Ca sĩ Tùng Dương: 'Nếu tranh cãi về Tùng Dương thì chắc hẳn phải có gì đặc biệt lắm'
(Thethaovanhoa.vn) - Tùng Dương tự nhận mình cởi mở với người trẻ, luôn nhìn mọi việc theo hướng tích cực và cho rằng: “Nếu mọi người tranh cãi về Tùng Dương thì chắc hẳn tôi phải có điều gì độc đáo, đặc biệt, lạ lẫm lắm”.
Nam ca sĩ chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về những dự án âm nhạc mới cùng những điều gây bàn luận thời gian qua.
Thùy Dung có sự lựa chọn khôn ngoan
* Trước nay Tùng Dương vẫn âm thầm đồng hành với Sao mai Phạm Thuỳ Dung, không biết trong liveshow “Trăng hát” sẽ diễn ra ngày 29/9 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội của nữ ca sĩ, hai người sẽ có sự kết hợp như thế nào?
- Tôi biết Phạm Thùy Dung từ lúc làm giám khảo chấm thi Sao mai. Phạm Thùy Dung đã xin rất nhiều ý kiến, lời chia sẻ từ thành viên ban giám khảo. Bẵng đi một thời gian sau, khi giành giải nhì Sao mai, Phạm Thùy Dung không chạy show mà chọn cách học tập để tốt nghiệp Cao học Nhạc viện. Đến giờ Phạm Thùy Dung đã chọn con đường đi hát trở lại và tôi thấy đó là một sự lựa chọn rất khôn ngoan, biết nghĩ về con đường dài của mình.
Quan trọng nhất là có thể định hướng được cho Phạm Thùy Dung con đường đi. Trước đó, Phạm Thùy Dung có chọn dòng nhạc dân gian, nhưng Dương thấy trong giọng hát của cô không chỉ là dân gian mà nó còn có yếu tố thính phòng. Chính vì vậy, sau khi tốt nghiệp Cao học, tôi đã cùng với Phạm Thùy Dung thực hiện album đầu tay cũng như liveshow sắp tới.
Tôi nghĩ là sự kết hợp trong liveshow sẽ thể hiện được tình cảm của cả hai, hai người anh em quý mến, yêu thương, chia sẻ với nhau. Tùng Dương có chất giọng tương đối dày dặn, hát có nội lực và thường kết hợp với các Diva có chất giọng dày dặn như: Thanh Lam, Mỹ Linh. Trong khi, Phạm Thùy Dung lại có chất giọng rất nhẹ nhàng, lảnh lót. Chất giọng dày của Dương và lảnh lót của Dung kết hợp với nhau có khi lại dung hoà, tạo nên những điểm thú vị.
* Điểm chung của Tùng Dương và Phạm Thuỳ Dung chính là việc lựa chọn theo đuổi "con đường hẹp" nghệ thuật kén khán giả. Anh nghĩ sao về nhận xét này?
- Thực ra, mỗi con người hay mỗi nghệ sĩ sẽ chọn cho mình con đường riêng. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay có chất giọng tốt nhưng các bạn bị hạn chế bởi việc xác định con đường âm nhạc dành cho mình.
Rất may là Tùng Dương và Phạm Thùy Dung có duyên gặp nhau kịp thời, để cùng phát triển và định hướng cho nhau. Tôi đã mang tất cả kinh nghiệm của một người đàn anh đi trước để chia sẻ với Phạm Thùy Dung.
Điều đó cũng tốt cho tôi, biết đâu sau này tôi lại trở thành một nhà sản xuất thì sao. Từ trước tới nay tôi luôn tự sản xuất cho chính mình, những album như: Li ti, Độc đạo hay những liveshow. Lần này, đồng hành cùng Phạm Thùy Dung, tôi lại có thêm kinh nghiệm.
* Hát chung sân khấu với "đàn em", có lẽ cái khó là góp phần để "đàn em" toả sáng chứ không phải "đè bẹp", anh có nghĩ vậy không?
- Đúng. Khi hát song ca, chúng ta sẽ chuẩn bị tâm thế, có những lúc phải trưng trổ, có những lúc phải hòa quyện. Nhưng quan trọng nhất là hòa hợp, kể cả có khác nhau đến mấy thì sự kết hợp đó nó phải hợp lý, ăn ý và phải biết lắng nghe nhau.
