Cái kết mới cho hành trình tìm cha của Marilyn Monroe
Khao khát lớn nhất trong cuộc đời của ngôi sao tài hoa bạc mệnh Marilyn Monroe là tìm được người cha đẻ của mình. Sinh thời, bà không làm được việc đó, khi đã nhiều lần cố tìm gặp cha nhưng luôn bị từ chối phũ phàng.
Để rồi, 60 năm sau ngày mất, bí ẩn về người cha đẻ của Monroe (1926 - 1962) cuối cùng đã được giải mã với bộ phim tài liệu của Pháp sắp phát hành mang tựa đề Marilyn, Her Final Secret (tạm dịch: Bí mật cuối cùng của Marilyn).
3 sợi tóc của huyền thoại
Khi cô bé Norma Jeane Mortenson cất tiếng khóc chào đời vào ngày 1/6/1926, mẹ cô đang gặp nhiều rắc rối tâm lý và đã có phần lớn thời gian điều trị trong bệnh viện tâm thần. Norma lớn lên mà chẳng hề biết cha mình là ai, nhưng trong lòng luôn ấp ủ mong muốn tìm được người cha mà cô chưa từng được gặp.
Monroe từng hát “My heart belongs to Daddy” (trái tim con thuộc về cha). Nhưng chính xác thì cha cô là ai? Monroe nghĩ rằng cha mình là một doanh nhân bảnh bao và ưa nhìn, có nét giống với huyền thoại màn ảnh Clark Gable.
Cô tin vậy vì mẹ mình, bà Gladys, từng cho xem một bức ảnh đóng khung bằng vàng mà bà giữ, trong đó có chân dung một người đàn ông với ánh nhìn sắc sảo, bộ ria mép mỏng. Bà nói đơn giản: “Đây là cha con”.
Có điều, người đàn ông trong ảnh - Charles Stanley Gifford - luôn kiên quyết phủ nhận điều đó. Gifford là quản đốc của công ty phát triển phim Hollywood nơi Gladys làm việc và đã có một cuộc tình ngắn ngủi với mẹ Monroe vào năm 1925 - một năm trước khi huyền thoại màn bạc được sinh ra. Sự chối bỏ phũ phàng ấy trở thành nỗi ám ảnh đầy cay đắng của Monroe. Cô là người đẹp tóc vàng được đàn ông trên khắp thế giới khao khát, nhưng người mà mình yêu và muốn có được sự công nhận nhất lại một mực muốn chối bỏ.
Francois Pomes - đạo diễn kiêm nhà sản xuất của Marilyn, Her Final Secret - quả quyết rằng bộ phim đã giải quyết được dứt điểm câu hỏi về quan hệ cha con của Monroe nhờ công nghệ xét nghiệm ADN. Pomes nói rằng ông có bằng chứng mới và “không thể chối cãi” rằng Gifford chính là cha của Monroe.
Pomes và ê-kíp làm phim của mình đã tìm cách lấy được ADN của Monroe từ một lọn tóc của bà. Điều này không dễ dàng, vì Monroe là một cô gái tóc nâu bẩm sinh nhưng đã tẩy tóc trong nhiều thập kỷ và chất amoniac được sử dụng trong quá trình tẩy trắng đã phá hủy ADN.
Chia sẻ với tạp chí Paris Match, Pomes cho biết ông đã mua ba sợi tóc của Monroe từ một lọn tóc mà giám đốc một nhà tang lễ đã mua được khi chuẩn bị lo đám tang cho ngôi sao. Từ 3 sợi tóc đó, phòng thí nghiệm chỉ có thể thu được một lượng nhỏ ADN của Monroe. Nhưng, như vậy là đủ.
Bước tiếp theo là tìm ADN từ người đàn ông được cho là cha của Monroe. Biết được Gifford có những đứa con khác từ cuộc hôn nhân đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra cháu gái duy nhất còn sống của ông - Francine Gifford Deir - hiện 75 tuổi và đang điều hành công ty bảo hiểm riêng ở Mỹ. Gifford Deir đã đồng ý cung cấp mẫu ADN, và kết quả xét nghiệm cho thấy, Gifford Deir có ADN trùng khớp rõ ràng với ADN từ tóc của Monroe.
Như thế, 60 năm sau cái chết đầy bi kịch của huyền thoại Hollywood, bí ẩn và danh tính người cha của Monroe đã được giải mã.
“Thông qua khoa học, việc tiết lộ danh tính của người cha ruột mà Monroe đã tìm kiếm cả đời khiến tôi vô cùng thỏa mãn với tư cách là một người hâm mộ Marilyn Monroe” - đạo diễn Francois Pomes nói - “Nhưng điều khiến tôi cảm động nhất là nhìn thấy phản ứng từ gia đình “mới” của Marilyn, những người cũng vô cùng xúc động trước bằng chứng không thể chối cãi này”.
Nỗi ám ảnh từ gia đình mẹ
Đó là tin vui muộn màng cho huyền thoại sinh ra trong một gia đình có người mẹ đặc biệt.
Bà ngoại của Monroe đã gả Gladys ở tuổi 14 cho một doanh nhân có tên Jasper Baker và giả vờ con gái mình 18 tuổi. Gladys là một người phụ nữ hướng ngoại. Ở tuổi thiếu niên, bà có hai đứa con với Baker, nhưng thường bỏ chúng lại với hàng xóm để lên thị trấn đi chơi.
Cuộc hôn nhân của họ kéo dài vỏn vẹn 4 năm. Galdys sớm kết hôn lần nữa, lần này là với Martin Mortensen, một nhân viên bán xăng, nhưng chỉ sau 7 tháng đã ly hôn vì thấy người đàn ông này quá buồn tẻ. Trong vòng 10 tháng kể từ khi bỏ người chồng thứ hai, Gladys phát hiện ra mình có thai.
Thời điểm đó, Stan Gifford là người giám sát Gladys tại Công ty Điện ảnh Hợp nhất, nơi bà làm việc. Đẹp trai nhưng khét tiếng lăng nhăng và vô liêm sỉ, ông và đang hoàn tất thủ tục ly hôn khi gặp Gladys. Vợ của Gifford đã tuyên bố trong đơn ly hôn rằng chồng mình “khoe khoang một cách đáng xấu hổ về những cuộc chinh phục của mình với những người phụ nữ khác”.
Gladys không bao giờ công khai tuyên bố Gifford là cha của Monroe và bà cũng không bao giờ tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ ông. Thực tế, Gladys không có khả năng về tài chính cũng như tình cảm để nuôi dạy một đứa trẻ và Norma Jean - người sau này sẽ lấy nghệ danh là Marilyn Monroe - đã trải qua phần lớn thời thơ ấu của mình trong trung tâm nuôi dưỡng và trại trẻ mồ côi. Người ta cho rằng Norma đã bị cha mẹ nuôi lạm dụng năm 11 tuổi.
Norma kết hôn với người chồng đầu tiên - cảnh sát James Dougherty - khi mới 16 tuổi. Khi đó, sức khỏe tinh thần của mẹ bà giảm sút nghiêm trọng. Khi Norma lên 7, Gladys sa sút tinh thần và bị chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng. Một thời gian ngắn sau đó, Gladys được đưa vào bệnh viện tâm thần và gần như ở trong đó cho đến khi bà qua đời vào năm 1984.
Nhiều người nói rằng gia đình mẹ Monroe có gen di truyền về bệnh tâm thần. Được biết, ông cố của Monroe đã tự tử trong khi cả ông và bà của ngôi sao đều chết trong viện tâm thần. Sinh thời, Monroe từng kể rằng bà ngoại Della của mình từng cố gắng dùng gối đè chết mình khi bà mới 13 tháng tuổi, mặc dù ký ức đó có thể - giống như rất nhiều mô tả về tuổi thơ thiếu thốn của ngôi sao - đã bị thêu dệt rất nhiều.
Hành trình tìm cha đầy đau đớn
Với sự bất an từ nhỏ, không có gì ngạc nhiên khi Monroe cảm thấy rất cần tìm kiếm và kết nối với cha mình. Monroe từng tâm sự với chồng tương lai, nhà viết kịch nổi tiếng Arthur Miller: “Hầu hết mọi người đều có thể ngưỡng mộ người cha của họ nhưng em chưa bao giờ có cha”.
Theo nhà viết tiểu sử Anthony Summers, việc Monroe tin rằng Gifford trông giống như thần tượng màn ảnh Gable đã tạo ra “sự khởi đầu của một giấc mơ suốt đời”. Khi còn nhỏ, Monroe thậm chí còn nói với bạn bè rằng cô là con gái của Gable.
Ở tuổi 18, Monroe tuyên bố với người chồng đầu tiên rằng bà sẽ liên lạc với cha mình. Ngôi sao đã liên lạc được Gifford bằng cách nói chuyện với đồng nghiệp cũ của mẹ mình và tìm ra số điện thoại của ông. Dougherty, chồng của Monroe, kể đã nhìn vợ bấm số của Gifford rồi nhanh chóng dập máy và bực bội nói rằng ông ta từ chối nói chuyện. “Cô ấy thực sự rất buồn” - Dougherty nhớ lại.
- Minh tinh Marilyn Monroe - không chỉ là 'quả bom tóc vàng'
- Marilyn Monroe - Huyền thoại không thể 'giải mã'
- Bất ngờ tìm thấy ảnh 'hấp dẫn' đầu tiên của Marilyn Monroe sau 57 năm
Theo bạn của Monroe, Sidney Skolsky, ngôi sao còn cố gắng liên lạc lại với Gifford vào năm 1950, khi đó bà đã nổi tiếng. Skolsky cho biết Monroe đã nhờ ông lái xe cùng cô đến Palm Springs và giải thích rằng cha bà sống trong một trang trại bò sữa địa phương. Skolsky kể Monroe đỗ xe và bảo ông đợi trong khi cô lái xe tới một ngôi nhà khuất sau những tán cây. Nhưng khi Monroe quay lại, bà nói rằng cha mình là một “kẻ khốn nạn” khi đã nói với cô: Nghe này, Marilyn, tôi đã kết hôn, tôi có con. Tôi không muốn cô gây bất kỳ rắc rối nào cho tôi.
Khi Skolsky kể lại chuyện này với một người bạn chung của họ - huấn luyện viên diễn xuất Natasha Lytess - bà nói rằng chỉ vài tuần trước đó Monroe cũng từng rủ mình đi tìm cha, nhưng không có kết quả. 11 năm sau, năm 1961, ngôi sao lại đưa hai người bạn đến cố gắng nói chuyện với một người đàn ông mà bà nghĩ là cha mình nhưng đều bất thành.
Bị người cha từ chối phũ phàng, trái tim Monroe tan nát. Nhưng, có thực tế phũ phàng là hình ảnh về người cha hiếm khi thoát khỏi tâm trí Monroe.
Bộ phim Marilyn, Her Final Secret dự kiến phát sóng trong năm nay, bắt đầu vào tháng 6, trên các kênh Toute l'Histoire ở Pháp, RTBF ở Bỉ, RTS ở Thụy Sĩ, SBS ở Australia, Canal Plus/Iti Neovision ở Ba Lan, RTVE ở Tây Ban Nha, HRT ở Croatia , Kênh 8 ở Israel, Welt ở Đức và Đài Canada - RDI ở Canada cũng như trên Air France. |
Việt Lâm (tổng hợp)