(Thethaovanhoa.vn) - Vụ Quế Ngọc Hải phạm lỗi với Trần Anh Khoa sẽ không gây nhức nhối nếu như tất cả các bên liên quan đều thật lòng với nhau, coi đó là “cái lý” của bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam để cùng nhau điều chỉnh vì bóng đá chuyên nghiệp nước nhà.
Không ai chấp nhận pha phi bóng mang tính triệt hạ của Quế Ngọc Hải. Hải xứng đáng bị “trừng trị”. Dù thế, sau sự cố, đã có những sự chia sẻ nhất định từ Ngọc Hải và gia đình Anh Khoa.
Khi “đương sự” cùng nạn nhân đã tìm được sự đồng cảm
Ngọc Hải biết mình sai, tới tận nhà Khoa tại Đà Nẵng để xin lỗi, dù có hơi muộn. Ngọc Hải còn bảo anh chẳng quan tâm đến án phạt mà VFF dành cho mình nặng nhẹ thế nào và sẽ chấp hành, chỉ mong đưa Anh Khoa đi chữa trị một cách tốt nhất để Anh Khoa sớm trở lại sân cỏ.
Lời nói ấy, khiến ông Trần Thanh (bố Anh Khoa) dù đang trong cơn nóng giận cũng phải nguôi lòng, chấp nhận tha thứ cho trung vệ của SLNA. Tất nhiên, Anh Khoa cũng phần nào nguôi giận.
Thời điểm ấy, Ngọc Hải sám hối, chấp nhận sự trừng phạt của luật mà Ban Kỷ luật đề ra. Chính điều đó khiến anh đỡ bị dư luận chỉ trích. Câu chuyện còn lại thuộc về ứng xử của “người lớn”.
Và, cái ứng xử của “người lớn”, gồm Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng là dền dứ, khiến cho phải mấy chục ngày tình trạng chấn thương của Anh Khoa diễn biến phức tạp, mong muốn được chữa trị ngay vẫn bị tắc lại. Điều đó khiến gia đình Anh Khoa đã quá sốt ruột, bởi theo nguyên tắc xử lý chấn thương trong thể thao thì công tác sơ cứu, điều trị ban đầu rất quan trọng.
Chuyến đi chữa trị nước ngoài, rồi viện phí, phía Đà Nẵng cũng không cho con số rõ ràng, úp úp mở mở!
Nếu Đà Nẵng “làm luật” với Ngọc Hải?
Không ai cổ vũ cho bóng đá bạo lực, nhất là hành vi vào bóng thô bạo của Ngọc Hải khiến Anh Khoa dính chấn thương nặng. Án phạt mà Ban Kỷ luật VFF đưa ra với Ngọc Hải cũng có mục tiêu tốt đẹp là “cho chừa” cái thói triệt hạ. Điều khoản bắt cầu thủ gây chấn thương với đồng nghiệp đền bù chẳng luật nào của FIFA quy định, luật dân sự Việt Nam cũng không có, chỉ có V-League trong bối cảnh bạo lực đang leo thang nên Ban Kỷ luật (VFF phải biết) “vẽ” ra luật này mà thôi.
Nhưng, có lẽ ông Nguyễn Hải Hường, cùng mấy luật sư của Ban Kỷ luật, đã không nhận ra kẽ hở là ở ta, việc tìm mấy cái hóa đơn, chứng từ kê khống tiền viện phí không phải là quá khó. Thậm chí, trong trường hợp Anh Khoa, liệu chi phí điều trị ở nước ngoài chỉ 5 nhưng phía Đà Nẵng tìm cách “đội lên” 10 thì sao, có lẽ chẳng khó khăn. Ví dụ chi phí Anh Khoa, từ điều trị 700 triệu lên 2 tỷ đồng, có khi là chuyện trong tầm tay, vậy Quế Ngọc Hải lấy đâu ra tiền để đền bù? Trong trường hợp này, Ban Kỷ luật đánh mất mục tiêu tốt đẹp là ngăn chặn bạo lực sân cỏ. Ở ta, đến cái giấy khám sức khỏe muốn hoàn hảo thì dễ như trở bàn tay, hóa đơn chi phí ở bệnh viện trong nước đơn giản, và cả ngoài nước, hợp thức hóa hóa đơn viện phí chắc chắn là làm được nếu quyết tâm.
Cái cách SHB Đà Nẵng có phần thiếu dứt khoát, thiếu rõ ràng trong chi phí điều trị của Anh Khoa trong thời gian qua, đã gióng hồi chuông cho Ban Kỷ luật rằng: phải tiên liệu được, những đôi chân cầu thủ bây giờ giá không chỉ vài chục, vài trăm triệu đồng, mà là tiền tỷ, để mà làm chủ được luật mà Ban Kỷ luật “đẻ ra”.
Gạt qua luật của Ban Kỷ luật và VFF, một bản án lương tâm đang tồn tại không chỉ ở Quế Ngọc Hải, Anh Khoa, SHB Đà Nẵng, Ban Kỷ luật và VFF. Đã là luật thì đừng để kẽ hở, hoặc chí ít phải hợp tình hợp lý.
Nếu chi phí điều trị Anh Khoa phía SHB Đà Nẵng bảo hết… 10 tỷ đồng, đưa ra hóa đơn, chứng từ chứng minh, Ban Kỷ luật sẽ có hướng giải quyết ra sao?
Đăng Khoa
Thể thao & Văn hóa