Bóng lăn trong tuần: Nguồn lực mới của bóng đá Việt
Hôm qua (18/8), Liên đoàn bóng đá Indonesia đã nhận được sự chấp thuận của FIFA về việc sử dụng thủ môn nhập tịch người Hà Lan Maarten Paes tại các giải quốc tế.
Trước đó, Paes đã lấy được quốc tịch Indonesia từ ngày 30/4 vừa qua, nhưng phải đợi 4 tháng sau khi gửi hồ sơ lên FIFA, thủ môn từng có quãng thời gian phục vụ các đội trẻ Hà Lan, bao gồm đội U19, U20 và U21 Hà Lan, mới đủ điều kiện khoác ĐTQG Indonesia.
Sự xuất hiện của Paes sẽ khiến danh sách các cầu thủ có gốc gác nước ngoài của Indonesia thêm dài, và chắc chắn điều này đã có ảnh hưởng ít nhiều tới việc VFF mở rộng số lượng cầu thủ Việt kiều được đăng ký trong danh sách các CLB tham dự V-League 2024/25, từ 1 lên 2.
Trong xu thế toàn cầu hoá hiện nay, việc sử dụng các tài năng thể thao có nguồn gốc nước ngoài đã không còn là chuyện lạ, chẳng hạn như đội tuyển bóng chuyền nữ Italia đã vượt qua đội tuyển Mỹ trong trận chung kết môn bóng chuyền tại Olympic Paris 2024 với vai trò nổi bật của 2 cầu thủ da màu là Paola Egonu và Myriam Sylla, hay đội tuyển bóng bàn và cầu lông của Mỹ có sự hiện diện đông đảo của cả HLV cũng như VĐV gốc Trung Quốc.
Vì thế, việc bóng đá Đông Nam Á tích cực tìm kiếm và tạo cơ hội cho các cầu thủ ngoại kiều đã trở thành một lựa chọn mang tính xu hướng, nhất là sau khi chứng kiến sự lột xác mạnh mẽ của đội tuyển Indonesia nhờ dàn cầu thủ ngoại kiều ở Asian Cup 2023 cũng như vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á vừa qua.
Trong dòng chảy ấy, bóng đá Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, và sau những gì mà các cầu thủ Việt kiều như Đặng Văn Lâm, Filip Nguyễn hay Patrik Lê Giang làm được, chúng ta có quyền hy vọng vào việc sẽ có thêm nhiều tài năng Việt kiều như thế nữa toả sáng ở V-League rồi được gọi vào đội tuyển Việt Nam để nâng cao chất lượng cạnh tranh cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường quốc tế.
Rõ ràng khi so với những ngoại binh nhập tịch không có bất cứ sự liên quan về huyết thống nào tới 2 chữ Việt Nam, các cầu thủ Việt kiều tạo ra cảm giác thân thiết gần gũi hơn nhiều, và trên tất cả thì khả năng hoà nhập của họ với bóng đá Việt Nam cũng như cuộc sống tại Việt Nam cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều so với những cầu thủ nước ngoài thuần tuý.
Việc được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài cũng là một thuận lợi khác của các cầu thủ Việt kiều, bởi họ có được cơ hội tốt hơn để phát triển thể chất, thể lực và cả năng lực chuyên môn, đặc biệt là với những cầu thủ đến từ châu Âu như Filip Nguyễn hay Patrik Lê Giang.
Chỉ với Filip Nguyễn và Đặng Văn Lâm thì HLV Kim Sang Sik đã không phải lo lắng quá nhiều về vị trí người trấn giữ khung thành đội tuyển Việt Nam, vậy hãy tưởng tượng ông thầy người Hàn Quốc sẽ vui mừng thế nào nếu có thêm Patrik Lê Giang, rồi cặp trung vệ có chiều cao gần 1m90 là Kyle Colonna-Zan Nguyễn, và hàng thủ chào đón hậu vệ trái Jason Quang Vinh?
Chắc chắn danh sách các cầu thủ Việt kiều tìm về Việt Nam chơi bóng sẽ không dừng lại ở những cái tên này mà sẽ còn tăng lên trong thời gian sắp tới, nhất là bởi đây mới là mùa giải đầu tiên mà VFF áp dụng chính sách cho mỗi đội bóng đăng ký 2 cầu thủ Việt kiều trong danh sách chính thức.
Hy vọng rằng chỉ trong thời gian không dài nữa thì bóng đá Việt Nam sẽ có một lực lượng tăng viện đủ mạnh để nâng cao chất lượng của nền bóng đá ở cả cấp độ CLB cũng như đội tuyển quốc gia.