(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt Nam trước đây và bây giờ có không ít cầu thủ sở hữu khả năng chuyền bóng xuất sắc, có người đi lên trở thành tượng đài, có người chỉ luôn dừng lại ở mức tài năng, không bao giờ đi lên một đẳng cấp khác.
“Như Thuật không thể thành ngôi sao vì thể lực”
Phan Như Thuật là một tiền vệ điển hình của bóng đá Việt Nam với dáng người chỉ tầm 1m70, nhưng sở hữu khả năng chuyền bóng xuất sắc mà đã được nhiều người thừa nhận. Thế nhưng, Như Thuật đã không bao giờ vươn lên tầm ngôi sao của bóng đá Việt.
Khi Minh Phương, Tài Em, Tấn Tài vươn lên trở thành những trụ cột của ĐTQG, Như Thuật vẫn chỉ mãi là một cầu thủ có phẩm chất đặc biệt mà thôi, mặc dù Như Thuật nổi tiếng sớm hơn rất nhiều, lúc anh và Văn Quyến tỏa sáng trong màu áo U16 Việt Nam tại VCK U16 châu Á năm 2000.
Từng nhiều năm huấn luyện Như Thuật ở SLNA, cựu HLV Nguyễn Thành Vinh khẳng định “muốn Thuật phát huy tốt sở trường, những HLV phải tạo một môi trường tốt để cậu ấy phát huy hết khả năng”.
“Tôi luôn luôn để Như Thuật đá chính ở SLNA. Như Thuật có những đường chuyền rất hay cho tuyến trên. Anh ta là một tiền vệ trung tâm có tư duy, cầm bóng tốt. Tôi đã từng sử dụng 3 tiền vệ còn lại hỗ trợ cho Như Thuật.
Chính vì vậy, Như Thuật có thể thi đấu nhô cao hoặc hơi ra biên một chút. Các tiền vệ còn lại sẽ lùi vào trong ổn định khu vực trung tuyến, Như Thuật hoàn toàn đá tự do, được cầm bóng, chứ không phải tìm cách phòng ngự”, HLV Thành Vinh hồi tưởng lại ngày sử dụng Như Thuật.
Từng là “lá phổi” của U16 Việt Nam trong chiến tích lọt vào bán kết VCK U16 châu Á năm 2000, cựu tiền vệ Như Thuật đã có những trải lòng về ngưỡng cửa trước thiên đường của đàn em U16, cùng cuộc đua vô địch ở V-League 2016.
Như Thuật không hoàn hảo là điều ông Vinh xác nhận, Thuật sở hữu thiên khiếu chuyền bóng nhưng thiếu đi yếu tố là gốc rễ của thể thao: thể lực.
“Thuật đá ở CLB thì tốt nhưng lên ĐTQG trình độ thể lực không đáp ứng. Quốc Vượng thực ra có trình độ kỹ thuật sau Thuật nhưng thể lực thì quá tốt, chuyền bóng cũng tốt, chỉ không bằng Thuật thôi. Quốc Vượng lên đội tuyển và từng thi đấu ở U23 Việt Nam rất hay. Như Thuật không lên đội tuyển nhưng ở CLB thì đá tốt nhất là phong cách, đạo đức, tư cách, sinh hoạt”, ông Vinh giãi bày về cậu học trò cũ.
Nhìn thoáng qua Như Thuật là một cầu thủ HLV nào cũng mong muốn, nhưng khi chính thức làm việc với anh, nhiều HLV không dũng cảm trao cho anh cơ hội. Như Thuật là cầu thủ giỏi ở SLNA nhưng không bao giờ vươn lên đẳng cấp ở ĐTQG chỉ vì yếu tố căn cốt là thể lực yếu.
Hình ảnh của Như Thuật ngày ấy rất giống với Thanh Hậu của HAGL thời điểm hiện tại, một cầu thủ mà theo lời HLV Hoàng Anh Tuấn là “chỉ hoàn thiện một nửa”.
Bóng đá hiện đại ngày càng kén chọn. Thể lực là yếu tố tiên quyết cho bất cứ tiền vệ nào, bất cứ cầu thủ nào muốn vươn tầm ngôi sao.
Bài học cho Xuân Trường và những người thầy
Như Thuật đá tốt ở SLNA vì được HLV Nguyễn Thành Vinh tin tưởng, ông hiểu học trò và sẵn sàng thay đổi chiến thuật để phục vụ Như Thuật. Đó là một sự đánh đổi lớn, hy sinh nhiều cá nhân để phát huy tối đa khả năng đặc biệt của một, hay một vài cái tên.
Công Phượng và Xuân Trường là hai tài năng có số phận đặc biệt. Riêng Công Phượng còn được kỳ vọng hơn nên việc tiền đạo này có màn trình diễn mờ nhạt trong trận gặp Malaysia thực sự khiến đau lòng nhiều người. Nhưng...
Xuân Trường tại ĐTQG lúc này hay HAGL ở những mùa giải sau chắc chắn sẽ là nhân tố không thể thay thế. Những kỹ năng chuyền bóng của Trường đã làm nên thương hiệu. Xuân Trường đang cố gắng vươn lên trở thành một tiền vệ toàn diện.
Xuân Trường tự nhận mình yếu về tranh chấp, kém về tốc độ từ thu hồi bóng đến triển khai tấn công, nhưng quan trọng hơn là Xuân Trường phải được đứng trong một đội hình phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Thể lực của Xuân Trường đã tốt lên rất nhiều trong 2 năm trở lại đây. Từ một cầu thủ đáp ứng 70-80 phút thi đấu chính thức hồi còn khoác áo U19 Việt Nam, Xuân Trường lên V-League, sang K-League và giờ đã dày dạn hơn nhiều, hoàn toàn dễ dàng đá trọn vẹn 90 phút và nhiều hơn thế.
Những đường chuyền chọc khe hay chuyền dài vượt tuyến do Xuân Trường thực hiện đang là đặc sản của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng.
HLV Hữu Thắng biết điều ấy, ông biết điểm mạnh của cậu học trò là những đường chuyền, nên việc Hữu Thắng xếp một tiền vệ phòng ngự như Hoàng Thịnh bên cạnh anh là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hoàng Thịnh chuyên đá quét trước hàng hậu vệ, Xuân Trường chỉ phải tham gia phòng ngự ít hơn và tập trung chính vào nhiệm vụ tổ chức bóng.
Nhiều HLV và chuyên gia khẳng định, Xuân Trường không khác biệt nhiều so với các thế hệ đàn anh đi trước như Tài Em, Hoàng Bửu, Hữu Đang, Minh Phương nhưng ở thời điểm hiện tại Trường là cầu thủ quan trọng bậc nhất của đội tuyển và Xuân Trường cần có một vài sự đặc cách về nhiệm vụ trên sân.
Xuân Trường là của hiếm của bóng đá Tuyên Quang
Xuân Trường là cầu thủ nổi bật nhất của bóng đá Tuyên Quang ở thời điểm hiện tại như Tuấn Anh ở Thái Bình và Văn Toàn ở Hải Dương. Câu chuyện của Xuân Trường, Tuấn Anh hay Văn Toàn cho thấy các tài năng bóng đá có thể đến từ mọi miền Tổ quốc. Thứ hai, các địa phương này không có đội bóng chuyên nghiệp và hầu như chỉ có những lứa cầu thủ thiếu niên, nhi đồng trước khi chuyển đến các lò đào tạo trên toàn quốc. “Tuyên Quang là địa phương từng tham gia giải U11, U13 QG, rất sôi động. Các tỉnh ấy hay đưa lứa U11 đi thi đấu. Xuân Trường là một trong những cầu thủ như thế. Sau đó, HAGL họ kiểm tra khắp miền Bắc thì phát hiện Trường có kỹ năng và tư duy rất tốt nên lấy để đào tạo”, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh lý giải.
Ông Vinh cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề này là rất khó khi ngân sách dành cho thể thao của mỗi tỉnh là khác nhau. Công cuộc “đãi cát tìm vàng” là cả một hành trình gian nan và vẫn phải nhờ cậy vào những lò đào tạo lớn, giàu truyền thống như SLNA, hay có tiềm lực tài chính và danh tiếng như Hà Nội T&T, HAGL hay PVF. |
Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa