Các chuyên gia thế giới lo ngại: Nhiều tỷ phú đang đổ tiền tìm ‘thuốc tiên’ để bất tử, nắm giữ quyền lực và tài sản khổng lồ mãi mãi
"Trường sinh bất lão" vốn là giấc mộng của nhiều vị vua chúa khao khát được vĩnh viễn nắm giữ quyền lực và sự giàu sang trong lịch sử. Thời đại đã thay đổi, nhưng vẫn không thiếu người mơ cùng giấc mộng đó: các nhà khoa học, những kẻ giàu trí tưởng tượng và các nhà tỷ phú.
Giống như những vị vua trong quá khứ, giới siêu giàu ngày nay cũng sẵn sàng mạnh tay đầu tư để chữa "căn bệnh tuổi tác". Theo nhiều chuyên gia, các tỷ phú đang dùng túi tiền không đáy của họ để thúc đẩy việc nghiên cứu ra những loại thuốc hay phương pháp y học có thể giúp “chống lại tuổi già”, và nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là đột phá quan trọng nhất trong lịch sử loài người kể từ sau sự phát minh ra thuốc kháng sinh.
Giới siêu giàu sẵn sàng mạnh tay đầu tư để chữa "căn bệnh tuổi tác".
Ước mơ chống lão hóa và kế hoạch đánh lừa "thần chết" của các tỷ phú
Theo Mirror, ông chủ Amazon Jeff Bezos đã đầu tư vào Altos Labs, một công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học. Công ty này nghiên cứu tập trung vào "lập trình trẻ hóa tế bào để phục hồi sức khỏe và khả năng phục hồi của tế bào, với mục tiêu đảo ngược bệnh tật để biến đổi y học", theo thông cáo báo chí của công ty.
Jeff Bezos - Nhà sáng lập Amazon và là một trong những tỷ phú công nghệ giàu nhất thế giới đã có nhiều khoản đầu tư vào các công ty nghiên cứu chống lão hóa
Với sự hỗ trợ 3 tỉ USD, Altos Labs đã bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là số tiền tài trợ lớn nhất thế giới cho một công ty công nghệ sinh học, theo Thời báo Financial Times.
Altos Labs có một danh sách giám đốc điều hành đầy ấn tượng, bao gồm các chuyên gia trước đây của GlaxoSmithKline, một công ty phát triển dược phẩm và vắc xin của Anh; Genentech, một công ty công nghệ sinh học có trụ sở tại thành phố San Francisco (Mỹ), nơi đã tạo ra kháng thể cho bệnh ung thư và Viện Ung thư Quốc gia Mỹ.
Công ty này mở 2 phòng thí nghiệm ở Bay Area và San Diego, thuộc bang California. Ngoài ra còn có một phòng thí nghiệm ở Cambridge (Anh) và một phòng thí nghiệm hợp tác với các nhà khoa học ở Nhật Bản.
Theo thông báo chính thức của Altos Labs, nhà khoa học từng đoạt giải Nobel, ông Shinya Yamanaka, cũng tham gia vào chương trình nghiên cứu này.
Đồng sáng lập Google , Sergey Brin, đầu tư hơn 600 triệu bảng Anh vào "phòng thí nghiệm sự bất tử" có tên Calico Labs. Peter Thiel - người sáng lập PayPal thì cam kết chi 2 triệu bảng Anh cho Quỹ nghiên cứu SENS có nhiệm vụ tương tự.
Hai nhà đồng sáng lập Google - Larry Page và Sergey Brin.
Theo New Yorker, Larry Ellison - nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Oracle cũng chi 370 triệu USD cho các nghiên cứu về quá trình lão hóa và bệnh tuổi già.
Michael Rae - một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng công nghệ trường sinh đang đạt những bước tiến vượt bậc. Nhờ các khoản đầu tư khổng lồ, ông tin tưởng con người sẽ đạt được mục tiêu vào năm 2050.
