(Thethaovanhoa.vn) - “Cách đây ít ngày, tôi nhận được thông báo (số 114/TB-CLBBĐ) từ lãnh đạo Chi nhánh Cty TNHH Nhà nước MTV XSKT Cần Thơ – CLB Bóng đá Cần Thơ (gọi tắt là XSKT Cần Thơ) về việc chấm dứt Hợp đồng lao động. Lý do hay thực ra là cái cớ mà họ đưa ra là đội bóng muốn cơ cấu lại nhân sự chuẩn bị cho mùa giải 2016, theo chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ và Hội đồng tuyển chọn gì đấy... Tôi thực sự rất bất bình”, Trần Bửu Ngọc, cựu thủ môn ĐTQG và CLB XSKT Cần Thơ, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa.
Ngày 21/10/2015, thông báo được gửi đi vào thời điểm đội bóng đang nghỉ hết mùa giải và bản thân Bửu Ngọc đang ở quê nhà Đồng Tháp. Theo đó, trong vòng 30 ngày, Bửu Ngọc sẽ phải có mặt tại đại bản doanh XSKT Cần Thơ để tiến hành các thủ tục thanh lý hợp đồng, trong khi ngày 8/11, đội bóng mới tập trung trở lại.
Hoạ vô đơn chí…
Cần chắc rằng, Hợp đồng lao động (dành cho cầu thủ chuyên nghiệp) mà Trần Bửu Ngọc ký với XSKT Cần Thơ có thời hạn 3 năm, kể từ ngày 20/12/2014 đến hết mùa giải 2017. Trong rất nhiều điều khoản ràng buộc cũng như việc đơn phương chấm dứt hợp đồng (quy định ở các Khoản 3.1 và 3.2 thuộc Điều 5) không có bất cứ lý do nào như thông báo mới đây của lãnh đạo XSKT Cần Thơ.
“Tôi không chết, mất tích hay ngồi tù, cũng không bị cơ quan có thẩm quyền tước quyền hành nghề. Nếu lấy lý do là tôi không đảm bảo phong độ, trong khi đội bóng cần tái cơ cấu nhân sự, cũng không thoả đáng. Bởi mùa giải vừa qua, dù tôi đã bị chấn thương nặng ở trận đấu với B.Bình Dương (vòng 6) vẫn cố gắng chơi hơn chục trận cho đội và giúp XSKT Cần Thơ trụ hạng thành công”, Bửu Ngọc nói.
“Chắc chắn, người ta không bỏ ra hơn 6 tỷ đồng để ký hợp đồng với một thủ môn, nếu tôi không có năng lực chơi bóng, mà phải “cơ cấu lại”. Trước khi được mời về XSKT Cần Thơ, tôi đã bắt chính ở Đồng Tháp và từng có thời gian dài phục vụ các ĐTQG. Trong khoảng thời gian ở Cần Thơ, tôi cũng không vi phạm bất cứ hình thức kỷ luật nào. Tôi cho rằng đã có những khuất tất ở đây”, vẫn lời Ngọc.
Theo kế hoạch, thứ Hai tuần tới (tức ngày 9/11), Bửu Ngọc sẽ qua Cần Thơ để nói chuyện phải trái với lãnh đạo đội bóng. Trước đó, kể từ ngày nhận thông báo về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn 2 năm, Ngọc cũng chưa từng nói chuyện với bất cứ vị lãnh đạo nào của XSKT Cần Thơ về việc này. Cựu thủ môn ĐTQG đồng thời cũng gửi thông báo và các tài liệu kèm theo lên TP.HCM nhờ luật sư tư vấn.
Phúc bất trùng lai
Theo quy định, bất cứ một bản hợp đồng dành cho cầu thủ chuyên nghiệp nào được ký đều phải gửi đến VFF, VPF cũng như các bên liên quan. CLB hay đội bóng chủ quản không thể tự thân hành động theo ý mình mà không theo một luật lệ nào cả. Bên cạnh Hợp đồng lao động (dựa trên Bộ luật Lao động – PV) là Bản phụ lục hợp đồng, quy định chi tiết hơn các khoản như phí lót tay (còn gọi là chi phí hỗ trợ) và thời hạn chi trả.
