Cái kết dang dở của HLV Troussier là bài học cho HLV sắp tới ở ĐT Việt Nam
Chặng đường một năm của HLV Philippe Troussier với đội tuyển Việt Nam chính thức khép lại dẫu còn nhiều dang dở và tiếc nuối. Nguyên nhân thất bại không chỉ tới từ chuyên môn, bởi cách Troussier ứng xử với các ngôi sao khiến ông để mọi thứ vượt ngoài tầm kiểm soát.
Trở thành HLV đội tuyển quốc gia chưa bao giờ dễ dàng, đó là lý do không phải chiến lược gia giỏi nào cũng sẵn sàng ngồi vào chiếc ghế nóng. Quả thật, người sẵn sàng ngồi ở vị trí "phức tạp" như thế cũng phải là người rất dũng cảm.
Nhưng dũng cảm không thì chưa đủ. Mỗi nền bóng đá lại có những đặc điểm khác nhau với con người khác nhau, và thứ ông Troussier thất bại có một phần không nhỏ đến từ yếu tố con người.
Trở thành "thầy" của ngôi sao không hề dễ
Thất bại của ông Troussier cho thấy tầm quan trọng khi xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa HLV và các cầu thủ, đặc biệt là những ngôi sao trong đội. Một HLV giỏi không chỉ cần am hiểu về chuyên môn, mà còn phải sở hữu khả năng quản lý con người hiệu quả, tạo động lực và khơi dậy tinh thần đồng đội trong mỗi cá nhân.
Điều này càng trở nên quan trọng hơn khi HLV làm việc với đội tuyển quốc gia, nơi mà các ngôi sao thường có tính cách và đòi hỏi riêng biệt. Họ đến từ những CLB khác nhau, hầu hết là những ngôi sao với mức đãi ngộ "trên trời" ở CLB chủ quản. Khả năng tương tác và xây dựng mối quan hệ tốt với các cầu thủ là yếu tố quyết định đến sự thành công của một HLV.
Didier Deschamps, HLV trưởng của đội tuyển Pháp, người giữ vị trí này lâu nhất trong lịch sử đội tuyển Pháp, cũng không phủ nhận sự khó khăn khi phải ngồi chiếc ghế nóng dẫn dắt "bộ mặt thể thao" của quốc gia.
Sau khi vô địch World Cup 2018 cùng đội tuyển Pháp, Deschamps chia sẻ: "Sẽ luôn là một thử thách khi anh chỉ có mười lăm ngày hoặc ba tuần để luyện tập, sửa chữa và thay đổi chiến thuật. Các cầu thủ thông minh, nhưng họ chơi theo một cách riêng với câu lạc bộ của họ. Huấn luyện viên Real Madrid sẽ không yêu cầu những điều giống như huấn luyện viên PSG hay Chelsea. Vì vậy, bạn cần tìm ra một kế hoạch chiến thuật phù hợp với tất cả họ. Đối với tôi, mục tiêu là tận dụng tối đa từng cầu thủ, cho họ chơi ở vị trí mà họ cảm thấy tốt nhất. Và sau đó lặp lại, lặp lại, lặp lại".
Nói về chiến thuật, Deschamps không phải người xuất sắc nhất trong tất cả các chiến lược gia Pháp. Nhưng điều khiến ông trở thành HLV tại vị lâu nhất trong lịch sử đội tuyển Pháp chính là cách Deschamps khiến các cầu thủ của mình cảm thấy an toàn khi thi đấu. Deschamps luôn tạo sự yên tâm cho các ngôi sao của mình, khiến họ cảm thấy rằng mình vẫn luôn nằm trong kế hoạch của ông, cho dù Giroud từng có một khoảng thời gian dài không được gọi lên tuyển.
