Cà phê đầu tuần: Chiếc máy ép 120 triệu USD và đội tuyển của ông Troussier
Vào năm 2016, Juicero, một công ty khởi nghiệp bất ngờ gây tiếng vang lớn tại thung lũng Silicon khi gọi được tổng cộng 120 triệu USD cho sản phẩm máy ép rau quả có kết nối internet của mình.
1. Chiếc máy được bán với giá rất đắt, lên đến 700 USD. Nó được giới thiệu là có khả năng nghiền nát mọi loại rau quả thành nước ép, với độ nhuyễn chưa từng có. Nhà sáng lập Doug Evans, người tự ví bản thân mình là Steve Jobs thứ hai, khoe rằng chiếc máy có khả năng tạo ra lực ép lên đến bốn tấn, "đủ để nâng hai chiếc xe Tesla".
Evans, với khuôn mặt điển trai, giọng nói đáng tin cậy và khả năng thổi phồng những điều đơn giản, đã kể thành công một câu chuyện phi thường từ những chất liệu tầm thường. Chiếc máy ép được giới thiệu là có khả năng kết nối internet để phát hiện xem gói rau quả nào (do chính Juicero bán) còn hạn sử dụng hay không.
Chuyện về nhà khởi nghiệp táo bạo này lên cả báo New York Times, và tạo sóng đến nỗi tiền đầu tư cứ lần lượt chảy vào túi Evans. Thậm chí đến cả quỹ đầu tư của Google cũng tin rằng đây là một start-up có tương lai. Trong clip quảng cáo cho sản phẩm, Evans hiện lên như một vị thần sáng tạo, với một giải pháp chưa từng có, một cuộc cách mạng trong lĩnh vực đồ uống tốt cho sức khỏe.
Mọi chuyện chỉ thay đổi sau khi Bloomberg tung ra một video đầy hoài nghi về sản phẩm này, với tiêu đề: Bạn có cần một cái máy nước ép giá 400 USD (lúc này Juicero đã phải hạ giá sản phẩm vì bán giá 700 USD… ế quá)? Trong clip, tờ báo này vạch trần một sự thật giản đơn rằng cái máy "thần thánh" này ép nước cũng chỉ tương tự người ta… dùng tay trần bình thường. Kể cả tính năng kết nối internet để phát hiện rau quả hết hạn sử dụng cũng là một giải pháp… ngớ ngẩn, vì ngày tháng hết "đát" vốn đã được ghi ngay trên bao bì của túi rau quả. Năm 2017, đúng một năm sau khi gọi được số vốn khổng lồ, Juicero biến mất trên thị trường.
Đến giờ, nếu kể lại ngắn gọn, thì câu chuyện này đơn giản là thế này: Một chiếc máy ép bình thường trang bị thêm tính năng kết nối mạng cồng kềnh đã gọi vốn được tới 120 triệu USD. Một câu chuyện đủ hay là đủ để kêu gọi được một nguồn lực đầu tư khổng lồ.
2. Trận thắng tối thiểu Hong Kong (Trung Quốc) mới đây đã đặt ra rất nhiều dấu hỏi cho lối chơi của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier: Đấu pháp của đội không thật sự rõ ràng, còn lối chơi thì rời rạc, không hiệu quả.
Bên ngoài sân, ông Troussier "kể" được một câu chuyện rất thuyết phục, rằng đội tuyển của ông sẽ tạo ra bản sắc chưa từng có cho bóng đá cấp độ đội tuyển Việt Nam, và cần phải kiên nhẫn với mục tiêu tạo lối chơi chủ động, có thể đá ngang ngửa Nhật Bản, Hàn Quốc và giành vé dự World Cup sau này.
Ông gọi đến 50 người, biến các buổi tập thành một cuộc cạnh tranh đầy bí ẩn với người ngoại đạo, với rất nhiều những tuyên bố mạnh mẽ về triết lý chơi bóng. Ông gây tranh cãi với các phát ngôn "ngược chiều", như chuyện thẳng thừng tuyên bố Quang Hải và Công Phượng "không xứng đáng lên tuyển", hay tuyên bố rằng lối chơi kiểu ông Park không đủ để Việt Nam ra biển lớn.
Nhưng cuối cùng thì cho dù cách kể chuyện có hay đến thế nào đi nữa, điều quan trọng nhất vẫn là hiệu quả trên sân. Cho đến thời điểm này, không cần một Bloomberg nào vào cuộc, những khán giả bình thường cũng nhận ra rằng đội tuyển dưới thời ông Troussier không có nhiều khác biệt so với giai đoạn cuối dưới thời HLV Park Hang Seo. Sau câu chuyện về một chiếc máy ép "thần thánh", người dùng nhận ra rằng ép bằng tay thì cũng ra được hiệu quả tương đương.
3. Tất nhiên, đội tuyển quốc gia đang bước vào giai đoạn tái thiết sau khi đi hết một chu kỳ thành công dưới thời HLV Park Hang Seo cần một tinh thần kiểu start-up: Không ngại việc đầu tư, thử và sai liên tục, để tìm ra một con đường mới. Nhưng khi câu chuyện đã trở nên "vênh" so với hiệu quả thực tế quá xa, thì mọi đánh giá nên dựa trên những điều rất cơ bản, chứ không phải sự thêu dệt. Kiểu như một cái máy ép thì chỉ nên được nhìn nhận là một cái máy ép thôi. Không thể giả vờ coi nó là một phát kiến vĩ đại mãi được.