Bức xúc mang tên 'tiền bản quyền âm nhạc'
(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi Trung tâm bảo về quyền tác giả Việt Nam (VCPMC) ra đời cách đây hơn 10 năm, việc thực hiện nghiêm túc pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã và đang diễn ra với nhiều khó khăn ở cả hai phía: người đóng và người thu.
- VIDEO: Tạm dừng việc 'đếm đầu tivi' thu phí tác quyền âm nhạc
- Dừng thu tác quyền âm nhạc trong phòng nghỉ khách sạn
- Tác quyền âm nhạc: Nhiều thách thức hơn cả việc đòi nợ thông thường
1. Với người đi đóng tiền là các cơ sở kinh doanh âm nhạc như nhà hàng, khách sạn, quán karaoke cho đến các công ty tổ chức biểu diễn, các nhà hát nghệ thuật, không phải đơn vị nào cũng nắm được luật để tự nguyện tham gia.
Như đại diện một quán cafe ở khu vực Cầu Giấy, khi nhận được thông báo mời đến VCPMC đóng tiền, họ cho biết: lâu nay tôi cũng nghe nói đến bản quyền âm nhạc nhưng không biết quán cafe bật nhạc cũng phải xin phép? Xin phép và sử dụng âm nhạc trong quán thì tiền bản quyền là bao nhiêu?
Một đơn vị khác, quán cafe Carambola (Hà Nội), khi nhận được giấy thông báo đóng tiền cũng cảm thấy rất bất ngờ và thắc mắc khi không nhận được giấy tờ ủy quyền của các tác giả bài hát cho VCPMC được thu đi kèm.
Trong khi đó, với một số đơn vị tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc tại khu vực phía Bắc, việc thực hiện cũng không có “đầu – cuối” dù họ khá hiểu luật.
Như Công ty CP Truyền thông Max (Media Max) – một trong những đơn vị tổ chức biểu diễn khá nhiều chương trình âm nhạc hàng năm - cho hay: những năm trước, việc này được thực hiện một cách nghiêm túc và thiện chí. Tuy nhiên, trước một số thắc mắc không được giải đáp, một số ý kiến trao đổi không được phản hồi và trên hết là các thỏa thuận giữa hai bên không đạt được kết quả chung, việc đóng tiền thời gian gần đây đã “đình trệ”.
Trong đó, có những lý do từ phía người đóng đưa ra như: mỗi địa điểm lại thu ở mỗi đơn vị tổ chức với mức tiền khác nhau; tiền tác quyền của mỗi tác phẩm đối với từng đơn vị biểu diễn được thu không giống nhau; mỗi năm lại nâng giá thu mà không có lý do; không công khai các tác phẩm, tác giả với mức thu cụ thể từng tác phẩm ...
2. Theo ông Tạ Đình Công, Giám đốc điều hành Media Max, thu phí tác quyền là hoàn toàn đúng đắn, những đơn vị làm việc nghiêm túc luôn muốn đàng hoàng trong việc này. Nhưng cách thu không nhất quán, minh bạch và rõ ràng thì không thuyết phục.
Như, ông Công phân tích, quy định " mức nhuận bút tính theo doanh thu buổi diễn, khi tổ chức trong rạp, nhà hát là 5% x 70% (số lượng ghế x bình quân giá vé); tụ điểm ca nhạc – sân khấu ngoài trời là 5% (60% số lượng ghế x bình quân giá vé)" ở thời điểm hiện tại là không còn phù hợp với thực tiễn trong hoạt động tổ chức biểu diễn.
Bởi, trước đây, ở một số nhà hát, việc bán được bao nhiêu vé đều do nhà nước quản lý. Nhưng hiện nay, các nhà hát cũng đã cổ phần hóa. Rồi trước đây, tổ chức một chương trình, nhà nước đầu tư gần hết các khâu nên phần nội dung chiếm không đáng kể.
“Nếu một chương trình phải đầu tư đến tiền tỉ, chỉ dùng vài ca khúc mà phải đóng tác quyền vài trăm triệu thì có thỏa đáng không? Ai còn dám đứng ra tổ chức nữa?"– ông Công chia sẻ - "Mà đây là một thực tế đã từng xảy ra với một chương trình của một ca sĩ nổi tiếng mà tôi từng biết”
Một vấn đề khác được các nhà tổ chức chương trình tiếp tục đặt ra: tại sao ở mỗi điểm tổ chức biểu diễn lại có mức thu khác nhau trong khi nhạc sĩ chỉ “định giá” một lần cho tác phẩm của mình?
