Các vấn đề về giấc ngủ làm tăng nguy cơ gây đột quỵ
Phóng viên TTXVN tại Canada, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí "Thần kinh học" (Neurology) cho thấy các vấn đề về giấc ngủ như ngủ quá ít hay quá nhiều đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo nghiên cứu trên, việc khó ngủ, ngủ quá nhiều hay quá ít, giấc ngủ ngắn và ngủ ngáy đều nằm trong số những vấn đề liên quan đến tăng nguy cơ gây đột quỵ. Kết quả nghiên cứu cho thấy người có giấc ngủ dài dưới 5 giờ, giấc ngủ hơn 9 giờ, những giấc ngủ ngắn bất chợt và giấc ngủ ngắn kéo dài hơn 1 giờ là những dấu hiệu cho thấy họ có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn.
Tác giả nghiên cứu trên, bà Christine Mc Carthy (Đại học Galway, Ireland) cho biết kết quả trên không chỉ cho thấy các vấn đề về giấc ngủ của cá nhân có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ mà còn cho thấy nếu một người có hơn 5 triệu chứng này có thể dẫn đến nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không có bất kỳ vấn đề nào về giấc ngủ.
Báo cáo nghiên cứu quốc tế có tên gọi "INTERSTROKE" đã phân tích các triệu chứng từ gần 4.500 người. Bà Mc Carthy cho rằng với những kết quả này, các bác sĩ có thể trao đổi sớm hơn với những người đang gặp vấn đề về giấc ngủ. Các biện pháp can thiệp để cải thiện giấc ngủ cũng có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ và nên là chủ đề của các nghiên cứu trong tương lai.
Chuyên gia về giấc ngủ Richard Honer, Giáo sư tại Khoa sinh lý học thuộc Đại học Toronto, Chủ tịch Hội nghiên cứu của Canada về giấc ngủ và sinh học thần kinh hô hấp, đánh giá cao ý nghĩa của nghiên cứu trên. Ông lưu ý rằng những người gặp phải nhiều triệu chứng được mô tả trong báo cáo, chẳng hạn như khó ngủ và không thể cưỡng lại nhu cầu chợp mắt vào ban ngày, có thể gặp vấn đề về giấc ngủ vào ban đêm. Ông Honer cho biết: "Vì vậy, về cơ bản, nếu bạn có những vấn đề vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, thì nguy cơ đột quỵ sẽ tăng trung bình từ 1,5 - 2 lần. Rủi ro đó không hề nhỏ". Ông Honer giải thích lý do có thể là những người bị rối loạn giấc ngủ có nhịp tim tăng và huyết áp cao hơn mỗi khi họ thức dậy trong thời gian ngắn.
Giáo sư Honer nhấn mạnh thông thường giấc ngủ là trạng thái khi tim nghỉ ngơi và huyết áp giảm xuống, điều này sẽ giúp bảo vệ chống đột quỵ.
Tuy nhiên, nếu một người bị rối loạn giấc ngủ khiến họ thường xuyên tỉnh giấc và huyết áp tăng lên đáng kể, thì nguy cơ đột quỵ sẽ tăng.
Theo ông David Samson, Phó Giáo sư Khoa nhân chủng học tại Đại học Toronto, đồng thời là Giám đốc Phòng thí nghiệm về giấc ngủ và tiến hóa con người, khoảng 80 - 85% người gặp vấn đề về giấc ngủ có thể cải thiện hành vi của chính họ.
Một phần là hoạt động dựa trên nhịp sinh học và thời gian ngủ phù hợp với điều kiện ban ngày.
Theo ông Samson, để phù hợp với thiên nhiên, mỗi người nên bắt đầu ngày mới với 10 phút ra ngoài trời vào buổi sáng để tiếp xúc với ánh sáng và không khí trong lành.
Họ cũng nên cố gắng tránh uống cà phê trong 90 phút sau khi thức dậy để giúp giảm cảm giác "lơ mơ" có thể đến vào buổi chiều sau khi uống cà phê vào buổi sáng. Ông Samson cho rằng việc trì hoãn uống cà phê trong 90 phút cũng có thể khiến phản ứng của cơ thể trở nên mạnh mẽ hơn.
Ông Samson đưa ra lời khuyên rằng vào buổi tối, tốt nhất là tránh ánh sáng xanh phát ra từ màn hình LCD, như vô tuyến hay điện thoại di động. Ánh sáng tương tự như ngọn lửa sẽ có tác dụng tốt hơn. Đối với những người cảm thấy buồn ngủ suốt cả ngày, tốt nhất là bỏ qua giấc ngủ ngắn trong ngày để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cao hơn vào ban đêm. Với những người khác, những người có lẽ không thể thức dậy và đi ngủ theo quy luật tự nhiên do làm việc theo ca, thì cần lưu ý rằng "thói quen là trên hết", nên cố gắng hết sức để đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày.