Ca sĩ Khánh Ly: Không có chuyện đi mà cũng không có chuyện trở về
(Thethaovanhoa.vn) - Chương trình âm nhạc thiện nguyện Vòng tay nhân ái của ca sĩ Khánh Ly, sau Hà Nội và Đà Lạt, sẽ về tới Sài Gòn vào ngày 18/9 tới. Đây là lần đầu tiên sau hơn 2 năm về nước, ca sĩ Khánh Ly có đêm nhạc của mình tại mảnh đất mà cô đã khởi nghiệp. Một nơi chốn đã từng ôm ấp rất nhiều kỷ niệm của Khánh Ly.
Về lại nơi bắt đầu
* Sau 2 năm kể từ ngày trở về quê hương, cuối cùng thì bà cũng đã có đêm diễn đầu tiên của mình tại TP.HCM. Xin được hỏi thật lòng, điều ấy có quá quan trọng với bà?
- Không. Hát ở đâu trên toàn cõi Việt Nam thì vẫn là hát. Hát cho 10 ngàn người hay chỉ hát cho một người thì cũng là hát, bằng tất cả tấm lòng của tôi. Không nhất thiết phải là ở chỗ này hay chỗ kia. Không nhất thiết phải là chỗ lớn hay chỗ nhỏ. Nếu có 1 người đến với mình, đều đáng quý.
Điều quan trọng đối với tôi là tìm được hình ảnh của ông Sơn ở mảnh đất Sài Gòn này. Bởi ở Sài Gòn gia đình tôi không còn ai hết và người mà tôi nhớ đến nhất, là ông Trịnh Công Sơn.
Ca sĩ Khánh Ly. Ảnh: N.M
* Lần hát đầu tiên ở Sài Gòn sau 41 năm này, với bà, sự trở về ấy mang tâm trạng của một người nghệ sĩ hay tâm trạng của một người con đã từng gắn bó với mảnh đất này?
- Tôi không rạch ròi đến như vậy được. Tôi trở về đây là một nghệ sỹ hay là một người Việt bình thường thì cả 2 điều ấy đều đúng cả. Tôi chỉ có thể nói rằng tôi trở về đây trong tâm thế là một người Việt Nam và hy vọng sẽ tìm lại được chính mình qua những bài hát của ông Trịnh Công Sơn.
* Nhưng ở Sài Gòn này, âm nhạc Trịnh Công Sơn chỉ là một phần trong những kỉ niệm của bà?
- Dĩ nhiên, nhưng qua Trịnh Công Sơn thì tôi mới có cơ hội đến gần với mọi người. Ông ấy là chiếc cầu nối tôi với tất cả. Tôi đã 72 tuổi rồi, tôi không còn đủ sức để đưa mọi người đến với mình. Nhưng nhờ âm nhạc của ông Sơn, đến bây giờ tôi vẫn được mọi người nhớ đến.
* Trong những kỉ niệm của mình ở Sài Gòn, bà có lãng quên nhiều thứ?
- Đời sống riêng tư của tôi cũng bắt đầu từ đây và việc hát ở Sài Gòn lần này giống như tôi trở về với nơi tôi đã bắt đầu. Nó như cái vòng tử sinh mà ông Trịnh Công Sơn viết trong bài Ở trọ “Ơ hay là một vòng sinh/ Tôi như người bỗng lênh đênh giữa đời”, tôi muốn làm điều gì đó cho một nơi chốn đã tạo nên sự nghiệp của mình.
Sài Gòn lúc nào cũng ở trong tâm trí của tôi, thành ra cho dẫu không về được thì nó vẫn ở trong tim tôi. Không phải hơn 40 năm xa cách mà tôi quên nó và cũng không phải vì tôi xa cách mà mảnh đất này đã lãng quên tôi.
Tôi chưa bao giờ đi đâu cả
* Vậy như lời một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “Em còn nhớ hay em đã quên”, bà có nghĩ đó là một câu hỏi dành cho mình?
- Người đặt ra câu hỏi ở bài hát này thật “ác” là bởi biết người ta không quên mà vẫn hỏi. Một câu hỏi gợi niềm đau cho người được hỏi. Bởi nhiều lúc, muốn sống được thì phải quên. Nếu cứ ôm giữ mãi thì mọi điều chỉ làm cho mình đau đớn thêm. Mà có những niềm đau tôi không chia sẻ với ai được.
Ở một xứ sở xa lạ, nhiều khi tôi muốn khóc, muốn nói, muốn chia sẻ thì chưa chắc có người đã muốn nghe. Đối với tôi, câu hỏi mà bài hát này gợi lên giống như thể bắt người được hỏi phải xé trái tim mình ra vậy.
* Vậy thì dùng chữ “trở về” với bà có vẻ không đúng lắm bởi trong thâm tâm, có lẽ bà không bao giờ nghĩ mình là người ra đi?
- Đúng. Ít ra là tôi chưa bao giờ đi đâu cả. Người ta hay nói là “người đi mang theo quê hương” còn tôi không mang theo gì cả bởi quê hương chính là mình rồi, tôi chẳng mang đi đâu cả. Không có chuyện đi mà cũng không có chuyện trở về.
Đà Lạt là nơi tôi gặp ông Sơn, Hà Nội là nơi tôi được sinh ra, Sài Gòn là nơi tôi khởi nghiệp, 40 năm qua tất cả vẫn luôn ở trong tâm tưởng của tôi không một tì vết.
* Đêm nhạc vào ngày 18/9 tới đây có gợi cho bà nhiều cảm xúc?
- Chương trình tới đây không phải là một show diễn mang tính náo nhiệt, hoành tráng mà nó mang ý nghĩa như một câu hát của ông Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và đó cũng là ý nguyện của chồng tôi, một buổi diễn thiện nguyện, có ích cho nhiều người và nằm trong chương trình Vòng tay nhân ái.
Cảm xúc của tôi lúc này là không biết người Sài Gòn sẽ đón mình như thế nào. Tôi hy vọng là mọi người đón nhận Khánh Ly của ngày xưa và Khánh Ly của bây giờ, vẫn vậy, như một người thân trong gia đình.
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.
Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa