thử Google tìm kiếm ngược hình ảnh của họ để xem những hình ảnh đó từng xuất hiện ở những trang web khác hay chưa. Nếu đối phương không có ảnh chụp gia đình hay bạn bè cũng là một điểm đáng nghi.
Thể hiện tình cảm quá mức
Kẻ lừa đảo có thể áp dụng chiêu "love-bombing" - thuật ngữ dùng để chỉ những màn thể hiện tình cảm và sự quan tâm quá mức. Hãy cẩn thận với bất cứ ai nói với bạn rằng cuộc gặp gỡ của hai người là "định mệnh", hứa hẹn quá nhiều hoặc thậm chí nhanh chóng ngỏ lời cầu hôn.
Tránh gặp mặt và gọi video call
Tina Wilson cho rằng nhiều kẻ lừa đảo thường thích nhắn tin và nói chuyện điện thoại nhưng cuộc gọi video lại thường trốn tránh bởi rất nhiều lý do. "Những lý do ấy có thể là camera bị hỏng hoặc đang bận việc không thể trả lời. Nếu họ trốn tránh, bạn nên cân nhắc việc ngừng trò chuyện", Tina nói.
Kẻ lừa đảo cũng thường tránh gặp mặt bạn ngoài đời. Những người này sẽ viện lý do để không phải gặp mặt, ví dụ như nói người thân đang ốm đau cần chăm sóc, đây cũng có thể là cớ để họ mượn tiền nạn nhân trong tương lai.
Đối phương nhắc đến tiền
Đây là cách dễ dàng nhất để xem đối phương có phải kẻ lừa đảo hay không. Khi trò chuyện một thời gian ngắn, nếu họ hỏi bạn có thường đầu tư hay có thói quen tiết kiệm tiền bạc và quan tâm nhiều đến mức sống, thu nhập của bạn, vậy thì mục tiêu của anh ta đã quá rõ ràng. Ngoài ra, những kẻ lừa đảo thường tạo trường hợp khẩn cấp để bạn gửi tiền cho họ. Đó có thể là tiền sửa nhà, tiền đi lại, chi phí khám chữa bệnh cho người thân...
Những bức ảnh "sặc mùi" photoshop
Đối phương có thể khiến bạn thán phục bởi những kỳ nghỉ xa hoa nhưng nếu họ chỉ có ảnh từ một chuyến đi, hãy cẩn thận!
Kain Jones, Giám đốc điều hành của Pixsy, một ứng dụng phát hiện chỉnh sửa ảnh cho biết: "Những người có ý định lừa đảo thường dùng ảnh của một kỳ nghỉ hoặc một sự kiện vì đó là tất cả những gì họ có".
Kain khuyên người dùng ứng dụng hẹn hò nên truy nguồn ảnh bởi một số người có thể đánh cắp hình ảnh từ Internet để ngụy tạo cuộc sống ảo trên mạng xã hội.
Ông cũng đưa ra một vài mẹo nhỏ để phát hiện ảnh giả mạo. Theo đó, bạn có thể phát hiện một kẻ lừa đảo bằng ánh sáng hoặc bóng xuất hiện trong bức ảnh. "Nếu đối phương chụp ảnh dưới ánh nắng nhưng không hề có bóng phản chiếu thì hãy cẩn thận đó chỉ là ảnh photoshop", Kain nói.
Cuối cùng, các chuyên gia khuyên rằng, bạn hãy luôn tỉnh táo và cảnh giác trong bất cứ trường hợp nào khi tham gia hẹn hò qua mạng. Đặc biệt, trong câu chuyện của tình yêu, đừng để tiền bạc xen vào. Nếu mối quan hệ đó nhanh chóng đi theo hướng hỗ trợ tài chính cho đối phương, hãy dừng lại, dành trái tim bạn cho người tốt hơn.