loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh mô hình cải tạo các chợ truyền thống tại Hà Nội vẫn là một câu hỏi để ngỏ, những ý tưởng từ dự án Diện mạo mới cho chợ dân sinh ở Hà Nội là một gợi ý đáng giá. Dự án đã được đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2019 ở hạng mục giải Ý tưởng.
Quá trình đô thị hóa cùng sự xuất hiện của hàng loạt siêu thị và trung tâm thương mại, đã tạo ra một sức ép rất lớn lên chợ truyền thống. Nhưng đó cũng chính là cơ hội để loại hình này tự khẳng định sức sống riêng của mình.
Đây là một dự án đào tạo, nghiên cứu do văn phòng Health Bridge (Canada) tại Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Hà Nội và tổ hợp sáng tạo - kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật AGO hub cùng phối hợp thực hiện. Sản phẩm cuối cùng của nó chính là các bản thiết kế cải tạo 3 ngôi chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội: chợ Ngọc Lâm (quận Long Biên), chợ Châu Long (quận Ba Đình) và chợ Hạ (huyện Mê Linh).
“Đánh thức” không gian chợ truyền thống
Như chia sẻ của các KTS tham gia dự án, trên thực tế, các quầy hàng tại 3 ngôi chợ này hiện được bố trí khá lộn xộn. Đó là hệ quả tất yếu của những thay đổi tại các chợ theo thời gian - khi nhiều quầy hàng được chuyển nhượng qua lại và bán những mặt hàng khác nhau. Ngoài ra, nhiều diện tích trống trong chợ không được khai thác hợp lý mà bị biến thành các bãi gửi xe hoặc chứa hàng. Đồng thời, các dãy quầy hàng thường được xếp liền nhau quá dài, gây khó khăn cho việc lưu thông nhanh trong chợ.
Đặc biệt, chợ Hạ lại nằm gần một chợ truyền thống khác đặt tại đình Hạ Lôi và hoạt động luân phiên. Do vậy, sau khi trao đổi với địa phương, dự án đề nghị đưa các quầy hàng tại đình Hạ Lôi về chợ Hạ để trả lại không gian cũ cho kiến trúc đình.
Một trong những ý tưởng xuyên suốt cả 3 bản thiết kế là việc quy hoạch lại hệ thống quầy hàng và bố trí theo từng khu chức năng (bán thịt, bán cá, rau tươi, tạp phẩm...) Cùng với việc sắp xếp lại theo từng khu vực, các quầy hàng cũng được nghiên cứu để thiết kế lại theo hướng tạo ra tiện ích cả với người bán và người mua. Theo đó, quầy bán rau củ được bố trí thành dạng bậc thang, cho phép bày nhiều hàng và dễ quan sát hơn.Tương tự, các quầy bán thịt được gắn với mặt bàn bằng đá để dễ lau chùi và giữ vệ sinh thực phẩm - trong khi quầy bán cá chia thành các ngăn xếp theo tầng.
Ngoài ra, gắn liền các quầy hàng sẽ là hệ thống hộc tủ, bàn sơ chế và đặc biệt là các bồn rửa thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, cũng như giúp người mua có cảm tình hơn so với cách sơ chế cạnh các chậu nước như hiện tại. Phần nước thải này sẽ được đưa về cống của từng gian hàng, sau đó được tổng hợp và thoát đi bằng hệ thống cống chung.
Thống kê ban đầu từ các thiết kế cho thấy: với việc sắp xếp lại và sử dụng các kệ bầy được tổ chức hợp lý, phần quầy hàng của các chợ truyền thống được nghiên cứu đều tăng lên đáng kể mà vẫn đảm bảo được diện tích sử dụng của từng quầy. Điển hình, tại chợ Hạ, số lượng quầy hàng hiện có là 380 quầy, sau khi thiết kế tối ưu có thể lên tới 490 quầy, tức là tăng 30% so với trước. Đây là một điểm vô cùng quan trọng để đảm bảo quyền lợi của các chủ hàng.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào hiện trạng, cả 3 chợ truyền thống này cũng đều được lồng ghép với việc tạo dựng một không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng - điều được trông đợi đểchợ thành một điểm đến văn hóa thật sự.
Chẳng hạn, nằm liền kề hồ Trúc Bạch, một phần chợ Châu Long sẽ được bố trí thêm tầng lửng và một sân thượng nhìn ra mặt hồ. Như lời Ngô Ngọc Lê - một trong những KTS tham gia dự án, phần sân thượng này có thể sử dụng làm nơi chế biến thực phẩm và khám phá ẩm thực theo nhu cầu của du khách.
“Tại các chợ truyền thống trên thế giới, sau khi mua thực phẩm tươi, nhiều du khách thường có nhu cầu được chế biến trực tiếp để thưởng thức luôn thay vì ghé qua các quầy hàng ăn” - KTS Ngô Ngọc Lê nhận xét - “Theo quan điểm của tôi, với phần không gian thoáng rộng và nhìn xuống hồ Trúc Bạch, phần sân thượng của Chợ Châu Long có thể được sử dụng làm không gian để cung cấp dịch vụ tuy mới, nhưng chắc chắn rồi sẽ phổ biến này.”
Tại chợ Hạ, cây đa cổ thụ nằm cuối chợ được bảo tồn, như một “nhân chứng lịch sử” gắn với sự phát triển của không gian này. Đặc biệt, với tính chất của một ngôi chợ ven đô, khu vực này thường vẫn thu hút một lượng nhất định những nông dân quanh vùng mang sản vật tới bán hàng một cách không thường xuyên. Do vậy,liền kề cây đa, phần quảng trường chợ được bố trí vừa để tổ chức các buổi “chợ phiên” không thường xuyên cho nông dân, vừa để dành cho các hoạt động chung của cư dân quanh chợ khi cần thiết.
Riêng với chợ Ngọc Lâm, thiết kế của dự án lại hội tụ đủ cả những sáng tạo đưa ra trong 2 trường hợp ban đầu. Nằm liền kề sông Hồng, phần không gian cạnh chợ được đề xuất cải tạo thành một quảng trường để mọi người có thể tập trung, vui chơi, giải trí hoặc giới thiệu sản phẩm đặc thù.
Để chợ Hà Nội không tàn lụi
Sự ra đời của 3 bản thiết kế mang tính gợi mở này là một câu chuyện dài.
Thực tế, từ 9 năm trước, những nghiên cứu về chợ truyền thống của văn phòng HealthBridge (Canada) tại Hà Nội đã được triển khai, khi việc tạo môi trường cho người dân giữ gìn sức khỏe thông qua các hoạt động văn hóa bản địa là một trong những hoạt động của tổ chức này.
“Giai đoạn ấy, chợ truyền thống Hà Nội đang đứng trước nguy cơ bị tổn thương lớn bởi các sai lầm trong cách tiếp cận, mà điển hình là việc cải tạo chúng theo hướng kết hợp với các trung tâm thương mại cao tầng”- bà Trần Kiều Thanh Hà, cán bộ dự án của Health Bridge, cho biết.
Khá nhiều hội thảo và nghiên cứu về vai trò của chợ dân sinh được Health Bridge xúc tiến sau đó. Để rồi, cùng với ý kiến của những nhà quản lý và cộng đồng, cũng tới lúc thành phố quyết định chấm dứt việc cải tạo chợ truyền thống theo kiểu “kết hợp” này. Tuy nhiên, với chợ truyền thống, câu chuyện không thể dừng ở đó.
“Thực tế cho thấy có 2 cách phổ biến để xóa bỏ một mô hình truyền thống: hoặc trực tiếp dừng hoạt động, hoặc để nó mãi trong tình trạng sập xệ” - bà Hà cho biết - “Tương lai của chợ truyền thống sẽ thuộc về trường hợp thứ 2: Nếu chúng ta vẫn mãi bế tắc trong việc tìm kiếm một mô hình cải tạo hợp lý, những ngôi chợ truyền thống sẽ tiếp tục dần xuống cấp và lụi tàn”.
Dự án Diện mạo mới cho chợ dân sinh ở Hà Nội ra đời từ thực tế ấy, với sự góp sức của KTS Steve Davies (Mỹ) - chuyên gia từng tham gia vào việc cải tạo, nâng cấp khoảng 500 chợ trên thế giới.
Tới Hà Nội vào cuối năm 2018, sau chuyến khảo sát tại các chợ truyền thống, KTS Steve Davies khẳng định: đó đều là những nơi có thể trở thành nền tảng tốt cho các không gian công cộng của thành phố. Vấn đề còn lại nằm ở cách cải tạo và hiện đại hóa các ngôi chợ, để không làm mất bản sắc và các chức năng vốn có.
Cùng với chuyên gia này, hơn 20 KTS trẻ được kết nối để có mặt tại dự án. Họ cùng tham gia các buổi quan sát thực tế, thảo luận, lên ý tưởng – trước khi tham gia thiết kế cải tạo 3 ngôi chợ theo những các nguyên tắc mà Steve Davies yêu cầu. Đặc biệt, trước khi xây dựng thiết kế, những cuộc khảo sát lấy ý kiến đã thực hiện khá công phu tại 3 ngôi chợ, với đối tượng là toàn bộ các tiểu thương và một số người mua hàng.
Để rồi, khi hoàn thành và thuyết trình trước các cơ quan hữu quan của Hà Nội, những bản thiết kế này đã được dư luận đánh giá khá cao về tính khả thi, cũng như tầm nhìn của những người thực hiện.Như một câu chuyện mà chính Steve Davies chia sẻ: khi mới làm việc, các phía quản lý chợ thường có tâm lý không muốn đầu tư quá nhiều mà chỉ dừng ở một vài hạng mục cơ bản. Để rồi, khi được trình bày về các ý tưởng, sự hào hứng lan tỏa, và vẫn những người quản lý ấy nói rằng sẽ cố gắng tìm cách có nguồn kinh phí cho những ý tưởng này...
Tất nhiên, việc thực hiện những ý tưởng thiết kế ấy còn nằm ở thì tương lai. Nhưng, như lời khẳng định của những người trong cuộc, nếu chỉ dừng lại ở ý tưởng, những gì được đưa ra vẫn không phải là vô ích để cộng đồng có thể hiểu hơn về tiềm năng ở những ngôi chợ truyền thống của mình.
Chợ có không gian cho người bán rong
Để tạo sự khác biệt so với các ngôi chợ dân sinh khác, phần không gian chính giữa chợ Hạ được quy hoạch để có thể cho phép những người bán hàng rong sử dụng. Theo ý tưởng của các KTS, người mua hàng sẽ tiếp xúc với các quầy hàng cố định trước khi vào các quầy hàng rong, từ đó sẽ tạo sự công bằng trong việc mua bán...
|
Vấn đề cải tạo chợ truyền thống cần được quan tâm từ 3 yếu tố chính: vốn đầu tư, chính sách, đối tác; thiết kế và cơ sở hạ tầng của các khu chợ; quản lý và điều hành chợ (KST Steve Davies)
|
Đề cử hạng mục giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội 2019
1. Quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng người dân Hà Nội
2. Xây dựng đường đua xe Công thức 1 và đăng cai tổ chức giải đua vào 4/2020
3. Dự án đào tạo, nghiên cứu “Diện mạo mới cho chợ truyền thống của Hà Nội” với sự tham gia của KTS Steve Davies
|
Cúc Đường
loading...