Bùi Đình Túy - Nhà báo cách mạng đầu tiên được đặt tên đường phố
(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu chưa đầy đủ, Thông tấn xã Việt Nam có hơn 260 người hy sinh khi tác nghiệp hoặc chiến đấu, trong đó có phóng viên ảnh Bùi Đình Túy (1914-1967, còn có các bút danh Anh Sơn, Đỉnh Thúy, Đinh Thúy…). Tại TP HCM, đường và cầu Bùi Đình Túy hiện nằm trên địa bàn quận Bình Thạnh, được đặt tên từ ngày 30/4/1985. Ông là nhà báo cách mạng đầu tiên được đặt tên đường phố tại Việt Nam.
Phóng viên ảnh Bùi Đình Túy sinh ngày 12/2/1914 tại tỉnh Quảng Bình, hy sinh ngày 21/9/1967 tại Trảng Dầu, tỉnh Bình Long (cũ), sau này là tỉnh Sông Bé, còn nay là nơi giao thoa giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương.
Năm 1967, Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua dũng sĩ toàn miền Nam lần thứ hai được tổ chức ở miền Đông Nam bộ, ông tình nguyện xin đi. Sự kiện có sự tham gia của nhiều cây bút nổi tiếng như Lê Anh Xuân, Thép Mới, Giang Nam…
Trong Đại hội, ông đã có dịp được tiếp xúc với nhiều anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam, chiến sĩ thi đua và những dũng sĩ diệt Mỹ. Ông đã ghi lại hàng trăm bức hình với cả tấm lòng thương yêu và kính phục trước những con người rất đỗi thông minh, dũng cảm nhưng vô cùng bình dị này. Ông đã phản ảnh đầy đủ những diễn biến của Đại hội, đặc biệt là hình ảnh Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ, gặp thân mật những anh hùng tiêu biểu của quân giải phóng miền Nam tại Đại hội.
Sáng ngày 21/9/1967, đại hội kết thúc, đến chiều, ông cùng đoàn nhà báo của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) rời Đại hội trở về đơn vị. Khi đi qua một cánh rừng thì bị bọn thám báo phát hiện, kêu máy bay từ Sài Gòn lên đánh phá. Đoàn quân bị oanh tạc bất ngờ ở giữa trảng trống, phải chạy vào bìa rừng ẩn nấp. Không may ông đã hy sinh tại đây, ở tuổi 53.
Ngoài nổi tiếng với nhiều bức ảnh lịch sử quan trọng, mang tính sử thi, ông còn ghi dấu ấn riêng khi có được nhiều bức ảnh ghi lại cảnh đẹp quê hương, con người và cả “đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Ngoài ra, ông còn chụp khá nhiều những khoảnh khắc bình yên, phong tục, bản sắc và con người bình dị. Chùm ảnh về Thác Bờ (tỉnh Hòa Bình), về Vịnh Hạ Long… của ông mới lạ, giàu tính nghệ thuật.
Học nhiếp ảnh và vẽ chuyên nghiệp
Từ năm 1935, Bùi Đình Túy đã ra Hà Nội học nhiếp ảnh và hội họa ở Trường Bách nghệ, nghề mà từ nhỏ ông đã đam mê, đã bộc lộ năng khiếu. Đây là một ngôi trường thực hành giỏi thời bấy giờ, nên dấu ấn chuyên nghiệp nhìn thấy rõ trong cuộc đời sáng tác, tác nghiệp của Bùi Đình Túy. Ảnh chụp của ông, ngoài tính thời sự cần thiết, luôn chỉn chu về bố cục, ánh sáng, nói chung khá đẹp. Ảnh báo chí, ảnh chiến trường mà chụp cho tự nhiên và đẹp, về lý thuyết nghe thì có vẻ dễ, nhưng thực tế thì rất khó khăn. Trong những bức ảnh còn lại của Bùi Đình Túy, chúng ta có thể thấy rõ cách nắm bắt khoảnh khắc của ông, rất ít khi can thiệp hoặc dàn dựng, ngay cả chụp các đồng đội giờ phút nghỉ ngơi giữa các trận đánh.
Sau một thời gian hoạt động bí mật, đến năm 1936, do tham gia nhóm sinh viên bãi khóa ủng hộ Mặt trận Dân chủ Đông Dương, ông bị đuổi học. Cuối năm 1936, ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống, làm thợ chụp hình tự do và thợ vẽ áp-phích bán thời gian cho rạp chiếu phim Indochine Cinema. Chính nhờ có nghề ảnh và nghề vẽ bài bản mà ông tạo được vỏ bọc để hơn 15 năm tự lực cánh sinh, để giúp đỡ đồng đội, để hoạt động tại Sài Gòn và các vùng lân cận.
Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc, làm phóng viên ảnh tại Thông tấn xã Việt Nam, được theo Bác Hồ sang Ấn Độ tác nghiệp năm 1956. Năm 1961, ông được cơ quan cử sang Đức học về nhiếp ảnh màu và các máy ảnh đời mới. Chính sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp này mà Thông tấn xã Việt Nam luôn có được nhiều phóng viên xuất sắc, tiền phong trong các lĩnh vực chuyên môn. Bùi Đình Túy là một trong những phóng viên ảnh màu đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, với nhiều ảnh ấn tượng cả về nội dung truyền tải, tính hiện đại và cả nghệ thuật kể chuyện.
Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau đó, ông lại nhận nhiệm vụ vượt Trường Sơn trở về miền Đông Nam bộ. Trước khi đi, Bùi Đình Túy đã trao lại cho cơ quan toàn bộ nhà cửa, bàn tủ mà ông được phân trước đó, chỉ xách chiếc va li nhỏ lên đường. Ông đến công tác tại TTXGP (1965) và được bổ nhiệm là Phó Giám đốc trực tiếp phụ trách nhiếp ảnh. Tại đây, ông đã có công xây dựng và đào tạo đội ngũ nhiếp ảnh giải phóng. Những phóng viên ảnh do ông đào tạo và dìu dắt sau này đã trở thành những phóng viên nhiếp ảnh nổi tiếng như: Lê Chí Hải, Mai Tấn Đạt, Nguyễn Hữu Hiền, Nguyễn Đặng, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Toàn Phong, Phạm Văn Thính, Nguyễn Thiều...
Trong mắt đồng nghiệp, Bùi Đình Túy là người nhiệt huyết, nên thường có mặt ở các điểm nóng của chiến trường. Những bức ảnh lịch sử về Trường Sơn, Sài Gòn, Chợ Lớn, miền Đông Nam bộ… với góc máy sinh động, dũng cảm, cho thấy sự xông pha của ông. Báo giới đã nhiều lần sử dụng lại các ảnh mà ông đã chụp những cuộc đấu tranh - cướp chính quyền tại Nam bộ, cuộc đấu tranh của hàng ngàn công nhân cao su Phú Riềng với người Pháp…
Một tấm gương báo chí
Cũng như nhiều nhà báo chân chính khác, Bùi Đình Túy luôn gìn giữ các nguyên tắc khoa học và trung thực của báo chí. Ông luôn giữ được sự trung lập nhất định với hoàn cảnh, cuốn vào sự kiện nhưng ít bị lệ thuộc, chi phối, nên ảnh của ông giàu dữ kiện, sau nhiều năm tháng, xem lại vẫn có nhiều giá trị biểu cảm và biểu ý. Hơn nữa, như đã nói ở trên, ông luôn nỗ lực chụp cho được những bức ảnh có nghề, giàu tính nghệ thuật.
Chính những tấm gương như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Bùi Đình Túy và rất nhiều, rất nhiều người khác nữa đã trở thành niềm cảm hứng chung cho nhiều người trẻ tham gia cách mạng, đóng góp quên thân mình và sẵn sàng hy sinh. Tại sao vậy? Vì những tấm gương vừa kể, nói như ngôn ngữ bây giờ, là “bản thân có điều kiện” theo nhiều nghĩa, nếu chọn việc nhẹ nhàng, sống ung dung ở các thành phố, đâu có khó.
Thập niên 1960, đất nước chiến tranh, đa số người trẻ ở các tỉnh và vùng quê có điều kiện rất giới hạn, ngay cả với việc tiếp xúc với tri thức, giáo dục. Nhiều phóng viên thời kỳ đầu của Thông tấn xã Giải phóng cho biết họ đã học hỏi được nhiều điều từ chính những đồng nghiệp có nghề như Bùi Đình Túy.
Trong gần 250 phần mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Cảnh Dương, tỉnh Quảng Bình, có một ngôi mộ gió của liệt sĩ Bùi Đình Túy, vì mộ thật của ông bị thất lạc ở chiến trường tỉnh Sông Bé, tìm nhiều lần chưa có kết quả.
Trong tương lai không xa, nếu công tác tư liệu được kết tập và phục hồi đầy đủ hơn, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến các cuộc triển lãm ảnh của Bùi Đình Túy. Ngoài một triển lãm dành riêng cho những bức ảnh đã đi vào lịch sử và báo chí, vẫn có thể làm một triển lãm ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Nếu có cơ duyên tìm được những áp-phích, những bức tranh mà Bùi Đình Túy đã vẽ, có lẽ diện mạo, tầm vóc của ông sẽ còn lý thú, đặc biệt hơn nữa.
Nhiều ảnh thời sự đạt tới nghệ thuật Một số bức ảnh của Bùi Đình Túy được nhiều báo sử dụng như Đánh chiếm xe bọc thép của Pháp ở Sài Gòn (năm 1950), Máy bay Pháp bị lực lượng kháng chiến bắn rơi ngay trên đường phố Sài Gòn (tháng 3/1950), Bác Hồ gắn huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn (năm 1958), Bác Hồ trên lễ đài quảng trường Ba Ðình ngày Quốc khánh 2/9/1959... Trong giai đoạn làm việc tại Thông tấn xã Giải phóng, ông nổi tiếng với các bức ảnh như Lớp học văn hóa ở chiến khu, Gặt lúa trong vùng giải phóng, Xe thồ chuyển lương thực-vũ khí, Bữa cơm trên đường hành quân… Trong một bài viết, nhà báo Nguyễn Huy Hoàng nhận định: “Tư liệu ảnh do Đinh Thúy (bút danh của Bùi Đình Túy - PV) chụp từ 1954 đến 1956 ở miền Bắc cho thấy hoạt động phóng viên của anh rất phong phú, nhiều ảnh thời sự của anh đạt tới nghệ thuật. Anh nổi tiếng là người nắm vững kỹ thuật nhiếp ảnh, cả kỹ thuật thu hình và kỹ thuật hiện hình. Anh thận trọng khi bấm máy, bấm kiểu nào ăn chắc kiểu ấy, không có ảnh quá sáng hoặc thiếu sáng, bố cục trong mọi bức ảnh của anh hoàn chỉnh đến mức không cần cắt cảnh lại trên mâm phóng. Đinh Túy là một trong những phóng viên có trình độ kỹ thuật và nghệ thuật cao nhất lúc bấy giờ”. |
Hiền Hòa