Các quỹ đầu tư Anh: Dạt sang Thụy Sĩ "lánh nạn"
Vùng đất mới
Thoạt đầu người ta cho rằng Hedge fund là kẻ tội đồ chính gây ra khủng hoảng - các quỹ đầu tư này với các giao dịch mang tính phiên lưu đã làm sụp đổ thị trường tài chính thế giới. Các nhà đầu tư khác cũng bị lên án. Nhưng về sau các ngân hàng hứng trọn làn sóng bất bình của xã hội còn các Hedge fund bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Nhiều quỹ đầu tư phá sản, bị lãng quên. Nhưng không phải là tất cả đều chung số phận như thế. Một số Hedge fund bất chấp mọi sự đã vươn lên từ đống tro tàn, tiếp tục thành đạt. Có điều, họ đã thay đổi nơi cư trú. Hiện tại trung tâm của các quỹ đầu tư đã chuyển từ Anh sang Thụy Sĩ.
Đi tiên phong trong việc khai khẩn vùng đất mới là Man Group, quỹ đầu tư lớn nhất thế giới. Hedge fund này rời London để sang Thụy Sĩ vì thuế ở đây mềm hơn, luật về các giao dịch tài chính thoáng hơn, dân địa phương có thiện chí hơn - tuyệt đại đa số không coi các quỹ đầu tư là “tội phạm”, là “kẻ ác”. Man Group hiện đóng trụ sở ở thị trấn nông thôn Pfaffikon bên bờ hồ Zurich. Gần 500 nhân viên của quỹ làm việc trong 3 ngôi nhà sát cạnh nhau. Những người ngoại quốc ăn vận lịch sự ngay lập tức thu hút sự chú ý của 10.000 dân và được nể trọng. Thị trấn bây giờ đang trong cơn bùng nổ xây dựng nhờ việc các Hedge fund dựng văn phòng và nhà ở cho nhân viên.
Tại thị trấn Pfaffikon, trung tâm của vùng Pfaffikon nói tiếng Đức, không có cơn suy thoái kinh tế nào cả. Một phần là do quan niệm của người dân ở đây về thuế má rất cởi mở và đơn giản. Nếu một người nào đó vi phạm pháp luật thì anh ta sẽ chịu cảnh bị “thước gõ vào tay” song anh ta vẫn được mọi người kính nể. Là vì tại Pfaffikon doanh nhân được coi là người rút tiền từ túi mình ra để trả lương cho các nhân viên thuế. Không có các doanh nghiệp thì sở thuế chẳng có lý do để tồn tại.
Theo tờ Newizv, ưu thế nổi bật nhất của Thụy Sĩ là các địa phương cạnh tranh nhau rất quyết liệt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua mức thuế thấp. Doanh nhân ngoại quốc dù ở bất cứ đâu trên đất nước này đều cảm nhận mình là “vua”.
Tại đất nước của các ngân hàng, pho mát và đồng hồ chính sách thuế quả thực khá mềm, chẳng hạn thuế thu nhập tại Pfaffikon là 18%, rất nhỏ theo thước đo của phương Tây. Ngoài Man Group trong thị trấn làng quê mới đây còn hoang vắng bây giờ còn có các quỹ đầu tư lớn khác như Horizon, LGT Group, RMF, Quaesta Capital, Aeris Capital và Westport Private Equity. Dĩ nhiên, làn sóng các vị khách giàu có từ ở đâu tràn đến cũng khiến cho người dân địa phương được hưởng lợi. Chẳng hạn, ông chủ hàng thịt ở giữa thị trấn cho biết doanh thu của ông trong năm nay tăng 25%. Bà chủ văn phòng dịch thuật nhỏ cũng phát đạt không kém. Hiện tại các phiên dịch viên của văn phòng không có thời gian để ngủ gà ngủ gật như trước đây vì họ phải tất bật phục vụ cho hơn 200 nhân viên nói tiếng Anh của các quỹ đầu tư.
Thị trấn Zug nằm cạnh Pfaffikon cũng đang nỗ lực để đoạt lấy danh hiệu là thủ đô của các Hedge fund. Tại đây trong năm qua đã có hàng chục quỹ đầu tư lớn nhỏ đến trú chân. Quỹ Amplitude Capital AG với vốn liếng hơn 1 tỷ USD đã chuyển từ London đến Zug vào cuối năm ngoái, là một ví dụ.
Cayman - đối thủ của Thụy Sĩ
Quốc đảo Cayman nhỏ bé ở vùng biển Caribe với 57.000 dân là đối thủ đáng gờm của Thụy Sĩ về mặt thu hút các Hedge fund.
Cayman không đánh thuế vào thu nhập của các thể nhân hay của các doanh nghiệp, vào giá trị thị trường gia tăng của đồng vốn. Ở đó chỉ có “thuế gián tiếp” - mọi loại hàng nhập bị đánh thuế quan từ 5% đến 20% và khoản tiền này chiếm một nửa nguồn thu của quần đảo. Nửa còn lại do ngành du lịch và hoạt động tài chính mang lại. Chính quyền công khai bán giấy phép mở các chi nhánh tại quần đảo cho các hãng tài chính và giấy phép lao động cho người nước ngoài.
Do chính sách tài chính của Cayman quá thoáng, có nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nước ngoài nên tại quần đảo này có tới 9.253 quỹ đầu tư, còn số lượng chi nhánh ngân hàng lên tới hàng chục nghìn. Vì thế từ lâu Cayman đã được mệnh danh là “thiên đường” của các quỹ đầu tư và chi nhánh ngân hàng.