Ca sĩ Kyo York: Hãy đón Tết bằng ý nghĩa sum vầy nhiều hơn
(Thethaovanhoa.vn) - Dịp Tết Mậu Tuất 2018 Kyo York phát hành 2 MV có không khí Tết khá dễ thương, đầu tiên là Đời tài xế thật vui (sáng tác: Nguyễn Hồng Thuận), sắp tới là Nơi xa con nhớ mẹ.
- Ca sĩ Kyo York ra mắt MV 'Thương ca tiếng Việt' giữa 'tâm bão' Tiếq Việt cải cách
- Minh Quân và Kyo York bắt tay làm MV 'Việt Nam quê hương tôi' song ngữ Anh-Việt
MV Đời tài xế thật vui như là cách động viên và đồng hành với những bác tài tất bật dịp cuối năm. Tết thì ai cũng muốn về nhà, nhưng các bác tài chở khách đường dài thì khó được như vậy. Qua 2 MV này, một lần nữa cho thấy Kyo York có tình yêu rất đặc biệt với Tết Việt.
Kyo York chia sẻ tình yêu này với độc giả Thể thao & Văn hoá (TTXVN).
Tết Tây ít có nhạc Tết Tây
* Sống ở Việt Nam gần 7 năm, đã không ít lần ăn Tết Việt, anh có thể chia sẻ cảm nghĩ riêng của mình về sự khác biệt giữa Tết Việt với Tết ở Mỹ?
- Xét về ý nghĩa của hai dịp lễ này thì không khác nhau nhiều vì cả Tết Tây và Tết Ta (Tết Nguyên đán) đều mang ý nghĩa sum vầy, mong muốn sau khoảng thời gian bận rộn của năm cũ thì mọi người về lại bên nhau quay quần với gia đình, chia sẻ, chúc nhau một năm mới với nhiều niềm vui và thành công hơn.
Còn về hình thức thì mỗi nền văn hoá có cách thể hiện rất khác nhau. Ví dụ, ở Mỹ người ta bắt đầu vui lễ Giáng sinh kéo dài đến Tết, việc trang trí, nghi lễ, chúc mừng từ đêm Giáng sinh đã rất quan trọng với người phương Tây, mang ý nghĩa như ngày Tết Nguyên đán vậy. Vì thế mà Tết Tây ít có nhạc Tết Tây mà đa số là nhạc Giáng sinh, còn Tết Ta thì có vô số ca khúc về Xuân. Tết Tây diễn ra ngắn gọn hơn sau đó, còn Tết Ta bắt đầu như cả “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.
* Những điều gì làm anh hào hứng với Tết, hoặc không thích với Tết?
- Tôi đều thích ý nghĩa của Tết ở cả hai phương trời, bởi nó đánh dấu được hành trình của một năm cũ bằng những thời khắc quan trọng. Ví dụ Tết Tây khoảnh khắc countdown ý nghĩa, còn Tết Ta có những giây phút Giao thừa thiêng liêng. Đối với tôi Tết Tây được ở bên Mỹ vui chơi cùng gia đình thì ý nghĩa hơn, còn Tết Việt tôi thích đi chúc Tết, khi đến nhà bạn bè hoặc đi diễn cho bà con.
Tôi không thích những “biến tướng” của ngày Tết, khiến người ta trở nên nặng nề hơn, đó là chuyện “câu nệ” quà cáp, lì xì… hoặc ăn chơi quá đà, tai nạn và cờ bạc hay nạn mua bán “chặt chém” cũng ảnh hưởng đến niềm vui, ý nghĩa chung của những ngày này.
* Ngày Tết Việt anh thích làm những điều gì nhất cho bản thân mình mà trước đây ở Mỹ anh chưa từng làm?
- Tôi sống ở Sài Gòn gần 6 năm rồi nên mỗi dịp Tết, trong đêm 30, tôi thường lang thang các ngõ đường, tôi thấy một bức tranh cuộc sống rất sinh động về con người, có nhiều người vội vã, có người còn phải làm việc, có người lang thang, có người đi hội Xuân, hội hoa… đó là những hình ảnh khiến tôi nghĩ tích cực về cuộc sống của mình.
Tôi thường rủ những người bạn thân thầm lặng đi lì xì những người khó khăn mà mình gặp trên đường, có thể là anh xe ôm, cô lao công, những người cô đơn trên vỉa hè… Tôi muốn chia sẻ và thường không cho họ biết tôi là ai.
* Năm nay anh ăn Tết ở đâu?
- Tôi có lịch diễn Tết nên năm nào cũng diễn khắp nơi, vừa miền Tây xong, bay ra miền Trung đến miền Bắc, làm nghệ sĩ có cái hay là vậy. Tôi thường lang thang khắp nơi, tính tôi không thích ở yên một chỗ, đi lưu diễn nơi nào, tôi cũng tranh thủ đi dạo, khám phá địa phương đó, nên bà con luôn thấy tôi gần gũi, thân thiện là vì tôi thích được lang thang trải nghiệm văn hoá ẩm thực từ bình dân đến sang chảnh. Ngoài ra mỗi năm tôi cũng chuẩn bị một hành trình xa đến một quốc gia mới để tranh thủ du lịch vài ngày bắt đầu cho một năm bận rộn.
* Món ăn ngày Tết của Việt Nam có gây khó khăn với anh không?
- Ngoài mắm tôm ra, hình như món ăn Việt Nam chưa có món nào gây khó khăn với tôi, ngay cả sầu riêng, hột vịt lộn… tôi ăn món Việt hàng ngày, ăn nhiều hơn cả món Tây. Tôi luôn nói Tết không phải là Tết nếu bàn ăn thiếu củ kiệu, đồ chua, thịt kho hột vịt, bánh chưng, bánh tét và các loại mứt. Tôi bị cho là sành ăn và cả “ham ăn” nữa, bởi tôi thích ăn và thích tìm hiểu về món ăn Việt.
Nên bớt “nặng nề” trách nhiệm với Tết
* Theo anh thì người Việt nghỉ Tết như vậy là có quá dài không? Tại sao?
- Tôi nghĩ chắc do không khí Tết truyền thống đến từ đầu tháng 12 Âm lịch và mọi người Việt bắt đầu bận rộn với Tết từ đó nên mọi thứ diễn ra dài. Tôi nghĩ chúng ta bớt “nặng nề” trách nhiệm với Tết, mà hãy đón Tết bằng ý nghĩa sum vầy nhiều hơn, bớt hình thức theo kiểu như tôi được biết: nhiều người áp lực với Tết từ chuyện không có tiền về quê, gia đình sẽ hỏi về tài chính, ép cưới vợ gã chồng... Và ngày Tết lại kéo dài đến hết mùng, nghĩa là mùng 10 mới hết Tết thì hơi dài, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới công việc. Đặc biệt tôi sợ Tết mà ở Sài Gòn, nhà hàng quán ăn đa số đóng cửa, tôi luôn luôn bị đói bụng mà không tìm ra quán ăn ngon. (cười).
* Có nhiều người Việt đề nghị bỏ Tết cổ truyền để sáp nhập vào ăn Tết như người Tây phương - Tết Tây (Tết Dương lịch). Anh ủng hộ giữ như cũ, hay sáp nhập vào Tết Tây? Tại sao?
- Giá trị truyền thống cần được tôn vinh và gìn giữ, như họp mặt gia đình - điều mà tôi thấy vô cùng hay, dù nơi đâu con người vẫn muốn quay về mỗi mùa Tết đến. Không về được thì lòng họ cũng hướng về quê hương, cha mẹ, ông bà... đó là đạo lý cần phát huy.
Người ta nói ngày thường cũng làm được, tôi không phủ nhận, nhưng liệu nếu không có hương vị Tết khơi gợi thì người ta có thực hiện mạnh mẽ? Trang trí nhà cửa, thờ cúng ông bà, nghi thức đưa tiễn ông Táo, du Xuân với áo dài… thật đặc sắc. Bên cạnh đó, tôi nghĩ hạn chế những tiêu cực như câu nệ về quà cáp, lì xì... khiến người ta áp lực với cái Tết, hay chè chén, cờ bạc quá đà dễ dẫn đến những điều không vui. Vậy thì việc có sáp nhập hay không cũng không quan trọng nữa!
* Tết năm Tuất này anh có lời chúc nào nhắn gởi đến độc giả, người hâm mộ?
- Năm mới Kyo xin chúc quý độc giả sức khỏe và hạnh phúc, bởi có sức khoẻ sẽ có tất cả. Hạnh phúc là khi chúng ta đủ đầy về mọi thứ, công việc, tình cảm và sức khoẻ.
MV Đời tài xế thật vui:
Văn Bảy (thực hiện)