Nhưng vì chi phí đắt đỏ, công nghệ này ban đầu sẽ chỉ dành cho những người giàu có. Dù vậy, sớm muộn gì thì toàn dân cũng sẽ được tiếp cận các phương pháp sống lâu, khiến tuổi thọ trung bình của con người có thể được nâng lên 1.000 năm.
Trong số các giả thuyết hiện có, công nghệ tái lập trình sinh học mà Jeff Bezos đầu tư đang được quan tâm hàng đầu.
Michael Rae nhận định: "Bezos đang đánh cược vào một công nghệ khó hơn, nhưng nó sẽ mang lại thành tựu rất lớn nếu họ thành công. Công nghệ tái lập trình tế bào rất thú vị vì chúng ta có thể quay ngược đồng hồ, làm cho các tế bào trẻ trung trở lại, phá vỡ mối liên hệ giữa tuổi tác và cái chết". Ông cho rằng điều này sẽ khả thi trong vòng 25 - 30 năm nữa.
Viễn cảnh về một “thế giới bất tử” và nguy cơ tạo ra các "độc tài" vĩnh viễn
Nghe có vẻ đây là một tin vui cho tất cả chúng ta, nhưng thực tế của vấn đề này lại là mặt tối hơn như thế. Một số người nghĩ nhanh tới câu nói "The longer you're around, the more your wealth compounds", có nghĩa là bạn càng sống lâu, bạn càng giàu.
Và với những người vốn đã rất giàu như Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg, họ có thể tiếp tục tích luỹ thêm tài sản và quyền lực mãi mãi, không khác gì nhiều bộ phim khoa học giả tưởng mà chúng ta đã từng xem.
Christopher Wareham, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Utrencht, chia sẻ với The Financial Times rằng: "Giả sử chúng ta có một loại thuốc dành cho tuổi tác, điều này có khả năng làm cho các loại bệnh tật khác trở nên trầm trọng thêm. Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng hiện tại mà cũng ta đang đối mặt cũng sẽ trở nên phức tạp hơn. Bạn sống càng lâu, tài sản của bạn càng nhiều, và bạn càng giàu thêm. Như vậy là bạn càng có nhiều ảnh hưởng về mặt chính trị".
Ngoài ra, theo Wareham, từ trước đến nay, những cá nhân đứng đầu thường không có xu hướng tự từ bỏ sự giàu có hay quyền lực, vì vậy có nguy cơ những tỷ phú nắm giữ công nghệ chống lão hóa sẽ giữ vị trí đứng đầu mãi mãi.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đặt ra câu hỏi: "Nếu con người sống bất tử, liệu chúng ta có phải làm việc vô thời hạn không? Thế giới sẽ đối phó thế nào với tình trạng bùng nổ dân số, và tình trạng này có tác động thế nào với môi trường sống?"
Câu trả lời cho hai nghi vấn sau có liên hệ mật thiết với các cuộc đàm phán tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu tổ chức tại Glasgow (Anh). Hội nghị hướng đến mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C. Mục tiêu này đòi hỏi mỗi người chỉ được tạo ra không quá 2 tấn CO2/năm, trong khi những người thuộc 1% dân số giàu nhất thế giới tạo ra tới hơn 70 tấn CO2/năm. Do vậy thế giới sẽ phải hứng chịu các thảm họa khí hậu sớm hơn dự kiến nếu như nhóm đối tượng này không chỉ ngày càng đông hơn mà còn có thể sống thọ đến 140, 200 tuổi, thậm chí là bất tử.
Nhóm người thuộc 1% dân số giàu nhất thế giới tạo ra tới hơn 70 tấn CO2/năm. (Ảnh: Istock)
Đây cũng là thách thức đối với chính sách xã hội cho người cao tuổi ở các quốc gia. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, vào năm 2030, thế giới sẽ có khoảng 1,4 tỷ người từ 60 tuổi – tương đương với 1/6 dân số toàn cầu. Số người từ 80 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 2020-2050, tới 426 triệu người.
