Bóng lăn trong tuần: Tính liên tục của bóng đá
Chỉ mới qua 2 lượt trận trở lại kể từ sau các trận đấu cuối cùng gần nhất tại Vòng loại FIFA World Cup 2026, hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lại tiếp tục "ngủ đông" thêm một tháng nữa, nhường sân cho U23 Việt Nam chinh chiến VCK U23 châu Á trên đất Qatar.
Thực ra, kế hoạch này đã có từ trước khi phân lịch thi đấu mùa giải 2023/2024, khi chúng ta đã chắc suất dự VCK U23 châu Á 2024. Nhưng, nó vẫn khiến người trong cuộc cảm thấy không thỏa đáng, vì cơ bản, việc nghỉ ngắt quãng quá nhiều sẽ khiến hệ thống giải bị tê liệt.
Nó dẫn tới sự lãng phí tài chính của CLB, và quan trọng hơn, vì không duy trì được tính liên tục, các đội bóng rất khó tính toán và kiểm soát được điểm rơi phong độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tham vọng của cả mùa giải. Quả là không đâu trên thế giới lại có cách phân lịch thiếu khoa học như vậy. Song tại sao nó cứ diễn ra?!
Thứ nhất, khi họp BTC giải và đại diện các CLB, thường cán bộ đi họp là người không nắm về chuyên môn, nói thẳng là toàn "nghị gật". Đến khi tá hỏa ra thì mới "ối trời ôi". Sau khi xem xét lại, thì mới nhất, đại diện của 13/14 CLB ở V-League đồng loạt biểu quyết ý kiến lùi thời điểm khai mạc mùa giải 2024/2025 vào tháng 9 năm nay (thay vì tháng 8 như dự kiến), để có thời gian chuẩn bị chuyên môn, lực lượng tốt hơn.
Thứ 2, bao năm qua người ta hầu như chỉ vun vén cho các ĐTQG, tức là phần ngọn và đầu ra của nền bóng đá, thay vì cơ thể, phần thân và phần gốc như các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, hệ thống giải trẻ QG và đào tạo trẻ. Một suy nghĩ duy ý chí, đấy là thành bại của các ĐTQG sẽ quyết định tất cả. Và đó là lý do, bóng đá Việt Nam mấy chục năm qua, cứ tít mù rồi lại vòng quanh là thế.
Chúng ta sẽ không thể có một ĐTQG mạnh, nếu cơ thể và nền móng yếu. Giai đoạn 2018-2022, vắt qua các đợt dịch Covid-19 kéo dài, hệ thống thi đấu giải quốc gia gần như tê liệt và mọi nguồn lực khi ấy đều dành cho các ĐTQG. Đó là một phần lý do, đồng thời cũng có thể nói là may mắn, để HLV Park Hang Seo có được thành công vang dội, bên cạnh thừa hưởng lứa cầu thủ tài năng và thuần nhất lịch sử nền bóng đá. Phúc từ họa mà ra là nghĩa như vậy.
Thời thế thay đổi và đòi hỏi nền bóng đá phải có những chuyển mình, ứng biến cho hợp thời. Không thể bắt cả nền bóng đá và hệ thống các giải đấu ngồi chơi xơi nước để chờ trên dưới 20 cầu thủ trẻ cho được. Việc đó dành cho người hâm mộ và những người làm bóng đá.
Vài năm qua, hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam liên tục xảy ra tình trạng phải thi đấu dồn toa. Ví như trong tháng 5 tới đây, có đến 5-6 lượt trận trong vòng 20 ngày. Tức là bất kể ngày trong tuần hay cuối tuần, các CLB vẫn phải di chuyển liên tục, rồi ra sân liên tục, với mật độ 4 ngày/trận. Nguy cơ chấn thương là rất cao và đương nhiên, với các đội bóng chỉ có một lực lượng mỏng, khó có thể theo kịp.
Và, có một chi tiết nhà tổ chức thường không mấy bận tâm khi xếp lịch thi đấu, đấy là khán giả. Các trận bóng diễn ra vào các ngày trong tuần (thứ Ba đến thứ Sáu) thì đào đâu ra khán giả?! Hay là chúng ta không cần khán giả, không cần CĐV?!
Tất cả đều nhất trí rằng, bóng đá không thể đi tắt đón đầu, không thể đốt cháy giai đoạn; bóng đá là sự tích lũy, kế thừa, là tính liên tục được đảm bảo, cả về hệ thống lẫn mạch thi đấu. Để ngắt cái mạch ấy, vì bất cứ lý do gì, cũng là đi ngược với nhu cầu phát triển, nâng cấp nền bóng đá, nếu còn muốn hướng tới một nền bóng đá tự cường. Đó là điều chắc chắn!