Cái chết của một cuộc cách mạng điện ảnh
(Thethaovanhoa.vn) - Dựa vào công nghệ 3D, Avatar tạo ra cuộc cách mạng lớn thứ ba trong lịch sử điện ảnh (2 cuộc trước là âm thanh và màu sắc). Thế nhưng cuộc cách mạng ấy đã không kéo dài lâu như người ta tưởng.
- James Cameron thừa nhận làm đồng thời 3 phần 'Avatar' là quá 'tham'
- Loạt phim tiếp theo của 'Avatar' hứa hẹn những điều kỳ diệu mới
- Đạo diễn phim Avatar lại thắng kiện 'đạo' ý tưởng
Hào quang rực rỡ
Avatar ra rạp vào giữa tháng 12/2009. Dự án lớn nhất của đạo diễn James Cameron kể từ thời Titanic cũng là phim 3D đầu tiên của thế giới.
Hàng tháng trời trước khi ra mắt, phim đã là đề tài bàn luận sôi nổi trên mạng lẫn ngoài đời. Đoạn giới thiệu ngắn đầu tiên của phim được mổ xẻ từng giây sau khi tung ra, kịch bản được phán đoán và phân tích từng chi tiết. Đến ít tuần trước khi ra mắt, khán giả phấn khích cực độ đón chờ một siêu phẩm.
Xung quanh bầu không khí phấn khích vì Star Wars: The Force Awakens hôm nay, người ta nhớ lại Avatar. Với dàn diễn viên lúc đó còn chưa tên tuổi - Sam Worthington, Zoe Saldana và Sigourney Weaver - Avatar là phim dòng chính đầu tiên ứng dụng công nghệ 3D như một công cụ sáng tạo.
Có những bộ phim ra mắt và tạo nên một thay đổi nào đó, còn Avatar thì không. Nó tạo nên một thế giới khác. Điện ảnh bước sang một trang mới như khi người ta thêm âm thanh và sau đó là màu sắc vào phim. Một chuyên gia Hollywood từng gọi là Avatar là “Citizen Kane 3D”.
Với sự nhất trí cao độ, giới phê bình coi Avatar còn hơn cả một bộ phim. Đó là một cơn địa chấn văn hóa. Ngày 21/8/2009 được coi là “Ngày Avatar”, vì đó là dịp hãng sản xuất hào phóng công bố trước 15 phút phim tại các rạp IMAX trên toàn thế giới. 2 ngày sau đó, đoạn giới thiệu phim được tung ra, trong vòng 24 tiếng đã được tải 4 triệu lần, tính riêng trên iTunes.
Nhiều sự kiện quan trọng xảy ra trong năm ấy đều đã lu mờ bởi sự xuất hiện của Avatar. Một cơn sốt toàn cầu. Ra mắt vào ngày 17/12/2009, bộ phim thu về 26,7 triệu USD trong ngày đầu tiên bất chấp bão tuyết, đạt 1 tỷ USD sau 19 ngày và giữ vững ngôi quán quân bảng xếp hạng Bắc Mỹ trong 7 tuần. Đến ngày 31/1/2010, phim cán mốc 2 tỷ USD. Wikipedia dành một trang riêng mới đủ liệt kê những kỷ lục phòng vé đã bị Avatar phá vỡ.
Nhưng hào quang của bộ phim tan biến quá nhanh.
Lu mờ và dư chấn
Thay vì tận dụng cộng đồng fan đang lớn mạnh để phát triển thành loạt phim điện ảnh và các sản phẩm giải trí đi kèm như Star Wars, Star Trek, Avatar dần lu mờ và trôi tuột khỏi tâm trí công chúng.
Hầu như không có sản phẩm giải trí nào đáng kể giúp mở rộng ảnh hưởng của bộ phim. Triển lãm với chủ đề Avatar mang tên Cirque Du Soleil ở Bắc Mỹ tháng 11 vừa qua là một hoạt động hiếm hoi như vậy, và đến tận nửa thập kỷ sau khi phim ra mắt mới được tổ chức.
Không một trò chơi trực tuyến hay tiểu thuyết ăn theo bộ phim. Người ta cũng ít thấy fan hóa trang (cosplay) thành người Navi da xanh trong phim.
Dàn nhân vật quỷ quái mà Cameron dày công xây dựng như Leonopteryx, Stingbat, Direhorse có rất ít sức hút đối với công chúng. Avatar như một chiếc hộp đồ chơi mà ít ai hứng thú. Một sự “bỏ rơi” hiếm thấy nếu so sánh với việc sức hút Star Wars vẫn được nuôi dưỡng sau nhiều thập kỷ.
Nhưng dư chấn của Avatar vẫn còn trong điện ảnh hôm nay. Năm 2014, 12 trong số 13 phim ăn khách nhất là phim 3D, mang về 7,5 tỷ USD. Năm 2016, dự kiến có 70 phim 3D sẽ ra rạp.
Và, dù khá lặng lẽ, Cameron đang thực hiện 3 phần tiếp theo, trong đó phần 2 dự định ra mắt vào tháng 12/2017. Thêm vào đó, năm 2017, một công viên chủ đề Avatar cũng sẽ được mở tại Thế giới Disney ở Florida, Mỹ.
Với Avatar, Cameron đã khai phá những giới hạn mà những bộ phim trước đó chưa từng chạm đến. Qua các phần tiếp, sẽ có những giới hạn nào bị phá vỡ? Các phần này đang được quay ở New Zealand. Tổng kinh phí nghe đồn là 400 triệu USD.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa