Ca khúc Giáng sinh 'Silent Night': 200 năm vẫn là bản 'hit'
(Thethaovanhoa.vn) - Silent Night, một trong những ca khúc mừng Giáng sinh được yêu thích nhất thế giới, ra đời cách đây gần 2 thế kỷ. Và giờ Silent Night vẫn là một bản “hit”.
Đối với hàng triệu người trên khắp thế giới, Silent Night là một tượng trưng cho tinh thần lễ Giáng sinh. Ca từ của Silent Night đồng điệu với cảm xúc của nhiều người khi nó mang lại cảm giác thoải mái, tình cảm, hòa cùng với không khí ấm cúng quanh cây thông Noel. Silent Night đã vang khắp thế giới với hơn 300 ngôn ngữ và thổ ngữ.Cây đàn organ ở nhà thờ hỏng
Phần ca từ gốc của Silent Night được nhà thuyết giáo người Áo Joseph Mohr (1792-1848) sáng tác hồi năm 1816 bằng tiếng Đức tại ngôi làng nhỏ Mariapfarr ở khu vực Lungau thuộc nước Áo ngày nay. Ông là người đặc biệt tâm huyết tới những vấn đề xã hội. Năm 1817, khi Mohr chuyển tới ngôi làng nhỏ Oberndorf cách nơi ở cũ 100km, gần Salzburg, ông đã mang theo phần ca từ này. Thời điểm đó, sinh sống ở vùng này hầu như là thủy thủ và người đóng bè nghèo.
Tác giả ca khúc Silent Night, Franz Xaver Gruber (phải) và Joseph Mohr
Khi chuyển tới đây, Mohr làm quen với thầy giáo trường làng kiêm nghệ sĩ đàn organ Franz Xaver Gruber (1787-1863). Khi gặp nhau, hai người nhanh chóng nhận ra rằng ra họ có thể là một cặp đôi ăn ý. Ngay trước Giáng sinh năm đó, hai người phát hiện ra cây đàn organ trong nhà thờ đã hỏng. Đó chính là khởi nguồn để ca khúc Giáng sinh Silent Night ra đời.
Ngày 24/12/1818, nhà thuyết giáo Josef Mohr chuyển một bài thơ cho nghệ sĩ organ Franz Gruber và đề nghị soạn phần nhạc phù hợp cho hai giọng ca solo với phần đệm guitar chứ không cần dàn đồng ca.
Ngay đêm 24/12/1818, ca khúc mới do Gruber soạn nhạc đã vang lên trong bầu không khí đón Giáng sinh giản dị qua sự thể hiện của chính hai tác giả. Mohr hát giọng tenor, còn Gruber hát giọng bass và cả hai cùng chơi guitar. Màn diễn đã gặt hái thành công rực rỡ. Trong màn trình diễn đầu tiên ấy, họ hát cả 6 khổ thơ chứ không chỉ là 3 khổ vốn vẫn quen thuộc ngày nay.
Được xem là “ca khúc vì hòa bình thế giới”, Silent Night đã vượt qua khuôn khổ Giáo hội Công giáo, “bám rễ” vào các nền tôn giáo khác. Hồi năm 2011, Silent Night đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. |
Nhưng lại có nguồn tin nói rằng, ca khúc này đã được gia đình ca sĩ Rainer nổi tiếng quốc tế (ở Tyrolean) trình diễn hồi năm 1822 trước Nga hoàng Alexander I và Hoàng đế Áo Franz I.
Lan tỏa nhanh như “đám cháy”
Vào khoảng năm 1832, Silent Night được trình bày trước công chúng ở Leipzig và sau đó đã lan truyền nhanh như “đám cháy”. Ở Berlin, Vua Phổ Friedrich Wilhelm năm nào cũng mời dàn đồng ca nhà thờ tới lâu đài trình bày ca khúc này.
Năm 1854, dàn nhạc triều đình đã bổ sung Silent Night vào mục trình diễn. Silent Night đã trở thành ca khúc yêu thích của nhiều gia đình vào kỳ Giáng sinh và là nhạc phẩm không thể thiếu trong các nghi lễ của Giáo hội. Có điều, tác giả của nó, Joseph Mohr, không được chứng kiến sự “thăng hoa” của đứa con tinh thần. Ông qua đời hồi năm 1848.
Sau đó, Silent Night được đón nhận khắp thế giới với những phiên bản tiếng nước ngoài đầu tiên. Hồi năm 1873, ca khúc này đến Mỹ với tựa đề Chorale of Salzburg, và năm 1891, nó đã tới Anh, Thụy Điển và Ấn Độ. Tiếp đó, các nhà truyền giáo đã đưa ca khúc Giáng sinh này tới Đông Phi, New Zealand và Nam Mỹ.
Cùng thưởng thức "Silent night" qua tiếng hát của Sarah McLachlan:
Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa