loading...
(Thethaovanhoa.vn) – Sáng nay (3/4) tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) chính thức phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V-2018, và khai mạc Triển lãm 96 năm biếm họa báo chí Việt Nam.
Khởi xướng từ năm 2007, trải qua 4 kỳ, Giải biếm họa báo chí Việt Nam đã tôn vinh hàng trăm tác phẩm biếm họa xuất sắc. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sau 3 năm gián đoạn, được sự ủng hộ của TTXVN, Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt là sự cổ vũ mạnh mẽ của các họa sĩ biếm họa mà tiêu biểu là họa sĩ Lý Trực Dũng và các hoạ sĩ biếm hoạ lão thành, BTC chính thức khởi động mùa giải thứ 5, nhằm phát huy sức mạnh của biếm họa trong công cuộc xây dựng xã hội văn hoá, văn minh.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) chia sẻ: “Hôm nay, chúng ta phát động một giải thưởng dành cho biếm họa tức dành cho các nhà báo “vẽ” nên tôi xin phép chỉ phát biểu bằng đôi ba hình ảnh, đúng tinh thần biếm họa.
Trước khi tới dự cuộc họp báo này, hẳn quý vị đã phải đi một quãng đường. Quý vị thấy giao thông của chúng ta như thế nào, đặc biệt là trong cách mọi người bóp còi, nhường đường cho người đi bộ?
Chúng ta cũng vừa trải qua một kỳ lễ hội, cũng khá ồn ào. Quý vị cảm thấy nhiều người tham gia lễ hội đã ứng xử với nhau ra sao trong cách họ xô đẩy, chen lấn và tranh cướp? Hay trong cách họ ứng xử với thần thánh bằng sự xin xỏ, cầu cạnh?
Hàng ngày đọc báo, chúng ta thấy thầy - trò, phụ huynh với các nhà giáo đã thực sự tôn sư trọng đạo chưa?
Và ngay lúc này đây, có thể một số quý vị cũng đang lướt mạng. Quý vị cảm thấy mọi người đang ứng xử với nhau ra sao trong không gian mạng?
Ứng xử văn hóa từ trong đời thường, đến nơi công sở; từ đời thực đến thế giới ảo luôn làm chúng ta trăn trở. Không thể có xã hội văn hóa, văn minh nếu mọi người đối xử với nhau thiếu đi sự nền nếp, tử tế.
Nhằm góp một tiếng nói trước thực trạng này, trong sự trở lại lần này của Giải Biếm họa báo chí Việt Nam, chúng tôi quyết định chọn chủ đề “Ứng xử văn hóa; Xã hội văn minh”, nhằm sử dụng tiếng cười của biếm họa để “phản tỉnh” mỗi người trong cung cách ứng xử ở mọi nơi mọi lúc. Và chúng ta cũng không quên rằng, tiếng cười luôn “bằng mười thang thuốc bổ”. Thế nên, biếm họa không chỉ có đả kích, phê phán những hành vi “kém văn hóa” trong ứng xử, mà còn cổ vũ những cách cư xử thanh lịch, văn minh.
Chúng tôi tin vào sức mạnh của biếm họa có thể làm nên một sự chuyển biến tích cực trong văn hóa ứng xử của cộng đồng. Đó cũng là cách phát huy truyền thống 96 năm của biếm họa Việt Nam trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ cái thiện, cái đẹp, chống cái xấu, cái ác".
Ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh thêm: “Sự tiên phong của Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) sẽ là đích quan trọng thúc đẩy biếm họa báo chí Việt Nam trong thời gian tới, giúp nhận biết xã hội cũng như cuộc sống, nhanh chóng và dễ cảm thụ hơn".
Ông Lê Quốc Minh mong muốn Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần V-2018 nhận được sự tham dự của không chỉ các họa sĩ chuyên nghiệp có tuổi, có bề dày thành tích mà kể cả họa sĩ trẻ, các họa sĩ nghiệp dư, không chuyên.
Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng chia sẻ sự vui mừng và phấn khởi được đồng hành cùng báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) để tổ chức giải biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ V - 2018.
Ông Hồ Quang Lợi cho rằng: “Chúng ta đều biết tranh biếm họa có một vị trí rất xứng đáng trong gương mặt báo chí. Trong nhiều năm, tranh biếm họa là thứ không thể thiếu ở rất nhiều tờ báo. Lần này, biếm họa sẽ trở lại với sức sống lớn hơn, khi có sự tham gia của nhiều họa sĩ nổi tiếng như: Thành Chương, Phạm Tấn Phú, Lý Trực Dũng…”
“Giải biếm họa lần này này chọn đề tài về văn hóa ứng xử là hay, trúng và còn là một vấn đề nóng. Hội Nhà báo Việt Nam rất mừng được đồng hành cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tổ chức cuộc thi này” – ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh thêm.
Họa sĩ Lý Trực Dũng, đại diện hội đồng giám khảo - "kiến trúc sư” của giải thưởng" phát biểu: “Tôi may mắn được đồng hành cùng báo Thể thao và Văn hóa từ những năm đầu tiên đến nay. Chúng tôi rất tiếc vì sau 3 năm “ngủ Đông” vì để tổ chức một cuộc thi như thế này phải có tiền. Xin cảm ơn báo Thể thao và Văn hóa đã rất cố gắng để tổ chức cuộc thi lần thứ 5 này”.
Họa sĩ Thành Chương cho rằng riêng về biếm họa ông là người tâm đắc bởi ông có rất nhiều năm gắn bó với nghề đặc biệt là trang 16 báo Văn nghệ. “Chính biếm họa là một trong những vũ khí uy tín đối với bạn đọc. Tờ Thể thao và Văn hóa đã từng có một thời gian như thế” – họa sĩ Thành Chương nhấn mạnh.
“Biếm họa có nhiều cái hay, thú vị, có những cái dễ mà cũng có những cái khó. Ngoài ra, cái vui, cái hài hước cũng là giá trị gốc cốt lõi của biếm họa, là những nội dung ý nghĩa mang tính giáo dục sâu sắc” – ông nói.
Họa sĩ Võ An Lai bày tỏ niềm vui mừng: “Trước đây, ở các tờ báo như: Hà Nội mới, Quân đội nhân dân, Lao động... độc giả rất mong chờ trang cuối với góc biếm họa. Góc biếm họa để phê phán, là hình thức giáo dục, chiến đấu tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian các báo đều ngừng lại hẳn, hình như biếm họa bị "ngủ Đông". Chúng tôi vẫn đặt câu hỏi nguyên nhân sâu xa là gì? Và chúng tôi rất phấn khởi khi Giải Biếm họa báo chí Việt Nam được khởi động lại”.
Cùng với Lễ phát động Giải, báo Thể thao và Văn hóa tổ chức Triển lãm “96 năm Biếm họa báo chí Việt Nam” ngay tại sảnh Trung tâm Thông tấn Quốc gia (5- Lý Thường Kiệt, Hà Nội) nhằm tôn vinh các tác phẩm biếm họa tiêu biểu của Việt Nam được đăng báo từ năm 1922, khi Nguyễn Ái Quốc vẽ tranh biếm họa trên báo Le Paria, đến nay.
Triển lãm chia thành các giai đoạn: Từ 1922 – 1945; Biếm họa trong kháng chiến chống Pháp; Biếm họa trong kháng chiến chống Mỹ; Biếm họa thời Đổi mới; Biếm họa ngày nay; và Tác phẩm biếm họa đoạt giải tại Giải Biếm họa báo chí Việt Nam – cúp Rồng tre lần I, II, III, IV.
Triển lãm mang đến một bức tranh toàn cảnh về lịch sử 96 năm của biếm họa báo chí Việt Nam; giúp công chúng thưởng thức những tác phẩm tiêu biểu, và qua đó động viên, khích lệ thể loại biếm họa báo chí trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Tranh biếm họa Việt Nam vui vẻ, phê phán, tự trào
Đó là chia sẻ của ông Toshiki Ando - Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tại Lễ phát động Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần V-2018.
Ông Toshiki Ando nói: “Nghe chia sẻ của các họa sĩ, tôi nhận thấy tranh biếm họa có ba điểm đặc trưng: vui vẻ, phê phán và tự trào. Khi xem tranh biếm họa trong triển lãm, tôi rất ấn tượng với các tác phẩm hiện đại. Các tác phẩm phản ánh rất đúng và thú vị về hiện thực cuộc sống, về cách ứng xử của mọi người".
"Trong cuộc sống hiện đại, mọi người ngày càng bận rộn, thời gian đọc báo ít hơn nên có thêm tranh ảnh sẽ rất thú vị. Ngày xưa tranh biếm họa có thể giúp chúng ta phê phán kẻ thù, còn ngày nay, chúng ta phải tự phê phán chính mình nhiều hơn. Tôi rất mong chờ mọi người mang tinh thần tự phê phán vào tác phẩm tranh biếm họa như thế nào. Điều đó rất thú vị”- ông Toshiki Ando cho biết.
|
Nhóm PV
Giải Biếm họa báo chí Việt Nam lần này chúng tôi quyết định chọn chủ đề Ứng xử văn hóa, Xã hội văn minh, nhằm sử dụng tiếng cười của biếm họa để phản tỉnh mỗi người trong cung cách ứng xử ở mọi nơi mọi lúc.
loading...