A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhạc sĩ Huy Tuấn: Không có diva, nhưng có divo Tùng Dương

06:20 31/12/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Kết thúc năm 2014 cũng là kết thúc chặng đường 10 năm (hoặc gần 10 năm) của 3 chương trình Bài hát Việt, Sao Mai - Điểm hẹn và Âm nhạc Cống hiến - những chương trình có ảnh hưởng nhất định đến đời sống âm nhạc bởi nó thể hiện 3 khía cạnh có liên quan khá mật thiết: sáng tác, biểu diễn và vinh danh…

Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Huy Tuấn, người khá gần gũi với cả 3 chương trình này (từng là giám khảo của Sao Mai - Điểm hẹn, Bài hát Việt và là thành viên trong ê-kíp thực hiện album đã từng đoạt giải Cống hiến).


Nhạc sĩ Huy Tuấn

* Nhìn tổng quan 10 năm nhạc đại chúng Việt (từ 2004 đến nay), có điều gì gây ấn tượng đối với anh?

- Đối với tôi thì 10 năm qua là một sự chuyển biến khá tích cực. Đứng ở góc độ chuyên môn thì sau thời kỳ đầu loay hoay với những thứ âm nhạc thị trường uỷ mị, não nề thì giờ đây chúng ta đang có một lớp nghệ sĩ trẻ khá tài năng, đồng đều về thẩm mỹ và đủ bản lĩnh để có thể trở thành một đối trọng với những loại âm nhạc dễ dãi vốn dĩ là câu chuyện chung và là một sự phát triển tự nhiên của mọi thị trường âm nhạc - có những thứ hay ho và có những thứ bỏ đi.

Đã xuất hiện một lớp nghệ sĩ trẻ không chỉ hát mà còn có những người vừa sáng tác vừa thể hiện chính những tác phẩm của mình, một xu thế singer-song writer đã hình thành từ rất lâu trên các thị trường âm nhạc phát triển khác. Về phía khán giả, họ cũng đã hình thành những lớp khán giả biết lựa chọn và nghe nhạc tinh tế hơn, chuyên biệt từng thể loại âm nhạc, một tín hiệu lạc quan cho các nghệ sĩ khi họ chỉ còn tập trung phục vụ lớp khán giả riêng và các sản phẩm âm nhạc từ đó cũng trở nên có cá tính và khác biệt hơn.

* 10 năm đó cũng là 10 Bài hát Việt (BHV), 10 năm giải Âm nhạc Cống hiến, qua lăng kính của mỗi chương trình anh thấy điều gì đáng nói?

- Tôi nghĩ BHV đã làm được một điều rất đặc biệt cho âm nhạc đại chúng Việt Nam trong 10 năm qua khi họ phát hiện và là bệ phóng cho nhiều thế hệ nhạc sĩ trẻ; có thể nói không ngoa rằng đây là nhưng thế hệ nhạc sĩ BHV. Những tác phẩm của họ không chỉ thuyết phục về tính chuyên môn mà còn đi vào cuộc sống một cách sòng phẳng và đọng lại rất lâu trong những thư mục âm nhạc của những người nghe nhạc khó tính.

Song song đó, giải Âm nhạc Cống hiến thực sự đã trở thành một thước đo tin cậy cho thị trường âm nhạc và là một niềm khích lệ lớn cho những nghệ sĩ đoạt giải. Âm nhạc Cống hiến là một trong số ít những giải thưởng mà những người làm âm nhạc còn thực sự quan tâm và đấy cũng chính là câu trả lời cho uy tín của giải, cho sự cố gắng và bản lĩnh của những người tổ chức.


Ca sĩ Tùng Dương được nhạc sĩ Huy Tuấn cho là xứng đáng divo của nhạc Việt

* Theo anh, hàm lượng sáng tạo của nghệ sĩ trong 10 năm qua đủ để chúng ta tự hào?

- Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể vui với những album như: Thiên đàng, Cánh cung, Tóc ngắn Acoustic, Độc đạo v.v… các live show gây ấn tượng như Độc đạo (Tùng Dương), Hồ Ngọc Hà Live Concert 2011… các nghệ sĩ thực thụ họ vẫn luôn đau đáu với sáng tạo nghệ thuật của mình. Còn nói là đủ để chúng ta tự hào hay chưa thì tôi nghĩ những gì mà các nghệ sĩ đã làm và cống hiến đều là hết sức mình trong mỗi thời điểm, nhưng họ vẫn chưa dừng lại và các lớp nghệ sĩ kế cận cũng đang ngày một trưởng thành hơn. Để có câu trả lời chính xác, tôi nghĩ nên nhường lại cho những người thưởng thức âm nhạc.

* Vấn đề nhức nhối của thị trường âm nhạc trong 10 năm qua là vi phạm bản quyền: xài miễn phí tác phẩm tràn lan, sao chép tác phẩm trong sáng tác… những điều này ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của nhạc Việt?

- Tôi nghĩ nó vẫn cực kỳ nhức nhối, nhất là đối với những thị trường âm nhạc đang phát triển như chúng ta. Nó làm nhụt chí những người sáng tạo và tạo một thói quen tiêu dùng những sản phẩm trí tuệ vô ý thức một cách hồn nhiên, người nghe thì không có quyền đòi hỏi chất lượng khi không trả đồng nào cho sự thưởng thức của mình. Tuy nhiên một chút hy vọng đã có khi các website đang dần chuyển mình qua việc kinh doanh âm nhạc số, tuy còn rụt rè nhưng còn hơn không.

Người nghe nhạc từ chỗ chỉ quen dùng “chùa” nay ít ra họ cũng đã hiểu được rằng dùng như thế là bất hợp pháp, nhưng để chuyển sang một thói quen nghe nhạc phải trả tiền thì chắc chúng ta cần một thời gian dài nữa.

* Còn truyền hình thực tế ca nhạc, nó gần như đang thống lĩnh sinh hoạt âm nhạc giải trí, chúng có điều gì đáng mừng, đáng lo ngại?

- Điều đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ hiện giờ đang cho rằng đó là nơi duy nhất để có thể phát triển sự nghiệp âm nhạc, thế nên mới có các thí sinh  thi hết cuộc này chạy sang cuộc khác. Chúng ta đang nhầm lẫn và khoác cho những cuộc thì này một nhiệm vụ mà thực ra không thuộc về nó, đó là phát hiện tài năng.

Trước hết đây là show để giải trí truyền hình, nó không có nhiệm vụ phải tìm bằng được những tài năng. Có năm nào may mắn thì có được thí sinh có tiềm năng, còn nếu không nó sẽ chỉ có nghĩa vụ làm tròn công việc giải trí cho khán giả truyền hình.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng cũng có khá nhiều những tên tuổi trẻ có tiềm năng thực thụ từ những chương trình này, điển hình như Tùng Dương, Phạm Anh Khoa từ Sao Mai - Điểm hẹn; Uyên Linh, Văn Mai Hương, Hoàng Quyên từ Vietnam Idol; Vũ Cát Tường, Đinh Hương, Bùi Anh Tuấn từ The Voice v.v… họ cũng đang góp phần làm nên bộ mặt của thị trường âm nhạc ngày hôm nay với nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận.

* 10 năm qua vẫn chưa xuất hiện thêm diva nào? Theo anh lý do tại sao? Trong số những ca sĩ trẻ, có ai xứng đáng là diva triển vọng?

- Chúng ta sẽ không bao giờ có thêm các diva nữa bởi thời của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà lúc trước họ phải cống hiến bằng rất nhiều thành tựu mới được các phương tiện đại chúng nhắc tới và khán giả cảm thấy tin tưởng vào những gì được chia sẻ trên báo chí. Khác với thời nay, nhiều danh xưng được phong tặng tràn lan như: ông hoàng, công chúa, hoàng tử, nữ hoàng v.v… khán giả họ không còn tin tưởng vào các sự vinh danh này nữa.

Tuy nhiên, có một tín hiệu khá vui là tuy chúng ta không có được thêm diva nào nhưng chúng ta có một divo thực thụ đó là Tùng Dương. Phải nói rằng 5 năm trở lại đây với những gì cống hiến cho âm nhạc thì Tùng Dương hoàn toàn xứng với danh xưng này.

HỮU TRỊNH (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa


loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...