Tôi luôn cởi mở với đàn em của mình. Tôi trân trọng người trẻ mà có khả năng hát. Song ca là để nâng nhau lên, chứ không phải dìm nhau xuống. Nhưng trong thời khắc quyết liệt, vẫn phải thể hiện làm sao để “đối thủ” - người song ca cùng với mình - cũng phải thắp được ngọc lửa và phải làm thế nào để kích ứng nhau hơn.
Tôi nghĩ, điều này tùy thuộc vào nhiều không gian, nhiều tâm thế khác nhau. Chúng tôi chọn cho Phạm Thùy Dung một dòng chuyên về classic bởi nó có một sự chỉn chu nhất định và sự bay lượn cũng cột chặt dựa trên nền cổ điển.
Trẻ trung hơn khi hát “Anh ơi ở lại” của Chi Pu
* Mới đây, tại một sự kiện âm nhạc, Tùng Dương, đã khiến cho không ít khán giả bất ngờ khi cover ca khúc "Anh ơi ở lại" gắn liền với tên tuổi của Chi Pu. Trước đó, anh cũng gây tranh cãi khi hát nhạc Trịnh. Có vẻ như Tùng Dương không ngại "thử" và cũng không ngại ngần trước mọi tranh cãi?
- Tôi nghĩ đơn giản là mình phải có cái gì đó độc đáo, lạ lẫm và đặc biệt thì mọi người mới tranh cãi. Tôi thấy sự tranh cãi đó cũng rất thú vị.
Tôi luôn nhìn nhận vấn đề ở mặt tích cực. Sự tranh cãi đó mang lại cho mình những giá trị, mở rộng nhãn quan và con đường âm nhạc của mình chứ không bị bó hẹp.
Với những sản phẩm mới hay những chương trình ca nhạc họ yêu cầu tôi hát và tôi đáp ứng được thì tôi vẫn chọn lựa. Đương nhiên đó phải là bài hát phù hợp với mình.
Tôi thấy ca khúc của Chi Pu là một bài hát có cảm xúc, lãng mạn và phù hợp với tình cảm của người hát trong bản ballad. Có điều, tôi hát Anh ơi ở lại với phong cách bão tố hơn, hào sảng hơn, không quá bi lụy, không quá sướt mướt.
Đối với một bản hòa âm có chiều sâu, tạo cho tác phẩm sẽ được đón nhận ở nhiều diện hơn. Với các bài hát đó tôi nghĩ là chỉ hát một lần như vậy thôi. Giám đốc chương trình - Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh trong sự kiện đó đã yêu cầu tôi hát để làm mới những tác phẩm cũng như là gần gũi hơn, không chỉ hát những bản hit của riêng mình.
Đó cũng là sự cởi mở của tôi với người trẻ. Tôi không chỉ ôm khư khư quan điểm âm nhạc của tôi hay chỉ hát những gì tôi thích. Bản thân mình cũng thấy xã hội đều theo trend, mình cũng trẻ hóa chính bản thân mình.
Tôi cũng cảm thấy trẻ trung hơn khi hát lại các bài hát của các bạn ấy. Ví dụ như những câu hát rất trẻ con, giận hờn, bồng bột nhưng cũng đầy da diết. Tôi nghĩ rằng ở tuổi của tôi rồi thì lại hát theo kiểu từng trải hơn, ít nhiều thì cũng có triết lý, kinh nghiệm cuộc sống.
* Có phải vì áp lực về "làm mới", "sáng tạo" mà mấy năm Tùng Dương vẫn chưa thể hoàn thành dự án "Rễ cây"?
- Tôi không hoàn thành được dự án CD nhưng hoàn thành được rất nhiều liveshow, không được mặt này thì có mặt kia. Tuy nhiên, cũng phải đính chính lại, dự án Rễ cây nằm trong phạm vi hợp tác với nhạc sĩ Quốc Trung. Đó là một mini concert của tôi nằm trong set diễn đó, đã lấy tên là Rễ cây trong khuôn khổ festival.
