Ca sĩ Thái Thùy Linh: 'Thư thái khi làm nông dân tập sự'
Là một nghệ sĩ luôn có những hoạt động gắn bó với cộng đồng nên báo giới không có gì ngạc nhiên khi gặp ca sĩ Thái Thùy Linh tại buổi đấu giá tranh Nghệ thuật xoa dịu nỗi đau (diễn ra vào tối 30/10 vừa qua), dù cô không phải là họa sĩ.
Nhưng nhiều người vẫn phải lấy làm tò mò khi giờ đây, ca sĩ Thái Thùy Linh dù không quá rời xa nghiệp hát nhưng lại vướng bận thêm nghiệp làm nông. Như chia sẻ, làm nông để phát triển bản thân và cộng đồng là con đường mà nữ ca sĩ đang theo đuổi gần 2 năm nay.
Thái Thùy Linh đã có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa, TTXVN.
Muốn về quê từ lâu
* Dạo này, hình như chị ít hát mà lại ra vườn làm đất nhiều hơn. Sự thay đổi này là gì vậy?
- Là một bước ngoặt đúng nghĩa, nhưng cũng là điều tôi mong muốn đã lâu, nay mới có thể làm được.
Sau dịch Covid-19, trở về cuộc sống bình thường, tôi đã tự vấn và cảm thấy rất khó để ngay lập tức lên bước sân khấu, xúng xính với quần áo xiêm y lộng lẫy và ca hát. Tôi muốn cho mình một thời gian để lắng lại. Cũng chính trong thời gian này, tôi tự hỏi điều mình mong muốn nhất bây giờ là gì? Nếu để kiếm sống thì tôi có thể sống bằng nhiều nghề. Nếu để hát, thì có nhiều người hát, hát hay mà không cần phải gọi đến mình.
Nhưng có những việc tôi nghĩ nếu mình làm có lẽ sẽ tốt, mang lại giá trị nhiều hơn cho cộng đồng. Tôi suy nghĩ nhiều về con đường của sự sống và quyết định rẽ sang một ngã rẽ có lẽ rất bất ngờ với nhiều người: Trở thành một người nông dân, lập ra những xóm nông nghiệp hữu cơ, cải tạo đất. Tôi không hô hào mà trực tiếp làm những công việc này để chia sẻ về sự sống và môi trường với cộng đồng.
Phải nói rằng cuộc sống của tôi đã khác đi nhiều, khi tư duy và lối sống thay đổi. Tôi thấy cuộc sống của mình giản dị, mộc mạc hơn nhưng dễ chịu vì đúng với con người của mình hơn. Còn thỉnh thoảng, tôi vẫn hát trong những chương trình phù hợp.
Nói chung, sự thay đổi của tôi chỉ giống như một giọt nước đã được kết tinh từng những giọt sương. Trong công việc mới này, tôi thấy những việc mình làm có ý nghĩa hơn với cộng đồng.
* Nghe có vẻ như chị cũng chạy theo xu hướng "bỏ phố về rừng"?
- Cách đây 8 năm tôi muốn về nông thôn mà không về nổi đấy! Vì quá nhiều khó khăn thử thách. Mọi người đừng thấy những hình ảnh hấp dẫn quá, "chill" quá mà nghĩ cứ về quê là trồng rau nuôi cá được ngay (cười).
Do vậy, tôi chọn việc tạo ra những mô hình xóm hữu cơ mà từ đó mình có thể chia sẻ những giải pháp hay. Mình có thể không giỏi về nông nghiệp hay môi trường, thậm chí là tờ giấy trắng trong lĩnh vực này. Nhưng đằng sau mình, bên cạnh mình lại có nhiều đồng đội sẵn sàng sát cánh với mình. Và nhiều người trong số họ là những chuyên gia về nông nghiệp.
Tôi mới đi theo con đường này được khoảng 1,5 năm nhưng đã thấy nhiều tín hiệu tích cực. Một mặt, đó là sự truyền cảm hứng. Mặt khác là mở ra gợi ý về cách làm như làm nào để trồng cây sạch, đất sạch, hay tổ chức cuộc sống, chuẩn bị về nông thôn, thực hiện ước mơ… với nhiều người.
* Cách làm của chị có gì khác biệt so với những người khác?
- Trong số những chuyên gia đồng hành với tôi có những người thầy, người anh, đã đồng hành với bà con nông dân để cùng triển khai câu chuyện về môi trường, sinh thái. Nhưng thay vì làm trực tiếp với bà con như vậy, tôi chọn đi từ phía ngược lại là kéo nhiều người thành phố về nông thôn. Vì tôi nghĩ, người thành phố về nông thôn không chỉ mang theo tài chính, kiến thức, mà cả mang theo cả thẩm mỹ và sẽ giúp cho nông thôn giàu, khỏe, sạch đẹp hơn.
Bên cạnh việc tạo ra xóm hữu cơ, tôi cũng vừa mới bắt đầu cùng mọi người làm nhóm sống lành. Nhóm có nhiệm vụ hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất những sản phẩm lành, sạch để bán được hàng.
Tiếp xúc với thực tế, tôi biết rằng bán hàng với người nông dân là câu chuyện sống còn. Đặc biệt, điều này càng đúng với những cộng đồng sản xuất sản phẩm không hóa chất. Phần đông họ chưa lớn mà thi thoảng lại rụng chỉ vì mọi người không nói được câu chuyện của mình, không bán được hàng và không tồn tại được. Tôi quyết định vận dụng thế mạnh của một nông dân tập sự như mình để dùng mạng xã hội để nói về câu chuyện của mọi người, chia sẻ những giải pháp đang đem lại hiệu quả tích cực với cuộc sống qua video.
"Thay vì làm trực tiếp với bà con, tôi chọn đi từ phía ngược lại là kéo nhiều người thành phố về nông thôn. Vì tôi nghĩ, người thành phố về nông thôn không chỉ mang theo tài chính, kiến thức, mà cả mang theo cả thẩm mỹ và sẽ giúp cho nông thôn giàu, khỏe, sạch đẹp hơn" - ca sĩ Thái Thùy Linh.
Không gồng mình lên
* Vì sao chị lại chọn khái niệm sống lành nhỉ?
- Tự dưng tôi nghĩ đến chữ sống lành một cách rất tâm huyết. Sống lành không chỉ là ăn lành, uống lành, hít lành mà nghĩ lành, để hành động lành.
* Và chị gọi mình là nông dân tập sự?
- Tôi đã bị nhiều người hồ nghi. Họ bảo rằng ca sĩ thì biết gì, chắc là "làm màu". Nhưng không phải thế đâu nhé. Hiện tại, tôi có khoảng 20 nông dân làm việc cho mình. Tôi có thể không trực tiếp trồng cây nhưng chỉ đi tuần tra một vòng là biết được cây nào đang có vấn đề.
Cách làm của tôi là tìm ra giải pháp để sức lao động của người nông dân không bị phung phí. Việc mình áp dụng những kiến thức tiến bộ vào trong việc làm nông sẽ không chỉ giải quyết việc sinh kế. Chẳng hạn, tôi đang có 5 xóm hữu cơ và tạo được công việc cho 20 gia đình. Nhưng bản thân mỗi người dân trong nhóm khi làm việc cho tôi sẽ được làm theo cách mới. Cho nên, về sức khỏe, họ không bị viêm xoang hay nhức đầu. Về kiến thức, họ có thêm kỹ năng để về nhà tự làm cho mình, làm giúp hàng xóm… Đấy là điều mà tôi mong muốn. Tôi thật sự ước mơ có 100 xóm hữu cơ, thậm chí là 1.000 xóm (cười)
* Vậy chị có hay ở quê không?
- Tôi ở nhiều nơi, trong đó có Quốc Oai. Tôi đang cải tạo khu đất ở đây để chia sẻ cách làm đất, trồng cây và xây dựng thư viện sách cho mọi người. Còn lại tôi chủ yếu ở Hòa Bình. Ngoài ra, tôi vẫn về thành phố để đưa con đi học, còn mình thì đi hát.
* Vậy nhìn lại, chị thấy làm nông dân mệt hơn hay hát mệt hơn?
- (Cười) Nói ra thì mọi người không tin chứ làm nông dân nhiều lúc cũng thăng hoa lắm. Nhưng không phải kiểu cháy bỏng cuồn cuộn như nghệ thuật. Mà đó là sự thư thái vô cùng và được tiếp năng lượng kinh khủng. Và con đường làm việc vì cộng đồng khiến mình cảm thấy dễ chịu. Đó không phải mục tiêu để gồng lên, mà tôi thật sự hấy hạnh phúc khi sống cho mình và cho mọi người.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
"Nghệ thuật xoa dịu thương đau"
Dự án Nghệ thuật xoa dịu thương đau 5649 do một nhóm nghệ sĩ Hà Nội khởi xướng. Cụ thể, các họa sĩ Trần Nhật Thăng, Trương Thúy Anh, MC Xuân Bắc và ca sĩ Thái Thùy Linh đã kêu gọi các nghệ sĩ sáng tác và tặng tranh để đấu giá gây quỹ học bổng, hỗ trợ phần nào những tổn thương về thể chất và tinh thần cho các nạn nhân của vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ở Hà Nội.
Theo dự án này, các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp có nhu cầu học về nghệ thuật (nhạc cụ, học vẽ, nặn tượng, viết thư pháp, học hợp xướng cộng đồng…. ), hoặc thiền, trị liệu tâm lý sẽ được chương trình chi trả hoàn toàn học phí, học liệu. Dự án được triển khai trong vòng 1 năm. Sau đó, nếu quỹ còn tồn tại, chương trình sẽ dành toàn bộ số tiền còn lại để chia tặng cho các trẻ em là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp của vụ cháy.
Tại buổi livestream đấu giá tranh vào tối 30/10, chương trình đã thu về gần 200 triệu đồng với 15 (trong tổng số gần 50 tác phẩm) được bán. Các tác phẩm còn lại sẽ tiếp tục được bán tại 55 Mã Mây (Hà Nội) trong khoảng 10 ngày, kể từ 30/10.