Các câu lạc bộ 'hiệp sỹ' Bình Dương được pháp luật công nhận
(Thethaovanhoa.vn) - Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cho biết Các câu lạc bộ Phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoạt động đều được công nhận là có cơ sở pháp lý và đã triển khai trên thực tiễn.
- Cảnh sát hình sự trao lại phần khen thưởng thành tích phá án cho các ‘hiệp sĩ’
- Chính thức đề xuất công nhận liệt sĩ với hai 'hiệp sĩ' bị cướp đâm tử vong
- Vụ hai 'hiệp sĩ đường phố' bị sát hại: Khởi tố, bắt tạm giam 3 nghi can
Trên địa bàn Bình Dương, Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm được thành lập trên 91 xã, phường, thị trấn. Những “hiệp sỹ” săn bắt cướp đều thuộc các thành viên trong mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Theo Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, trước đây Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm trên địa bàn Bình Dương hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện là chính. Năm 2003, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ra quyết định công nhận các hoạt động của Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm là có cơ sở pháp lý và đã triển khai trên thực tiễn.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đề ra quy chế để tổ chức, quản lý, điều hành; đặc biệt là nguyên tắc hoạt động cũng như phạm vi hoạt động của câu lạc bộ này.
Văn bản mới nhất đang có hiệu lực là Quyết định năm 2013 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm tỉnh Bình Dương.
Mô hình câu lạc bộ này chia làm hai đội: đội tuyên truyền phổ biến pháp luật và đội xung kích phòng chống tội phạm. Các "hiệp sỹ" săn bắt cướp trên đường là thành viên của đội xung kích phòng chống tội phạm.
Theo quy chế hiện hành, các công an phường, xã giữ vai trò Đội trưởng của các đội xung kích trong Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm, đóng vai trò tham mưu về mặt nghiệp vụ và pháp luật cũng như là quản lý hoạt động trực tiếp ở các Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm. Đại diện các "hiệp sỹ" giữ chức Đội phó.
Những hoạt động hiệu quả của câu lạc bộ này sẽ được ghi nhận và biểu dương, khen thưởng. Những hoạt động sai lệch với tôn chỉ mục đích sẽ được lực lượng công an nhắc nhở và chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời.
Trong quá trình hoạt động phòng chống tội phạm, các “hiệp sỹ” gặp rủi ro, căn cứ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, các “hiệp sỹ” sẽ được hỗ trợ một mức nhất định hoặc là huy động các kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ, thăm hỏi.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng trang bị 11 xe môtô hiệu Yamaha Exciter 150cc cho một số câu lạc bộ ở địa bàn trọng điểm, cấp kinh phí hoạt động khoảng trên 9,1 tỷ đồng/năm, đồng thời trang bị gậy cao su, găng tay bắt dao cho các đội trưởng đội “hiệp sỹ” từng khu vực...
Trong năm 2017, các Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm đã tuần tra và phát hiện bắt quả tang hơn 200 đối tượng trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy, đánh bạc.
Ngoài ra, các Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm còn cung cấp gần 100 tin có giá trị giúp lực lượng công an điều tra bắt giữ gần 180 đối tượng tệ nạn xã hội.
TTXVN