Tôi thấy anh Quốc Trung rất bận rộn, cũng tổ chức rất nhiều các show lớn vậy nên dự án tiếp theo mà Tùng Dương làm sẽ không còn là Rễ cây nữa. Tôi sẽ nhường lại cho các bạn trẻ, để anh Quốc Trung mời các nhóm nhạc indie hay những nhóm nhạc quốc tế trẻ trung. Tôi vẫn luôn trân trọng anh Quốc Trung về những đóng góp festival của anh cho âm nhạc Việt Nam
Tôi đang làm một lúc hai album. Album Biểu bì có thể sẽ ra mắt cuối năm nay. Album thứ hai kết hợp với một nhạc sĩ nam, tôi xin phép giữ bí mật. Tôi thấy âm nhạc của anh rất là dương tính, là một tác giả trẻ nhưng rất phù hợp với giọng hát và triết lý âm nhạc của tôi.
Tôi cũng sẽ hoàn thành một MV đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình. Thực ra đi hát 15 năm tôi cũng chưa có một MV tử tế nào cả. Ở thời đại 4.0 hiện nay, các bạn thậm chí cũng lười ra đĩa CD mà MV thì phát triển ồ ạt. Tôi vẫn đang tìm những ê kíp của các bạn trẻ nhưng có cùng xu hướng để biểu đạt ngôn ngữ âm nhạc của tôi bằng hình ảnh. Tôi sẽ cố gắng từ bây giờ đến cuối năm sẽ ra một vài MV đầu tay.
* Anh kỳ vọng như thế nào về dự án âm nhạc mới?
- Mỗi lần làm album hay xuất hiện một chương trình gì luôn gây sự tranh cãi chứng tỏ một điều rằng tôi không chọn lối an toàn, tôi vẫn luôn phá cách. Dù kết hợp với cổ điển, kết hợp với dòng nhạc giao hưởng hay phong cách, thể loại gì đi nữa, đó vẫn là một cá tính của Tùng Dương không bị lẫn bởi những cá tính âm nhạc khác.
Quan trọng nhất đối với tôi, tôi đang ở giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời, đủ năng lượng để làm điều gì tôi muốn. Tôi luôn là một người khắt khe, luôn đặt ra trong 10 năm tới mình phải làm những gì. Chính vì điều đó làm trăn trở chính mình để bản thân luôn thúc đẩy mình phát triển.
Tôi vẫn hoàn thiện chính mình, ngày ngày vẫn đi học tiếng Anh. Tôi vẫn hát bài hát triệu view nếu các bạn yêu cầu mà phù hợp với giọng hát của tôi. Tôi không dừng lại, vẫn bắt kịp trend và được thể hiện sự sáng tạo không gian âm nhạc của riêng mình.
Thật ra ở Việt Nam, tôi nghĩ rằng rất khó để gọi Indie, Underground hay Mainstream, bởi ở thị trường Việt Nam chưa đủ rộng như thế giới để phân loại các dòng nhạc mà ta đi sâu vào nó. Một người nghệ sĩ Indie, Underground phẫn phải hát các bài hát mainstream. Như vậy, mọi khái niệm ở Việt nam đại khái chưa phải quá chọn lọc. Nhưng các bạn trẻ hiện nay vẫn tự định hướng cho mình.
Tôi cũng nghe nhạc của Ngọt, Cá Hồi Hoang, Vũ - đó là những lớp trẻ rất dũng cảm đi theo con đường riêng và có style âm nhạc riêng. Tôi thích nhóm Ngọt. Các dòng nhạc, thể loại đối với tôi không còn quá quan trọng nữa. Đó chỉ là một phương tiện để truyền tải.
Khi nghe nhạc của tôi, mọi người sẽ thấy 1 chút rock, dân gian đương đại, giao hưởng, pop - tất cả đều là những gia vị, hương vị cho phong cách trường phái âm nhạc của chính mình.
* Nhiều năm được giải và liên tục được đề cử ở Giải Âm nhạc Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), bản thân anh có suy nghĩ và kỳ vọng gì ở các giải thưởng âm nhạc?
- Cống hiến luôn là một giải thưởng uy tín với giới nghệ sĩ. Tôi đã giành được 10 giải và cảm thấy rất vinh dự, để minh chứng rằng trong suốt 15 năm qua, Dương đã được ghi công nhận sáng tạo không ngừng.
Hiện nay, giải Cống hiến rất hài hòa, cân bằng giữ tính hàn lâm và tính giải trí, cũng theo xu thế phát triển của thời đại, phần thưởng và thành công đều được ghi nhận cho tất cả. Đó là một sự công bằng.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Quách Đắc Thành (thực hiện). Ảnh: NVCC