Báo cáo tóm tắt Già hóa trong Thế kỷ 21: Thành tựu và Thách thức của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nêu rõ, già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng nhất của thế kỷ 21. Điều này có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng lớn đến tất cả các khía cạnh của xã hội.
Kinh nghiệm của các quốc gia bước vào xã hội già hóa dân số trước Việt Nam cho thấy, việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội khi tỷ lệ người cao tuổi tăng. Ví dụ ở Canada, sự gia tăng tỷ trọng người cao tuổi làm tăng khoảng 1,3% GDP chi tiêu y tế bình quân đầu người.
Còn ở Nhật Bản, ngân sách tài khóa năm 2022 đã dành đến 36.270 tỷ yên, chiếm 1/3 ngân sách để giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh. Đây là mức chi lớn nhất từ trước tới nay của Nhật Bản cho vấn đề an sinh xã hội, cho thấy tình trạng già hóa dân số tiếp tục là thách thức hàng đầu đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dù đã có sự chuẩn bị rất sớm.
Tại Singapore, chính phủ đảo quốc sư tử cũng đầu tư đáng kể vào các sáng kiến học tập suốt đời để thúc đẩy sự phát triển cá nhân và hòa nhập xã hội. Từ 2014, nước này cũng cung cấp cho mỗi người dân từ 25 tuổi trở lên một khoản tín dụng mở đầu 500 USD và được bổ sung định kỳ để họ tham dự các khóa học kỹ năng phát triển bản thân.
Hàn Quốc cũng đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Nhiều sáng kiến nhằm động viên các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn được đưa ra, như hỗ trợ 1 triệu won cho phụ nữ mang thai và trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, những người cao tuổi cô đơn sẽ phải chịu các tác động tiêu cực với sức khỏe và tinh thần, việc này cũng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa nguồn cung nhà ở và nhu cầu của bộ phận dân số già.
Cho dù chưa có công nghệ chống lão hóa nào trở thành hiện thực, đây không phải là mối lo ngại ngoài sức tưởng tượng. Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX và là một trong những người giàu nhất thế giới, cũng phản đối việc phát triển công nghệ trường sinh bất tử với lý do rằng các nhà lãnh đạo nên bị thay thế theo thời gian.
Đáp lại lo ngại này, các nhà phát triển công nghệ chống lão hóa cũng thường khẳng định rằng sản phẩm của họ sẽ không dành cho số ít người giàu có và quyền lực. Mehmood Khan, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Hevolution Foundation, nói rằng tổ chức này chỉ nghiên cứu các công nghệ chống lão hóa có thể dành cho tất cả, thay vì các phương pháp tỷ đô dành cho số ít.
Công ty công nghệ sinh học Altos Lab - hận đầu tư tỷ đô từ giới siêu giàu để tìm ra công nghệ "trường sinh bất tử".
Thực tế thì phòng thí nghiệm Altos do Bezos tài trợ nói rằng họ cũng đang tìm cách để "lập trình trẻ hoá tế bào" để đảo ngược bệnh tật và cam kết họ muốn giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt.
Nhưng dù thế nào, tất cả hiện chỉ đang là dự án nằm trên bàn giấy và chưa có bất kỳ ai hay tổ chức nào hiện tại có thể giải được bí ẩn về sự bất tử. Thậm chí việc kéo dài tuổi thọ trung bình của con người thêm 10-20 năm nữa vẫn đang là một "lời hứa hẹn" chưa có hồi đáp. Song, với tốc độ phát triển khoa học như vũ bão hiện tại, bất kì điều viễn vông nào cũng có thể trở thành sự thật trong tương lai và dù chỉ là một đột phá nhỏ thì đó vẫn có thể được xem là một "giải độc đắc" cho con người.
Nguồn: Tham khảo từ Futurism