Trong khi đó, HLV Philippe Troussier khiến các cầu thủ hoang mang khi không thể nào biết được mình rồi sẽ thi đấu ở vị trí nào hay thậm chí liệu mình có được lựa chọn không. Các cầu thủ thi đấu với sự thiếu yên tâm. Ngay cả với một ngôi sao như Hoàng Đức vốn chỉ chơi ở vị trí tiền vệ, HLV Troussier cũng từng cố gò anh vào vị trí tiền đạo. Quang Hải và Tiến Linh cũng không còn biết được liệu mình có còn nằm trong kế hoạch của đội tuyển dưới thời ông Troussier hay không, hay họ chỉ được gọi lên cho có. Khi thiếu niềm tin, không thể thực hiện triệt để phương châm "chơi bóng là phải vui" như ông Troussier mong muốn.
Ông Troussier phần nào cũng có điều giống với Deschamps. Sau World Cup 2010 khi tinh thần đội tuyển Pháp rệu rã, Deschamps cũng đã gạch bỏ những cái tên công thần để tạo nên một bầu không khí mới cho đội bóng. Tuy nhiên, cách làm của Deschamps khác với Troussier, và nền bóng đá của hai quốc gia cũng không giống nhau, nên kết quả hiển nhiên cũng không thể giống nhau. Deschamps có lý để không gọi những cầu thủ đó lên tuyển, bởi họ là nguyên nhân gây chia rẽ trong nội bộ đội tuyển Pháp. Nhưng HLV Troussier thì không có lý do tương tự. Thậm chí là ngược lại, chính quyết định của ông mới là nguyên do gây ra lối đá rời rạc của đội tuyển Việt Nam.
Câu chuyện Troussier là bài học cho HLV tương lai của đội tuyển Việt Nam
Tạo điều kiện cho các cầu thủ mới không có gì sai. Những HLV của những đội tuyển lớn khác trên thế giới như Luis Enrique, Didier Deschamps hay Lionel Scaloni cũng lựa chọn những cầu thủ trẻ lên tuyển. Luis Enrique triệu tập những cái tên như Pedri hay Gavi lên tuyển Tây Ban Nha từ khi họ còn rất trẻ, cũng chỉ bằng tuổi Đình Bắc, Thái Sơn hay Khuất Văn Khang ở thời điểm đó và thậm chí còn trẻ hơn, nhưng chưa bao giờ nội bộ Tây Ban Nha mất đoàn kết, ngay cả khi cậu nhóc 17 tuổi như Gavi đá chính ngay lần đầu tiên lên tuyển. Luis Enrique đã khiến cậu nhóc cảm thấy tự tin và thoải mái, theo đó là sự đoàn kết của đội tuyển, giữa những cá nhân trẻ trung và kinh nghiệm.
HLV Troussier sai lầm khi lựa chọn những cá nhân thậm chí chưa từng gây dựng được sự tự tin vốn có ngay cả ở CLB của mình. Đây là đội tuyển quốc gia kia mà, không phải U23 hay U21, đâu thể thử nghiệm những cầu thủ trẻ ở cấp độ cao nhất được. Điều đó vô hình chung đặt áp lực quá lớn lên những cầu thủ còn chưa tự tin, chưa đủ phát triển, đồng thời khiến những cầu thủ kinh nghiệm khác cảm thấy phần nào "bất công" khi họ phải nhường chỗ trên đội tuyển cho những cầu thủ trẻ thậm chí còn chưa thể có cho mình chỗ đứng vững chãi ở CLB.
Chiếc ghế HLV sắp tới dù được trao cho ai đi chăng nữa, đó cũng sẽ là một thử thách không nhỏ đối với bất cứ ai. Gạch đi hàng tá cái tên từ những năm trước đó và gây dựng lại từ đầu là điều không thể ở Việt Nam, nhất là khi chúng ta còn thiếu thốn nhân sự thật sự có đủ trình độ để cống hiến cho đội tuyển. Nhưng để vá lại những vết rách đang tồn tại trong nội bộ ấy cũng chẳng dễ dàng chút nào.
Để dẫn dắt đội tuyển quốc gia, chỉ tập trung vào chiến thuật thôi là chưa đủ, và Deschamps đã từng nói, chiếc ghế mà ông đang ngồi "luôn luôn có nhiều hơn thế".