Bức tranh ‘Salvator Mundi’ của Leonardo da Vinci thực sự không đáng giá 450 triệu USD
(Thethaovanhoa.vn) - Bức tranh Salvator Mundi của Leonardo da Vinci, đã đạt giá kỷ lục mọi thời sau khi được mua với giá 450 triệu USD tại cuộc đấu giá của hãng Christie’s hôm 16/11. Tuy nhiên, một số nhà phê bình nghệ thuật cho rằng bức tranh này không đáng giá như vậy và nhiều khả năng đây không phải là tác phẩm của danh họa Phục hưng này.
- Bức tranh ‘Salvator Mundi’ của Leonardo da Vinci lập giá kỷ lục 450 triệu USD
- Bí ẩn quả cầu trong tay Chúa ở bức tranh 100 triệu USD của Leonardo da Vinci
- Leonardo Da Vinci: "Hiện diện" trong "Bữa tiệc ly"?
Salvator Mundi từng được bán với giá chỉ 60 USD tại một cuộc đấu giá bởi các chuyên gia cho rằng đây là một trong những tác phẩm của học trò danh họa. Giờ nhà phê bình nghệ thuật Jerry Saltz của tạp chí New York và một số người khác cũng thể hiện nghi ngờ về tính xác thực của bức tranh.
“Bức tranh này hoàn toàn chết. Bề mặt tranh rất trơ, trông nhợt nhạt và bị vẽ lại nhiều lần đến nỗi trông nó vừa cũ vừa mới” - Jerry Saltz viết trên tạp chí New York trong khi thừa nhận ông không phải là một sử gia nghệ thuật hay chuyên gia về các họa sĩ bậc thầy.
Theo Saltz, bức tranh bị vẽ lại nhiều lần đến mức khiến khó xác định được tác giả của nó là ai.
“Nó không chỉ trông như phiên bản bức tranh bị thất lạc của Da Vinci, mà các công nghệ tia X còn cho thấy bức tranh có nhiều vết xước, vết nám, tróc màu... Nhiều chỗ bị vẽ lại và chỉnh sửa khiến cho nó trông giống một bản copy hơn là bản gốc” – Saltz viết.
Nhà phê bình nghệ thuật này nêu rõ rằng hiện chỉ còn khoảng 15-20 bức tranh của Da Vinci còn tồn tại trên thế giới, song không có tác phẩm nào mô tả trực diện như vậy.
“Không có bất cứ bức tranh nào trong các tác phẩm còn tồn tại của Da Vinci lại mô tả người trực diện như Salvator Mundi. Cũng không có bức tranh nào mô tả một mình Chúa Jesus. Tất cả các bức tranh, thậm chí vẽ chân dung, cũng mô tả các nhân vật trong các tư thế phức tạp hơn” - Saltz nhận định.
Tuy nhiên, Philip Hook, chuyên gia quốc tế về nghệ thuật ấn tượng và hiện đại tại hãng Sotheby's, khẳng định dù trong tranh có nhiều chỗ bị vẽ lại song các đường nét vẫn cho thấy rõ là của Da Vinci.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật cũng cho rằng dù tác phẩm bị vẽ lại nhiều lần song hình gốc vẫn là của Da Vinci. Đây cũng là quan điểm của một số chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật.
Salvator Mundi là bức tranh sơn dầu được vẽ trên gỗ, mô tả Chúa Jesus mặc áo choàng mang phong cách thời Phục hưng, tay phải Ngài giơ lên ban phước lành và tay trái cầm một quả cầu pha lê.
Bức tranh này được Da Vinci vẽ vào năm 1506 theo sự ủy quyền của Vua Pháp Louis XII. Sau đó nó thuộc quyền sở hữu của Vua Anh Charles I và sau khi ông bị hành hình, Salvator Mundi thuộc về Charles II và nó vẫn ở London trong 400 năm.
Sau này, Salvator Mundi nằm trong bộ sưu tập của Sir Francis Cook và năm 1958 nó được hãng Sotheby’s đấu giá nhưng chỉ được mua với giá 60 USD do thời đó nó vẫn bị coi là tác phẩm của Giovanni Boltraffio, một học trò của Da Vinci.
Năm 2004, Phòng trưng bày Nghệ thuật Robert Simon ở New York cùng một nhóm nhà buôn nghệ thuật đã mua bức tranh với giá 10.000 USD.
Simon và các đối tác của ông đã tham khảo ý kiến của một nhóm chuyên gia để thẩm định bức tranh. Lúc đó, bức tranh đã bị vẽ lại nhiều, trông rất tối tăm và ảm đạm sau nhiều năm bị bỏ mặc.
Sau khi được làm sạch, các chuyên gia cùng cho rằng đây không phải là tác phẩm của học trò Da Vinci mà của chính danh họa. Năm 2011, bức tranh được trưng bày trước công chúng tại Phòng Trưng bày Quốc gia ở London.
Năm 2013, nhà buôn nghệ thuật Yves Bouvier ở Paris đã mua tác phẩm này tại cuộc đấu giá của Sotheby's với giá 77 triệu USD.
Nhà buôn này đã đại diện cho tỷ phú Nga Dmitry Rybolovlev để mua bức tranh, nhưng sau đó ông đã bị Rybolovlev cáo buộc lừa đảo 1 tỷ USD bằng việc đánh giá sai lệch giá của 38 tác phẩm nghệ thuật, trong đó có cả bức tranh Salvator Mundi mua với giá 127 triệu USD.
Sau cuộc đấu giá của hãng Christie’s hôm 15/11, Salvator Mundi đã trở thành bức tranh đắt giá nhất mọi thời.
Tuấn Vĩ
Theo Daily Mail