loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Đỗ Hùng Dũng vừa giành Quả bóng vàng Việt Nam 2019, phần thưởng xứng đáng cho những đóng góp và cống hiến to lớn của tiền vệ quê Gia Lâm cho cả CLB Hà Nội lẫn các đội tuyển của Việt Nam năm qua, đặc biệt là đóng góp của Hùng Dũng vào chức vô địch lịch sử của U22 Việt Nam ở SEA Games.
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng đã vượt qua nhiều cái tên sáng giá như Quang Hải, Văn Hậu, Trọng Hoàng, Văn Quyết để đăng quang danh hiệu cá nhân cao quý nhất, Quả bóng Vàng Việt Nam năm 2019.
Lên công về thủ không mệt mỏi, anh là chiến binh thầm lặng của tuyển Việt Nam nhờ khả năng hoạt động rộng, tích cực cản phá, hỗ trợ phòng ngự từ xa nhưng cũng sẵn sàng tham gia tấn công, tung những “cú đấm” từ xa khi thời cơ đến.
Vừa là chuyên gia đá phạt, vừa điều tiết nhịp độ thi đấu, vừa trở thành mũi tấn công thầm lặng của U22 Việt Nam ở SEA Games, Hùng Dũng chứng tỏ anh thực sự đáng giá “vàng mười” với những khoảnh khắc để lại dấu ấn cực kỳ đáng nhớ và quan trọng góp phần làm nên những chiến thắng mang tính then chốt cho đội bóng.
Như khi anh đá phạt góc chính xác từng milimet cho Thành Chung đánh đầu phá lưới Indonesia ở vòng bảng. Như khi anh đá phạt hoàn hảo cho Văn Hậu thực sự một quả đánh đầu khác phá lưới Indonesia ở chung kết. Như khi anh xuất hiện đúng lúc đúng chỗ dứt điểm tung lưới đối thủ này sau pha làm tường của Tiến Linh.
Ít nhưng chất, cực chất, Hùng Dũng biết cách tạo điểm nhấn cho chính mình với những khoảnh khắc “vàng” như thế. Bất cứ lúc nào hiện diện trên sân, dù trong vai trò nào, tiền vệ người Gia Lâm luôn chơi ổn định, ổn định từ thể lực tới phong độ.
Trong mấy mùa giải qua, anh luôn là cầu thủ chơi nhiều trận nhất cho CLB Hà Nội. Tính tới thời điểm này, Hùng Dũng đã chơi 97 trận cho đội bóng thủ đô trong mùa giải thứ 4 khoác áo đội bóng này. HLV Chu Đình Nghiêm ca ngợi Hùng Dũng là cầu thủ luôn chơi cần mẫn và có độ ổn định cực cao.
Thậm chí ông đánh giá Hùng Dũng là một trong những cầu thủ có phong độ ổn định nhất ở V-League và từng tỏ ra khó hiểu khi mãi Hùng Dũng không được gọi vào tuyển Việt Nam trong khi nhiều “đàn em” của anh đã “ăn cơm tuyển” từ lâu.
Ở CLB Hà Nội, người ta lan truyền câu chuyện về tính chuyên nghiệp và tinh thần khổ luyện đáng khâm phục của Hùng Dũng. Anh thường xuyên là người đi sớm, về muộn trong tập luyện. Ngay cả những buổi đồng đội nghỉ tập, anh vẫn xách giày ra sân, miệt mài rèn giũa các kỹ năng.
Không chỉ chịu khó tập luyện, Hùng Dũng còn có ý thức tăng cường thể lực bằng một chế độ dinh dưỡng tốt. Anh uống sữa thường xuyên, không quên bồi bổ thêm một số loại thực phẩm chức năng đi kèm với một chế độ ăn uống khoa học.
Nhờ ý thức tập luyện và tăng cường dinh dưỡng nên Hùng Dũng có nền tảng thể lực đáng nể và phong độ hầu như không trồi sụt thất thường.
Phong độ rất ổn định và dấu ấn lớn Hùng Dũng để lại khiến không ít người cho rằng anh có thể ra nước ngoài thi đấu. Đối với bóng đá Việt Nam, việc một cầu thủ ra nước ngoài thi đấu giống như một dạng "thước đo" về đẳng cấp và tầm vóc của cầu thủ ấy. Liệu với phong độ cao và thể lực sung mãn như hiện tại, Hùng Dũng đã có thể "xuất ngoại" hay chưa?
Câu trả lời là những gì mà Công Vinh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng đã trải qua, hay kể cả những gì Văn Hậu đang trải qua hiện tại ở những "miền đất hứa" cho thấy ra nước ngoài thi đấu không bao giờ là chuyện đơn giản với cầu thủ Việt Nam.
Vấn đề không chỉ dừng ở thể lực, ở những phẩm chất cá nhân cầu thủ sở hữu mà đó còn là câu chuyện về sự hòa nhập văn hóa, năng lực ngôn ngữ ở môi trường hoàn toàn mới lạ, là sự tương thích của cầu thủ với những đặc thù trong lối chơi của CLB mới và ở giải đấu mới mà anh ta góp mặt. Và có những chuyện chúng ta thấy vậy mà không phải vậy.
Thế nên, chúng ta có thể nói, kể cả khi có cơ hội "xuất ngoại" thì với Hùng Dũng, đó vẫn là lựa chọn đầy phiêu lưu mà xác suất thất bại lớn hơn thành công rất, rất nhiều.
Hùng Dũng có thể hình bình thường, nếu không muốn nói là rất bình thường chứ không hề cao lớn, vạm vỡ. Sức bền, sức mạnh, tốc độ của Hùng Dũng để chơi bóng ở tầm mức V-League thì rất tốt nhưng điều đó không có nghĩa nền tảng thể lực ấy chắc chắn cũng cho phép anh chơi tốt ở các giải đấu trong khu vực, chứ không nói các giải tầm Châu Lục như K-League của Hàn Quốc hay J-League của Nhật Bản vốn đòi hỏi thể lực mà cầu thủ Việt Nam chưa thể đáp ứng.
Về chuyên môn, Hùng Dũng đa năng và đó là một "điểm cộng" nhưng không có kỹ năng nào anh thực sự đạt đến mức xuất sắc vượt trội so với phần còn lại của bóng đá Việt Nam. Với các kỹ năng thi đấu ở mức khá, không có gì đảm bảo Hùng Dũng có thể "sống khỏe" nếu có chuyển sang đá thuê ở các giải trong khu vực của Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Singapore.
Cuối cùng, như đã nói, khả năng hòa nhập vào lối chơi, hòa nhập về văn hóa, năng lực ngôn ngữ ở môi trường mới là hạn chế của cầu thủ Việt Nam và hạn chế này cũng khiến cơ hội thi đấu của họ khi "xuất ngoại" bị ảnh hưởng rất nhiều bên cạnh những bất cập về thể lực.
Khi Văn Hậu "xuất ngoại", chúng ta đã tin là với thể lực, thể hình, tốc độ, kỹ thuật của anh, cầu thủ quê Thái Bình sẽ thành công hơn các đàn anh đi trước, nhất là khi anh gia nhập một giải đấu không cạnh tranh quá gay gắt như Eredivisie. Nhưng có những chuyện không thể lường trước đã xảy ra khiến Văn Hậu hầu như không được thi đấu. Và câu chuyện có lẽ đã vượt ra ngoài những vấn đề về chuyên môn. Thế nên, nếu cơ hội "xuất ngoại" đến với Hùng Dũng, sẽ có không ít rủi ro tiềm ẩn.
HT
loading...