Và cho đến thời điểm này, Bửu Ngọc mới chỉ nhận từ XSKT Cần Thơ chừng 3,2 tỷ đồng trong tổng số 6,378 tỷ đồng/3 năm, được chia làm nhiều đợt. Gần một nửa số này (1,2 tỷ đồng) được chuyển thẳng đến tài khoản của CLB Đồng Tháp để chuộc lại hợp đồng cũ, số còn lại, như đã thông tin, Bửu Ngọc dồn vào việc xây cất nhà cửa cho cha mẹ. Tức là cơ bản, Ngọc không giữ gì cho mình ngoài công việc hiện tại.
Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng của XSKT Cần Thơ với Bửu Ngọc
Nhưng, ngay cả công việc và chế độ hợp pháp của anh tại XSKT Cần Thơ, cũng đang bị đe doạ bởi những toan tính “lệ làng”. XSKT Cần Thơ sau khi chia tay HLV Nguyễn Văn Sỹ để thay bằng GĐKT Vũ Quang Bảo đã thanh lý nhân sự hàng loạt, điển hình là bộ đôi tiền vệ Đức Linh, Ngọc Điểu. Mới đây, VFF đã ra thông báo kết luận 2 cầu thủ này thắng án và XSKT Cần Thơ sẽ phải bồi thường gần 1 tỷ đồng.
Từ nhu cầu làm mới phục vụ chiến-dịch-trụ-hạng của đội bóng Tây Đô ở V-League 2015 cho đến kế hoạch “cơ cấu lại nhân sự chuẩn bị cho mùa giải 2016” theo thông báo mới nhất, thêm rất nhiều cái tên khác bị cho ra đường, trong đó bao gồm cả trợ lý HLV Ngô Việt Trung, giờ là Bửu Ngọc. Người đến kẻ đi ở tầng hầm SVĐ Cần Thơ (trụ sở Cty XSKT Cần Thơ) nườm nượp, để lại những vết thương và điều tiếng.
“Bóng đá tiêu tiền, thậm chí tiêu rất nhiều tiền, nhưng người làm bóng đá không được phép nghĩ đến tiền, không được phép làm lợi cho mình”, phát biểu của PCT HĐQT VPF Nguyễn Công Khế. Là nói thế, nhưng bóng đá Việt Nam từ cấp CLB đến tầm cao hơn, không chỉ có các cá nhân biết tiêu tiền, mà còn rất nhiều bộ máy ngốn tiền.
1. Cho đến thời điểm này, vụ tranh chấp hợp đồng của nhóm 4 cầu thủ K.Khánh Hoà gồm Hữu Chương, Đức Hùng, Tấn Điền và Trọng Bình (năm 2008) vẫn được cho là đình đám nhất cả về số lượng và tính chất vụ việc. Cuối cùng thì V.Ninh Bình và nhóm 4 cầu thủ kia đã thắng bằng luật và bằng cả cách “phi luật”.
2. Nếu lại xảy ra tranh chấp, kiện tụng một lần nữa thì đây là vụ thứ 2 trong 2 năm mà Bửu Ngọc phải nhờ đến luật sư và quan toà VFF đứng ra chủ trì. Năm ngoái, để rời “nhà” Đồng Tháp qua Cần Thơ, Bửu Ngọc (cùng với đồng đội cũ Thanh Hào) đã phải chi 1,2 tỷ đồng/người để bồi hoàn cho đội bóng cũ, dù hợp đồng đã đáo hạn.
3. Bửu Ngọc cũng sẽ là trường hợp thứ 3 liên tiếp mà XSKT Cần Thơ có thể phải hầu kiện, khi trước đó, do không đưa ra được lý do chính đáng trong việc thanh lý hợp đồng với Đức Linh và Ngọc Điểu (trái pháp luật), XSKT Cần Thơ đã bị VFF xử thua, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người lao động. |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa