Ca khúc 'Back to Black': Lời tiên tri buồn về Amy Winehouse
Dường như không có ca khúc nào có thể gói gọn cá tính âm nhạc cũng như âm thanh khác biệt của Amy Winehouse như Back to Black. Nhưng đứa con tinh thần viết ra từ đau đớn này cũng lại là lời tiên tri nghiệt ngã cho số phận của cố nghệ sĩ.
Sau cái chết bi thảm của cô, một phần MV Back to Black đã phải thay đổi để viết thương không bị cứa thêm nữa.
Thu lại những gì tôi nghe thấy trong đầu mình
Khi hãng đĩa Island Records thông báo tin Amy Winehouse chuẩn bị phát hành album thứ hai, Back to Black, những người dõi theo sự nghiệp của cô gái 23 tuổi này chộn rộn không yên vì háo hức.
Thật ra, sự trỗi dậy của Winehouse chỉ mới bắt đầu từ ba năm trước đó, vào năm 2003, khi nữ ca sĩ-nhạc sĩ tới từ quận Camden Town của London phát hành Frank, album ra mắt với phong cách pha trộn hương vị jazz, soul và funk khiến giới phê bình nức lòng. Album không hoàn toàn biến Winehouse thành cái tên đại chúng nhưng đã bán được 300.000 bản ở quê nhà, có bốn đĩa đơn lọt BXH và hơn thế, giúp cô lọt danh sách chung khảo của giải âm nhạc Mercury và nhận một đề cử Brit.
Danh tiếng vang dội mà Frank mang tới cho Winehouse cũng đồng nghĩa với kỳ vọng của công chúng dành cho Back to Black là rất lớn. Nhưng dù lớn thế nào, khó ai đoán trước nổi rằng album mới sẽ hoàn toàn khác về cả chủ đề lẫn âm thanh. Rung cảm hạnh phúc trong may mắn của Frank đã hoàn toàn rữa nát thành câu chuyện tăm tối mang màu sắc tự truyện trong Back to Black, phô ra những cảm xúc chới với của Winehouse.
Back to Black là ca khúc đầu tiên Winehouse viết và thu âm cho album thứ hai cùng tên. Chuyện bắt đầu vào tháng 3/2006 khi cô được thuyết phục tới gặp nhà sản xuất Mark Ronson tại phòng thu của anh ở đường Mercer, New York. Trong lần đầu gặp mặt, dáng vẻ tươi trẻ của Ronson khiến Winehouse nhầm anh là kỹ sư âm thanh. Trong trí tưởng tượng của cô, nhà sản xuất phải giống "một người đàn ông Do Thái đứng tuổi với bộ râu rậm" - như bố cô kể lại trong cuốn sách Amy, My Daughter.
Nhưng bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng bị gạt đi khi họ tìm được sự kết nối trong âm nhạc. Ronson trìu mến nghe Winehouse kể về những gì cô thích (tới hộp đêm, chơi bi da với bạn trai, nghe Shangri-Las), được cô bật cho những đĩa nhạc yêu thích (điều vô tình biến thành khóa học cấp tốc về các nhóm nhạc nữ). Sau cùng, anh nói mình hiện chưa có gì cho cô, xin cô cho anh một đêm rồi trở lại vào sáng hôm sau.
Trong đêm đó, Ronson đã nghĩ ra một đoạn riff dương cầm nhỏ - giai điệu sau này sẽ trở thành hợp âm cho phiên khúc của Back to Black. Khi trở lại, Winehouse vô cùng hào hứng với ý tưởng của Ronson. Cô lập tức viết phần lời dựa trên chất liệu cuộc sống của mình vào thời điểm đó.
"Tôi luôn cố gắng cải thiện bản thân mình" - Winehouse nói trước khi cô bắt tay vào làm Back to Black - "Bây giờ, tôi có những tham vọng rõ ràng. Đó là làm ra một bản thu thu lại những gì tôi nghe thấy trong đầu mình… và tôi không muốn có đàn dây".
Như thế, Back to Black đã ra đời trên nền tảng âm nhạc mà Winehouse yêu thích. Đó là những giai điệu kịch tính, tuyệt hay của các nhóm nhạc nữ đầu thập niên 1960. Trên nền đó là phiên bản cập nhật câu chuyện tình đầy lãng mạn và dối lừa, nay nóng mai lạnh, của Winehouse. Phủ lên là lớp phối khí cổ điển, dày đặc âm thanh theo phong cách Phil Spector, đã mang lại cho ca khúc sức hút điện ảnh, tô đậm sắc đen tuyền. Ngất ngưởng ở nơi cao nhất là giọng Winehouse: thê lương, khắc kỷ, chua chát, tàn nhẫn và sâu cay. "Điều luôn thúc đẩy tôi" - cô nói - "là các mối quan hệ và chuyện nó có thể trở nên tồi tệ tới mức nào".
Ca khúc “Back to Black” của Amy Winehouse
Trở lại với tăm tối
Back to Black là câu chuyện về người con gái hoàn toàn lạc lối khi bị người yêu ruồng bỏ: "Từ biệt chỉ là lời chót lưỡi đầu môi/ Em đã chết đi hàng trăm lần/ Anh trở về bên cô ta/ Em về với tăm tối".
"Rõ ràng là anh ta quay lại với bạn gái cũ. Còn tôi chẳng có gì khác để quay lại nên mọi người biết đấy, tôi về với tăm tối. Làm những điều ngớ ngẩn khi ta mới 22 tuổi, còn trẻ và đang yêu" - Winehouse sau này nhớ lại - "Tôi đang yêu và biết nó sẽ chẳng tới đâu. Đó là chuyện đúng nơi sai thời điểm hay đúng người sai thời điểm. Chúng tôi rõ ràng là đã quá đáng với nhau. Chúng tôi không thể ở bên nhau nữa".
Từ "black" (đen, tăm tối) mà Winehouse dùng được hiểu theo nhiều nghĩa. Nó có thể là sự ảm đạm nói chung, giống như hình ảnh đen trắng tang thương trong MV. Nó có thể là suy sụp, trầm cảm. Hoặc có thể là heroin - thứ Winehouse nghiện - bởi ở Los Angeles, dân đường phố vẫn thường gọi nó là "đen".
Còn người đàn ông trong ca khúc là Blake Fielder-Civil. Fielder-Civil từng là trợ lý sản xuất video, bỏ học năm 16 tuổi, chuyển từ quê nhà Lincolnshire tới London để tìm kiếm cơ hội. Trong thời gian yêu nhau, họ bị thấy bầm dập, máu me trên phố, nghi là vừa ẩu đả.
Winehouse thừa nhận rằng khi say, cô có thể đánh người yêu. Bố mẹ hai phía đều lo ngại về mối quan hệ, viện lý do rằng cả hai có thể tự tử. Bố Fielder-Civil thậm chí kêu gọi tẩy chay nhạc Winehouse, điều mà bố nữ ca sĩ đáp rằng chẳng có ích gì.
Thật ra, trong thời gian tạm chia tay Fielder-Civil, Winehouse có hẹn hò chớp nhoáng với nhạc sĩ - đầu bếp Alex Clare. Tuy nhiên, trớ trêu là, một tháng sau khi Back to Black ra mắt, Winehouse quay lại kết hôn với Fielder-Civil. Nhưng lời thề nguyện cũng chẳng thay đổi được tình hình. Cuối cùng, năm 2009, Fielder-Civil nộp đơn ly dị Winehouse với lý do cô ngoại tình.
"Tôi vẫn yêu Fielder-Civil và muốn anh ấy chuyển tới nhà mới của tôi cùng tôi - đó là kế hoạch của tôi bây lâu nay… Tôi sẽ không để anh ấy ly dị tôi" – cô từng nói.
Dù vậy, họ vẫn đường ai nấy đi ít tháng sau đó.
Sau khi chia tay Fielder-Civil, Winehouse có mối quan hệ nghiêm túc với nhà văn-đạo diễn người Anh Reg Traviss. Theo bố cô, họ đã lên kế hoạch kết hôn và dự định có con. Tất cả đều dở dang khi cát bụi phải trở về với cát bụi. Tiếng chuông báo tử đã vang lên, Winehouse đã lê hết "con đường đầy muộn phiền của mình/ Vận may đã cạn" - như lời Back to Black.
Black to Black trở thành một lời tiên tri buồn: MV của nó là hình ảnh Winehouse cùng đoàn người của cô mặc đồ đen để tới nghĩa trang khóc thương cho sự ra đi của chính cô. Trong một cảnh, có thể thấy trên bia mộ viết: "Nơi đây yên nghỉ trái tim của Amy Winehouse". Sau khi Winehouse qua đời năm 2011, cảnh này đã bị cắt khỏi MV.
Vĩ thanh
Sau khi ra mắt album Back to Black vào tháng 10/2006, Amy Winehouse là cái tên được mọi người nhắc tới. Album nhanh chóng đạt nhiều đĩa bạch kim trên thế giới, trở thành một hiện tượng toàn cầu. Back to Black còn mang về giải Album của năm của Giải Âm nhạc châu Âu và Giải Q năm 2007. Đây là album bán chạy nhất thế giới năm 2007 với hơn 5,5 triệu bản. Ở Mỹ, Black to Black lọt BXH Billboard 200, đạt đỉnh ở No.7, đưa Winehouse trở thành nữ nghệ sĩ người Anh có màn ra mắt ở thứ hạng cao nhất trên BXH vào thời điểm đó.
Ca khúc chủ đề Back to Black được phát hành dạng đĩa đơn thứ ba của album vào tháng 4/2007, ban đầu đạt đỉnh ở vị trí 25 trên BXH Đĩa đơn Anh.
Sau cái chết của Winehouse, Back to Black trỗi dậy một lần nữa, leo tới No.8 trên BXH. Đầu năm 2015, ca khúc đạt chứng nhận bạch kim của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Mỹ khi vượt qua 1.000.000 lượt bán/tải về. Rolling Stone xếp ca khúc đứng thứ 79 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại.
Rất nhiều nghệ sĩ đã yêu mến thu âm lại Back to Black mà nổi bật nhất là phiên bản chậm của Beyonce và Andre 2000 cho nhạc phim The Great Gatsby. Để tưởng niệm Winehouse, cựu thành viên Ronette Ronnie Spector - người được cho là có ảnh hưởng rất lớn tới nữ nghệ sĩ quá cố - đã phát hành Back to Black phiên bản disco dưới đạng đĩa đơn.
Chủ nghĩa hiện thực thô sơ và chất tự truyện chân thật đã khiến âm nhạc của Winehouse có sức quyến luyến ma mị. Và Back to Black, với câu chuyện vượt thời gian về nỗi đau ái tình, có tính phổ quát và cộng hượng sâu sắc với bất kỳ ai từng bị chối từ khiến tan nát con tim.