Các nhà hát tại TP.HCM mong chờ được gặp khán giả
(Thethaovanhoa.vn) - Hiện các đơn vị nghệ thuật tư nhân còn đang im ắng chờ đợi thêm thông tin về những quy định sau dịch bệnh. Trong khi đó, các nhà hát công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh đang “rục rịch” khởi động cho ngày trở lại, mong chờ ngày được hội ngộ với khán giả.
Những ngày cuối tháng 10, các nghệ sỹ Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang khẩn trương tái dựng lại vở Đứa con họ Triệu của đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Lê Trung Thảo. Song song đó, Đoàn 1 của Nhà hát đang tất bật chuẩn bị với vở cải lương được chuyển thể từ vở kịch Ngược gió (tác giả: Tiết Duy Hòa, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu) từng được khen ngợi ở sân khấu Thế giới trẻ. Vở diễn là câu chuyện thấm đẫm tình đất tình người miền Tây sông nước, dự kiến hoàn thành vào tháng 12.
Bên cạnh đó, Đoàn 2 của Nhà hát cũng triển khai tập vở cải lương mới có tên Khát vọng ngày mai (tác giả: Trần Văn Hưng, chuyển thể: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Nghệ sỹ Nhân dân Trần Ngọc Giàu và Phan Quốc Kiệt) nói về công trình metro của Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến hoàn thành tháng 12 năm nay.
Tương tự, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã nhanh chóng đưa lên sàn tập vở rối cạn Lòng mẹ (tác giả: Trần Kim Khôi - Quốc Bảo, đạo diễn: Đặng Trí Đức). Bên cạnh “Lòng mẹ”, Nhà hát còn triển khai thực hiện vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực (kịch bản: Mai Thắm, chuyển thể: Thu Thủy, đạo diễn: Ngọc Hài - Thu Thủy, cố vấn nghệ thuật: Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên), dự kiến phúc khảo đầu tháng 12/2021.
Ông Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cho biết, các vở diễn đều đã nằm trong kế hoạch năm nên nhà hát tranh thủ hoàn thành. Bên cạnh đó, ông đang mong chờ tới ngày được chính thức công diễn và gặp gỡ khán giả.
Theo ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, trong thời gian không thể thực hiện các suất diễn phục vụ công chúng trực tiếp, Nhà hát bắt tay ghi hình các tiết mục ca cổ, trích đoạn, ca cảnh cải lương để phát trên kênh YouTube của Nhà hát để phục vụ khán giả trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, ông Phan Quốc Kiệt bày tỏ, điều đáng lo đối với các nghệ sỹ tại nhà hát cải lương công lập tại thành phố vẫn là khâu bán vé. Thực trạng về cách bán vé tại chỗ như lâu nay Nhà hát vẫn làm đối với khán giả vãng lai đã không còn hiệu quả, chủ yếu bán được vé phụ thuộc từ việc quảng bá trên các trang cá nhân, mạng xã hội của nghệ sỹ, phần nào kêu gọi người xem đến rạp. Về lâu dài cần phải tính đến việc thiết lập một kênh thông tin riêng để tạo sự tương tác trước một suất diễn hay vở diễn mới.
Bên cạnh đó, một kênh thông tin có thể tạo được hiệu ứng trong cách quảng bá tác phẩm đó là nền tảng Bigo. Nhiều nghệ sỹ của Nhà hát Trần Hữu Trang đã tham gia Bigo với cách vừa hát vừa giao lưu trực tuyến với khán giả đồng thời kết hợp giới thiệu suất diễn. Theo đó, lượng truy cập trên nền tảng Bigo rất lớn, mỗi lần trực tuyến, mỗi nghệ sỹ có hơn 15.000 khán giả theo dõi.
- Khi các nhà hát 'online' trong mùa dịch
- Nhà hát Tuổi trẻ tuyển diễn viên cho vở nhạc kịch quy mô lớn
- Hà Nội: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đón Huân chương Lao động hạng Ba
Theo Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc, người từng có hơn 40 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, việc dựng các vở diễn, kịch mục trực tuyến trong đợt giãn cách xã hội chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, khán giả của bộ môn nghệ thuật này chưa quen với việc xem các tiết mục qua màn ảnh trực tuyến từ điện thoại. Vì vậy, cách quảng bá trên mạng xã hội cần đa dạng, hấp dẫn chẳng hạn như giới thiệu những lớp diễn ấn tượng nhất, tích điểm thưởng theo kiểu nghe giọng hát, đoán tên nghệ sỹ; tìm hiểu về tác giả vang bóng, nghệ sỹ tên tuổi… để kích thích người xem đến rạp.
Ở góc độ chuyên môn, Nghệ sỹ Ưu tú Ca Lê Hồng, người gắn bó hơn 60 năm với sân khấu truyền thống trong nhiều vai trò và góc nhìn nghệ thuật, cho rằng, khâu dàn dựng vở diễn với hình thức mới, cập nhật được hiệu ứng của công nghệ 4.0 rất quan trọng. Chẳng hạn, với kịch bản Khát vọng ngày mai, nói về tuyến metro đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, quan trọng phải làm thế nào để khán giả cải lương thấy được sự vận dụng hiệu ứng kỹ xảo giữa hình ảnh với tiết tấu thay đổi không gian đa chiều, mà vẫn giữ được sự mượt mà của nghệ thuật cải lương dù là đề tài hiện đại”.
Thu Hương/TTXVN