“Có thể phân biệt giữa đơn vị tổ chức biểu diễn tư nhân với đơn vị nhà nước song cũng vẫn phải có một mức tiền chung ở từng loại đơn vị để không ai phải “nhìn ngó” nhau, xem ai đóng nhiều hơn hoặc ít hơn và bất bình dẫn đến không đóng.
“Tôi rất muốn được làm rõ vấn đề này để làm sao để các nhạc sĩ được hưởng xứng đáng với lao động trí tuệ của mình và cũng làm sao để toàn xã hội sẵn sàng chi trả tiền tác quyền khi biết rằng tiền đó được chi trả đến đúng địa chỉ một cách minh bạch, công bằng.” – ông Công phản ánh.
3.Trong khi đó, một nghệ sĩ đồng thời là “bầu sô” có tiếng, hoạt động trong lĩnh vực tổ chức nghệ thuật 27 năm qua (xin được giấu tên) cũng yêu cầu cần phải có mức tiền bản quyền quy chuẩn cũng như công khai các tác phẩm trước công chúng.
“ Là đơn vị doanh nghiệp, chúng tôi đã phải đóng 28% thuế lợi nhuận rồi nên tác quyền mà còn thu nhuận bút tính theo doanh thu thì có là bao nhiêu phần trăm cũng không hợp lý." – Bầu sô này thắc mắc. "Chưa có một đơn vị tư nhân nào trong lĩnh vực tổ chức biểu diễn hoạt động mà giàu được. Còn các đơn vị nhà hát, nếu không thuộc nhà nước, không có “nguồn vú mẹ”, thì thử hỏi, có tồn tại được không ?”.
Cũng theo đại diện này, trước hết, công khai các tác phẩm được quyền thu, của các tác giả Việt Nam là điều cần thiết. Bởi, hiện nay, có tình trạng các nhạc sĩ trẻ bán các tác phẩm của mình độc quyền cho ca sĩ hay một đơn vị nào đó nhưng trong danh sách truy thu của trung tâm vẫn thấy có.
"Cần phải minh bạch giữa những gì trung tâm được thu hay không được thu và công khai giữa các bên liên quan” – vị này đề nghị.
Cũng với nguyện vọng ấy, một đơn vị tổ chức nghệ thuật tại Hà Nội cũng cho hay: Cần phải công khai những tác phẩm nào được thu, tác phẩm nào không. Vì đôi khi các tác giả không uỷ quyền cho trung tâm, nhưng đơn vị lại không biết và từ đó đơn vị tổ chức bị các tác giả ý kiến về việc không xin phép? Các đơn vị tổ chức luôn ở trong tình trạng bị động.
Ngoài những bất cập trên, các “bầu sô” còn phản ánh tình trạng gặp khó khăn trong khi đóng tác quyền bởi các thủ tục phức tạp, khu vực miền Nam gặp nhiều khó khăn hơn cả ở Hà Nội. Hoặc, quy định" cấp phép biểu diễn trước, đóng tác quyền sau" hay ngược lại, cũng không có sự thống nhất ở các nơi và là một trong những điều gây khó dễ cho nhà tổ chức.
Bài 2: Lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc nói gì?
Cần công khai mức nhuận bút từng tác phẩm Theo tôi, mỗi nghệ sĩ, đều có một “định giá” cho những đứa con tinh thần của mình. Như nhạc sĩ Phú Quang đưa ra mức 1 triệu cho 1 bài hát của ông khi được biểu diễn, 300 ngàn đồng là trả cho tác giả thơ. Vậy làm sao có thể thu gộp theo kiểu khoán cho cả một chương trình và chia bình quân cho các nhạc sĩ được? Như vậy sẽ không công bằng và “bóp chết” sáng tạo. (ông Tạ Đình Công, giám đốc điều hành Media Max.) |
Khi nhà nước đã đưa ra quy định về mức thù lao biểu diễn của các NSND, NSƯT là 300 000-500 000 đồng/ buổi thì không thể nào lại thu tiền tác quyền tác phẩm đó vượt quá mức này. (Một bầu sô cho biết.) |
Khuê Anh
Thể thao & Văn hóa