Cafe đầu tuần: Messi và chuyện làm 'thầy' ở Mỹ
Tuần vừa rồi có một sự kiện động trời: Lionel Messi và Inter Miami, hạt giống số một ở miền Đông Mỹ, bị loại khỏi vòng playoffs của giải MLS, bởi Atlanta United, chỉ là hạt giống số 9.
Về mặt truyền thông, đây là một thảm hoạ cho MLS và hãng Apple, đối tác chính của giải đấu. Cầu thủ nổi tiếng nhất nhì hành tinh này đã bị loại ngay sau vòng mở màn, không còn gì để nói.
Hiệu ứng Messi
Nhưng bóng đá vẫn là bóng đá. Cuối cùng thì nó vẫn cho thấy rằng có những ranh giới không thể vượt qua: Người ta không thể thổi phồng một CLB, hay thậm chí một giải đấu, bằng cách chỉ mang về một ngôi sao, dù đó có là ngôi sao vĩ đại nhất chúng ta từng biết đi chăng nữa.
Từ khoảnh khắc Messi thông báo vào mùa hè năm 2023 rằng anh sẽ đến MLS, giải đấu đã phải đối mặt với 2 nhiệm vụ trái ngược. Nhiệm vụ đầu tiên là tối đa hóa các khoảnh khắc và tận dụng sự hiện diện của Messi để thu hút người hâm mộ mới. Nhưng nhiệm vụ thứ 2 lại quan trọng hơn: Xây dựng một nền tảng trên sự bùng nổ ban đầu đó và giữ chân càng nhiều CĐV càng tốt khi cầu thủ 37 tuổi này rời đi.
Inter Miami chắc chắn đang tận dụng tối đa sự hiện diện của Messi, hoặc ít nhất là làm mọi thứ trong khả năng của họ để khai thác các khoảnh khắc của anh.
Họ đã vắt kiệt từng đô la từ ngân sách lương để xây dựng một đội bóng xung quanh anh. Họ đã đi vòng quanh thế giới trong mùa giải đầu tiên có Messi, mang về hàng triệu đô la lợi nhuận, để phát triển thương hiệu của mình. Họ đã công bố một số hợp đồng tài trợ lớn nhất trong lịch sử MLS. Họ cũng đã giành được 2 chiếc cúp quan trọng trong 2 mùa: Leagues Cup 2023 và Supporters' Shield 2024, thậm chí thiết lập kỷ lục về số điểm trong một mùa giải MLS.
MLS cũng đã hưởng lợi từ sự hiện diện của Messi. Giải đấu đã thiết lập rất nhiều kỷ lục năm nay về tổng số khán giả, số khán giả trung bình, doanh thu bán vé mùa, số trận đấu cháy vé và số trận có hơn 40.000 khán giả - những con số rõ ràng đã được thúc đẩy bởi sự hiện diện của Messi.
MLS cũng có thể tự hào về doanh thu tài trợ gia tăng, doanh số bán lẻ đột biến ở mức kỷ lục (do người hâm mộ mua áo Messi, đứng đầu toàn cầu trong các loại áo bóng đá của adidas) và số lượng khán giả trên các nền tảng truyền thông xã hội và kỹ thuật số tăng vọt.
Apple, tập đoàn hợp tác với Messi như một phần của hợp đồng của anh khi đến MLS, cũng đã thấy những lợi ích. Mùa trước, khi Messi mới đến giữa mùa, chủ sở hữu Inter Miami, Jorge Mas, đã tweet rằng số lượng người đăng ký MLS Season Pass trên Apple TV đã tăng gấp đôi trong tháng đầu tiên Messi có mặt ở MLS, với lượng khán giả nói tiếng Tây Ban Nha tăng hơn 50%.
Điều đáng lo ngại là những con số đó có thể chỉ là một đợt tăng trưởng tạm thời. Nếu MLS có kế hoạch để tận dụng tối đa những lượng khán giả này, chúng ta vẫn chưa thấy điều đó.
Tương lai đầy nghi ngờ
Theo nhiều cách, dù có sự vắng mặt của Messi, nhưng vòng playoffs này đang tạo điều kiện rất tốt cho MLS để giới thiệu sản phẩm của mình. Nhưng liệu MLS có thu hút được sự quan tâm mà không có Messi không? Liệu mọi người có thực sự theo dõi phần còn lại của playoffs không?
Lịch sử đã cho câu trả lời là không. Ít nhất là không theo cách so sánh với các giải thể thao lớn khác của Mỹ. Hoặc thậm chí là với những con số tốt nhất của bóng đá Mexico (Liga MX), Premier League ở Anh và UEFA Champions League toàn châu Âu. MLS có lượng người hâm mộ trung thành của mình, nhưng mức độ người xem đó cần phải tăng lên đáng kể.
Mùa playoffs 2024 này sẽ là một lời nhắc nhở về thực tế của MLS mà không có Messi. Khi dữ liệu về lượng người xem được công bố, liệu những người có quyền truy cập vào các con số hậu trường có thực sự đánh giá những gì chúng có nghĩa cho tương lai của giải đấu và con đường tốt nhất phía trước không? Liệu điều đó có thúc đẩy sự thay đổi không?
Giải đấu sẽ nằm sau một bức tường trả phí trên Apple đến năm 2032. MLS phải thu hút người hâm mộ không chỉ để xem sản phẩm của mình, mà còn để trả tiền cho việc đó. Việc mang cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới đến giải đấu của mình chắc chắn là một cách để khiến họ làm điều đó. Tuy nhiên, tìm ra cách để giữ chân những người hâm mộ đó và thu hút thêm người đăng ký luôn là nhiệm vụ khó khăn hơn.
Chuyện doanh thu tăng như thế thì ai cũng vui cả, nhưng với Messi, có lẽ người ta còn kỳ vọng nhiều hơn. Sự kiện anh đến với MLS cũng giống như Pele đến New York Cosmos nửa thế kỷ trước, hay Zico đến Nhật vào thập niên 1990: Messi được coi là một "người thầy", một đại sư về bóng đá, đến đây để cho những người Mỹ hiểu về bóng đá đích thực.
Nhưng cho đến giờ, những hiệu ứng vẫn chưa xảy ra. Tất nhiên là các ngôi sao sẽ đến những giải đấu kém sức chú ý hơn vì tiền, nhưng trong quá khứ, Pele hay Zico đều đã tạo ra những dấu ấn thay đổi lịch sử ở nơi họ đến, bằng tầm ảnh hưởng và đam mê nghề nghiệp.
Với Messi, mọi chuyện vẫn đang chỉ dừng ở mức một ngôi sao được trả lương cao: Anh hiểu giá trị của mình, và đóng góp cho nền bóng đá ở mức độ chuyên nghiệp. Nhưng chỉ thế thôi.
Phạm An