Các lò đào tạo diễn xuất 'thực chiến': Chờ đợi những 'ngôi sao'
Sau thành công bất ngờ, cùng nhiều thiện cảm của công chúng với phim Đêm tối rực rỡ, đạo diễn Aaron Toronto và diễn viên Nhã Uyên càng mạnh dạn hơn trong việc mở lò đào tạo diễn xuất. Lý do đến từ hai phía, một bên là nhiều bạn trẻ muốn được thụ giáo kỹ năng diễn xuất thực tế, một bên là cặp đôi vợ chồng này cũng muốn chia sẻ kiến thức đã được học từ Mỹ và hơn 15 năm kinh nghiệm làm phim tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của lò đào tạo này đã nối dài thêm số lượng lò đào tạo diễn xuất tư nhân đang hoạt động khá nhộn nhịp tại TP.HCM. Mà Aaron Toronto và diễn viên Nhã Uyên không chỉ dạy lò của mình, mà còn nhận lời đến dạy nhiều lò khác nữa.
Từ phương pháp hiện thực tâm lý
Theo đạo diễn Xuân Phước, ông chủ hãng phim kiêm lò đào tạo Xuân Phước, Khoa Diễn viên của Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM có giáo án đa số thiên về diễn xuất trên sân khấu. Cụ thể là phương pháp giảng dạy theo trường phái diễn xuất hiện thực tâm lý của người thầy Nga - nhà biên kịch Konstantin Sergeyevich Stanislavsky (1863-1938). Kỹ thuật đào tạo diễn viên, chuẩn bị, diễn tập của ông ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc đến toàn bộ hoạt động sân khấu Việt Nam cho đến hiện tại. Đến giờ, ở một số trường đào tạo diễn xuất của Hollywood vẫn ứng dụng phương pháp này, mà nổi bật nhất là nghệ sĩ kiêm nhà đào tạo Ivana Chubbuck.
Xuân Phước sau khi được học và thành danh tại Việt Nam, anh đã lặn lội đến Hollywood thọ giáo thêm với cô Ivana Chubbuck. Từ đó, anh đã đúc kết ra một giáo án riêng để đào tạo diễn xuất cho các bạn trẻ. Do anh chuyên về phim, nên phương cách của anh thiên về diễn xuất trước ống kính, tức là mạnh về diễn xuất điện ảnh.
Ở diễn xuất sân khấu, người diễn viên đối diện trực tiếp với người xem nên tiếng nói phải to hơn, cơ mặt, ánh mắt và hành động kịch cũng to, rõ hơn. Còn diễn xuất điện ảnh thì diễn qua ống kính có thể bắt cận mặt nên diễn xuất phải thiên về nội tâm trong ánh mắt, hành động, cử chỉ và giọng nói ở mức sinh hoạt bình thường, không cần diễn như sân khấu.
Lò của Xuân Phước đào tạo cả diễn xuất sân khấu và điện ảnh, nhưng ra hiện trường thì sẽ thiên về diễn xuất kiểu điện ảnh.
Đương nhiên, các lò đào tạo thuần về sân khấu như Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân, Minh Nhí, Quốc Thảo, 5B Võ Văn Tần… sẽ thiên về phương pháp hiện thực tâm lý, tức diễn sân khấu. Bởi vì, các thầy ở đây đều học theo trường phái này, không gian trình diễn của họ cũng là sân khấu. Các học viên giỏi sẽ được giữ lại làm diễn viên, đến khi họ đã giỏi nghề, được mời đi đóng phim, chất sân khấu cũng còn phảng phất.
Có trường hợp, các người mẫu hoặc một số bạn trẻ có ưu thế ngoại hình chưa được đào tạo diễn xuất, may mắn được đạo diễn mời đóng phim, họ cũng đăng ký học tại lò đào tạo sân khấu. Việc học ở đây giúp cho họ hoàn thiện và nâng cao kỹ năng hóa thân dần dần theo thời gian.
Tới phương pháp “hiện thực tiềm thức”
Bên cạnh các lò đào tạo chịu ảnh hưởng bởi phương pháp hiện thực tâm lý của bậc thầy Stanislavsky, hiện nay có các lò đào tạo chuyên sâu vào diễn xuất điện ảnh. Aaron Toronto đã học diễn xuất tại Mỹ. Phương pháp của anh được gọi tên là diễn xuất bằng tiềm thức, hoặc hiện thực tiềm thức.
Chính Aaron đã truyền đạt lối diễn này cho bà xã Nhã Uyên. Nhã Uyên cho biết: “Diễn xuất bằng tiềm thức nói nôm na là chúng tôi giúp cho các bạn trẻ hiểu được chính mình, hoặc gọi là hiểu bản ngã của mình. Khi diễn xuất các bạn sẽ diễn từ bản ngã ấy, biểu đạt từ bên trong ra ngoài với toàn bộ tâm thức của mình chứ không sao chép bất kỳ một ai. Chúng tôi sẽ khơi gợi các bạn nhận rõ mình là ai thông qua các trò chơi diễn xuất đầy tính tưởng tượng. Chúng tôi không đánh giá đúng và sai, vì diễn xuất thì đâu có đúng hoặc sai, mà chỉ là cảm nhận cá nhân. Lẽ ra, khóa học đầu tiên đã khai giảng vào đầu tháng 5 này, nhưng Aaron có vấn đề sức khỏe nên chúng tôi dời sang tháng 6/2022”.
Cách đây 2 năm, diễn viên Kathy Uyên cũng đã mở lò đào tạo đặt tên là A.C.T. Giáo án ở đây được Kathy Uyên đúc kết từ kiến thức học được từ Mỹ, năm tháng đóng phim trong và ngoài nước, rồi vận dụng nó vào thực tế Việt Nam. Giáo án rõ ràng, hệ thống từ căn bản đến nâng cao. Phong cách diễn xuất thuần túy điện ảnh. Giáo viên đứng lớp cũng là những nghệ sĩ đã được đào tạo tại các trường diễn xuất tại Mỹ và là nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Mai Thế Hiệp là người thầy có kinh nghiệm thực tế dày dặn, anh học diễn xuất điện ảnh kiểu Mỹ, học cả kỹ thuật diễn xuất cải lương của Việt Nam, đã có nhiều vai diễn ấn tượng. Theo Mai Thế Hiệp, đến nay, có rất nhiều học viên của A.C.T đã được mời vào các dự án phim lớn, gần nhất là phim Em và Trịnh (đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh) sắp được công chiếu.
Nhìn chung, phương cách đào tạo của các lò diễn xuất tư nhân theo phong cách điện ảnh mang tính “thực chiến” cao. Các học viên lĩnh hội những bài học được đúc kết từ kinh nghiệm quý báu của thầy cô, có cơ hội thực hành ngay trong các giờ học. Nói chung, những gì được học sẽ giúp các em hoàn toàn cảm thấy quen thuộc và tự tin khi đứng trước ống kính của phim trường. Cuối mỗi khóa học, các em sẽ thực hiện một tác phẩm với các đạo diễn, nhà sản xuất được mời đến nhằm đánh giá năng lực.
- Nhã Uyên 'Đêm tối rực rỡ' từng tuyệt vọng muốn bỏ nghề diễn vì bị chê xấu
- 'Đêm tối rực rỡ' - hương vị lạ của điện ảnh Việt
Bằng cách làm này, nhiều em đã được “chấm điểm” và khi có dự án sẽ được mời thử vai, hoặc mời thẳng vào phim. Khi các thầy cô có thông tin về việc tìm kiếm diễn viên cho dự án nào đấy, các em cũng sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ hơn. Trường hợp lò đào tạo Xuân Phước, vì “hiệu trưởng” kiêm luôn thầy dạy và đang làm phim thường xuyên, nên các học viên giỏi được sử dụng ngay.
Theo đánh giá của nhiều người am hiểu, nhu cầu học diễn xuất trong xã hội ngày nay là rất lớn. Trong đó, ước tính khoảng 80% xác định học để làm diễn viên, 20% còn lại học để hoàn thiện kỹ năng biểu đạt cảm xúc trước đám đông, nếu may mắn, số này được mời đóng phim cũng sẵn sàng tham gia. Có cung ắt có cầu, vậy nên các lò đào tạo tư nhân đã liên tục phát triển. Trong giáo án của các lò đào tạo tư nhân, có sự mới mẻ và hiện đại so với các trường công lập. Đây chính là sự bổ sung cho công tác đào tạo diễn xuất nói chung tại một quốc gia mê phim ảnh như Việt Nam. Nói về chất lượng đào tạo, đã có nhiều ngôi sao bước ra từ các ngôi trường tư nhân này.
Nguyễn Huy