Bữa cơm ngày cuối năm và tuyên bố bất ngờ của nàng dâu: Đôi khi phụ nữ khổ là do không dám tự quyết
Đã kêu gọi sự bình đẳng giữa đàn ông với phụ nữ thì đừng khoác lên vai người vợ, người con dâu những áp lực vô hình.
Cận Tết, mọi người đều tất bật với công việc, sắm sửa. Phụ nữ đặc biệt là những chị em đã có gia đình nhỏ càng bận rộn hơn vì họ còn phải gánh trọng trách làm vợ, làm dâu, thậm chí là dâu trưởng. Thế nên mỗi dịp thế này phụ nữ lại chất chứa biết bao tâm sự khó giãi bày.
Nỗi khổ của những cô vợ hiện đại, giỏi kiếm tiền vẫn không được công nhận
Thanh Xuân (đã kết hôn 7 năm ở Hà Nội) chia sẻ: “Mình ở xa nên luôn cố gắng chu đáo với nhà chồng hết mức có thể. Tết lúc nào mình cũng biếu bà tiền, mua sắm dần dần từ rằm nhưng bà cũng không ưng ý lắm. Bố mẹ chồng mình không phải người khó tính, rất thương con chiều cháu nhưng trong lối suy nghĩ vẫn bị chút cổ hủ, gia trưởng. Có lần nghe mẹ chồng nói chuyện với hàng xóm mình mới biết ông bà không được vui khi biết thu nhập của con dâu gấp đôi con trai mình. Con dâu có kiếm tiền giỏi giang đến mấy cũng không mang đi mà khoe được. Nên cứ lễ Tết về ở lâu là áp lực lắm”.
Có lẽ đây là nỗi lòng của rất nhiều phụ nữ hiện đại mà người ta hay gọi chung lại là “mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”.
Thanh Loan (Hà Nội) cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau khi cưới, cô có 2 năm ở nhà nội trợ. Đến lúc con cái cứng cáp đi làm trở lại Loan chẳng khác nào cá vượt vũ môn, mọi thứ thuận lợi, công việc thăng tiến. Từ ngày lên chức, việc trong nhà gần như mình chồng cô làm chứ họ cũng không thuê giúp việc.
Hài hước nhất là mỗi lần về quê, cô cứ phải check mail, xử lý công việc liên tục còn chồng thì tất bật gà qué, cỗ bàn. Lúc đầu họ cũng nói dối bố mẹ chồng, phân vai rõ ràng như trật tự 1 gia đình truyền thống trong mắt các cụ. Nhưng rồi đủ việc phát sinh cũng chẳng giấu được mãi. Bố chồng yêu cầu con trai phải thuê ô sin chứ không có gia đình nào mà chồng làm hết mọi việc nhà thay vợ cả. Trong mắt ông “đàn ông phải làm việc lớn, rảnh rỗi giúp vợ được cái gì thì giúp thôi”.
Vậy là các cuộc tranh luận liên tục nổ ra, căng thẳng có mềm mỏng có nhưng cũng chẳng đâu vào với đâu. Cho đến hôm vừa rồi nhà chồng cô ấy làm cơm cúng ông Công mời họ hàng.
Mẹ chồng nói bóng gió: “Dâu nhà người ta thì tay 5 tay 10, dâu nhà này năm nào cũng 28 Tết mới vác mặt về, gà không biết làm, xôi không biết thổi. Được năm nay tiến bộ về cúng ông Công với mẹ, chưa kịp mừng thì thấy con dâu đặt hết cỗ bên ngoài. Cứ nghĩ kiếm được nhiều tiền là giỏi lắm đấy. Đàn bà mà không chu toàn gia đình chồng con thì chán lắm”.
Cô khóc trong nước mắt vì không biết giải thích thế nào cho nhà chồng hiểu. Từ bao giờ mà phụ nữ lăn lộn làm trụ cột kinh tế nhưng vẫn không được nhà chồng công nhận?
Chồng cô ấy trước khi kết hôn đúng kiểu con cưng của mẹ, việc nhà chẳng bao giờ động tay. Đến khi mua được căn nhà cho riêng mình, anh ta mới bắt đầu tập làm việc nhà, tự chăm sóc bản thân và hơn nữa vẫn còn lửa nhiệt huyết khi mới bước vào hôn nhân.
Ngay từ khi chuẩn bị cho đám cưới cô đã "hợp đồng" rõ ràng với chồng, thành thục "khóa huấn luyện" biết làm tất cả việc nhà thì mới cưới.
Giai đoạn đầu khi chưa có con, ai làm việc nấy và đảm bảo chất lượng công việc chứ không phải làm cho có lệ. Dù có cảm thấy mệt mỏi, cô ấy vẫn gắng tự nấu bữa tối chứ không mua thức ăn ngoài. Dù có bận rộn đi đâu thì bát đũa sau bữa ăn luôn là anh rửa. Riêng chủ nhật được nghỉ họ sẽ cùng nhau dọn dẹp mọi thứ.
Nhưng sau khi có con, cuộc sống 2 vợ chồng bị đảo lộn bởi giờ giấc sinh hoạt của bé, anh ấy chủ động làm phần nhiều. Thấy chồng vất vả cô cố gắng bữa cơm nào cũng tươm tất, đủ món anh thích. Còn chồng cô làm thêm cả những việc nhà mà trước đây quy định dành cho vợ. Đó mới là sự chia sẻ đúng nghĩa. Bởi khi yêu thật sự, tự nhiên người ta sẽ trở nên tinh tế, luôn hiểu đối phương cần gì và muốn gì.
Song có 1 điều là mỗi lần bố mẹ lên chơi hay về quê, cô vẫn cố diễn tròn vai người vợ truyền thống. Bởi họ chưa đủ dũng cảm để vượt qua định kiến của thế hệ trước.
Tuyên bố bất ngờ của nàng dâu trong bữa cơm cuối năm và sự thấu hiểu của mẹ chồng
Cho đến mấy ngày nghỉ lễ gần đây, Loan không muốn giấu giếm nữa vì có quá nhiều công việc phát sinh. Vậy là tối hôm ấy, cô ăn vội bát cơm xong lên phòng làm việc còn chồng thì rửa bát ngoài sân.
Mẹ chồng cô không thể tin nổi những thứ mắt thấy tai nghe, bà gọi cả nhà lên họp gia đình. Giữa không khí căng thẳng cô tuyên bố: “Chồng con không giúp đỡ gì con cả, anh ấy chỉ đang làm đúng trách nhiệm của mình trong gia đình thôi”. Còn chồng cô cũng cúi mặt thẳng thắn: “Hiện tại vợ con mới là trụ cột kinh tế”.
Để tránh cho mọi người hiểu lầm cô cậy làm ra tiền mà coi thường chồng, cô giải thích: “Chúng con không quan niệm đàn bà phải làm cái này, đàn ông phải làm thế kia, chúng con bổ trợ cùng nhau nỗ lực từ việc to đến việc nhỏ. Anh ấy rửa bát cũng như lúc con sửa điện thôi ạ”.
Nói xong cô nhẹ cả lòng và cũng xác định bị thêm vài điểm trừ nữa. Nhưng không ngờ sáng hôm sau mẹ chồng cô thay đổi hẳn thái độ, còn tấm tắc: “Ngày xưa nó ở nhà chẳng biết làm gì mà mẹ không ngờ lấy con xong nó chịu khó vậy”.
Phụ nữ đôi khi mạnh mẽ, tư duy độc lập nhưng lại không nhất thống sự mạnh mẽ ấy đến cùng. Thay đổi suy nghĩ, thế giới quan của các bậc cha mẹ không phải là điều dễ dàng thế nên cần có 1 khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình chồng hiểu những điều bạn đang làm.
Đã kêu gọi sự bình đẳng giữa đàn ông với phụ nữ thì đừng khoác lên vai người vợ, người con dâu những áp lực vô hình.
Nhất là mỗi dịp Tết đến, phụ nữ luôn bộn bề bếp núc, dọn dẹp, cúng lễ rồi than thở chồng mình chỉ biết uống và uống. Đến mỗi nhà 1 câu chúc, vài chén rượu rồi nay ăn Tất niên chỗ này, mai ăn đầu xuân chỗ khác. Các anh coi đó là ngoại giao, là sự vất vả, là cả năm mới có 1 ngày nhưng các anh không hề ý thức được những ngày được coi là nghỉ Tết đó nhưng vợ các anh chưa 1 phút ngơi nghỉ.
Không có quy chuẩn nào bắt phụ nữ phải vẹn toàn đối nội đối ngoại việc nhà việc gia đình. Chúng ta đang cố gắng và nỗ lực cùng nhau chứ mỗi công việc không phải trách nhiệm của riêng ai.
Chẳng biết từ bao giờ mà người ta quan niệm đàn ông biết làm việc nhà là "đàn ông quý hiếm" được ngợi ca, được tung hô. Nên khi có ai đó hỏi "chồng đã giúp đỡ bạn việc nhà thế nào” hãy mỉm cười và đáp: “Tôi không cần sự giúp đỡ, anh ấy chỉ đang làm tốt việc của mình mà thôi. Còn nếu xét về vấn đề sức khỏe, ai khỏe hơn người đấy hãy làm việc nhà nhiều hơn!”.