Nguyễn Bảo Sinh: Chỉ người Hà Nội mới... bát phố
“Chỉ người Hà Nội mới bát phố” – tác giả không ít lần khẳng định trong những cuộc chuyện trò ở café Nhân nằm góc phố Bảo Khánh – Hàng Hành. Những nhân vật trong cuốn sách (không nêu đích danh mà được gọi bằng tên chung “Bát Phố”) giờ còn rất ít, những người nhận ra mình là một phần trong đó cũng không nhiều, nhưng những người không hề liên quan vẫn có thể tìm đọc, nếu muốn hiểu hơn Hà Nội ở bề chìm.
Tùy duyên và vô nguyện là bát phố
“Bát phố” với Nguyễn Bảo Sinh là ra phố ngắm “gió thổi mây bay”, ngắm cả con người, nhưng chính xác hơn là không vì mục đích gì cả. Tùy duyên và vô nguyện là bát phố. Đi học, đi làm, đi chơi với người yêu… đều không được tính là bát phố.
“Người Việt Nam đi chậm nhất thế giới. Người Hà Nội đi chậm nhất Việt Nam. Bát phố lại là kẻ đi chậm nhất Hà Nội” – Nguyễn Bảo Sinh viết có phần cường điệu. Nhưng với người bát phố, cần hiểu “chậm” ở đây có nghĩa là “thư thái”. Vì đi không mục đích, người ta có thể dừng lại ở bất cứ đâu.
Bởi vậy, bát phố nghe có vẻ dễ nhưng lại chẳng dễ. Đó thường là “người ở Hà Nội từ 5 đời trở lên. Ông bát phố, bố bát phố, con bát phố, cháu bát phố… thường đi quanh bờ hồ Hoàn Kiếm”.
“Người Sài Gòn không có thú chơi bát phố. Gặp nhau là phải có việc, thấp nhất là việc ẩm thực, kéo nhau vào quán xá lu bù. Đến chơi nhà người Sài Gòn mà ta đến 3 buổi, nói không có mục đích gì thì người ta cho là mình hâm” – tác giả viết.
“Ngay đến anh xe ôm Hà Nội cũng khác hẳn anh xe ôm Sài Gòn. Sau cuốc xe, anh Sài Gòn lau chùi đồ nghề, lấy bạt phủ lên xe máy rồi vào quán nhậu lu bù. Còn xe ôm Hà Nội, sau chuyến hàng là xúm lại bàn chuyện chính trị, toàn chuyện đầu Ngô mình Sở”.
Lớp lớp, tầng tầng ký ức
Nguyễn Bảo Sinh sẽ không bao giờ trở thành “nhà Hà Nội học”, đơn giản vì ông không coi Hà Nội là đối tượng nghiên cứu. Ông cũng không viết sách nghiên cứu. Bát phố là sự pha trộn giữa tản văn và tiểu thuyết, viết về Hà Nội từ một góc nhìn vừa riêng tư (kể cả những chuyện riêng của bản thân, gia đình mình) vừa khái quát (đến nỗi những người Hà Nội cùng thế hệ đọc đều gật gù).
Ông cũng không bàn về Hà Nội theo lối lý trí, luận suy khoa học. Nguyễn Bảo Sinh là người coi trọng vô thức hơn ý thức. Lối viết của ông cũng tự nhiên tung tẩy như thế. Và những câu chuyện về Hà Nội trong Bát phố lại càng như vậy. Đó là cuốn sách viết từ tâm tưởng.
Người mới đến Hà Nội hoặc người Hà Nội trẻ bây giờ không có được cái ký ức ấy. Hà Nội trong họ chỉ có một, cùng lắm là 2 lớp ký ức. Phần lớn đặt trọng tâm vào Hà Nội đương đại. Hà Nội trong những người như Nguyễn Bảo Sinh có nhiều tầng nhiều lớp. Ví dụ, nhìn Tràng Tiền Plaza ngày nay nhớ Bách hóa tổng hợp ngày trước, từ Plaza nhìn sang Bờ Hồ lại hoài niệm gánh hàng hoa và cô hàng hoa duyên dáng ngày trước…
Bởi nếu đã đi qua hơn 70 năm cuộc đời, người ta sẽ thấy “đương đại” không còn nhiều ý nghĩa, mà chỉ là một lớp cắt của Hà Nội. Nhiều thứ sẽ ở lại, nhiều thứ sẽ bị quên lãng, và Hà Nội già hơn tất cả chúng ta.
Hà Nội trong sách Bảo Sinh hẹp hơn Hà Nội mở rộng ngày nay nhiều và khoác chiếc áo đã cũ của hoài niệm. Như ông viết “Nơi nào đường tàu điện chìm là Hà Nội, nơi nào đường tàu điện nổi như đường tàu hỏa là quê” thì đó là cách phân biệt của vài thập niên trước.
"Bát phố” bản cập nhật đã dày… gấp đôi |
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ra đời từ năm 2008 do báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức. Đây là giải thưởng thường niên, được trao vào dịp kỷ niệm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, cho những tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội, có tác động xã hội rộng rãi, được công chúng công nhận, ủng hộ. Giải thưởng nhằm tôn vinh sự nghiệp của Bùi Xuân Phái (1/9/1920 – 24/6/ 1988) - cây đại thụ trong nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại - và tiếp nối tình yêu Hà Nội của ông. |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa